Chờ...

Tin phát triển bền vững ngày 9/7: Xây dựng quy trình riêng khi điện mặt trời được mua bán trực tiếp

VOH - New South Wales (Australia) sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu “net zero”; Ngành du lịch trước áp lực phải tiên phong chuyển đổi xanh.

Sẽ phải xây dựng quy trình riêng khi điện mặt trời được mua bán trực tiếp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời mái nhà, điện gió…) với khách hàng sử dụng điện lớn.

Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN đã tổ chức rà soát các quy trình nội bộ, trong tháng 7 sẽ hoàn thiện để làm sao phù hợp với các quy định của nghị định cũng như các pháp luật liên quan, để trong nội bộ tập đoàn, các đơn vị thành viên tổng công ty, các tổng công ty mua bán điện sẽ triển khai được ngay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, Nghị định 80 được Chính phủ ban hành với hai cơ chế là mua bán điện qua đường dây riêng và mua bán điện qua lưới điện quốc gia giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.

Với cơ chế mới này không tránh khỏi khó khăn, đặc biệt là mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây riêng, không kết nối lưới điện quốc gia.

Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng lớn sẽ phải tự thỏa thuận đàm phán giá cả. Do hợp đồng được quy định mang tính định hướng, còn các nội dung cụ thể là do hai bên thực hiện, nên ông Tân cho rằng, chắc chắn sẽ có sự lúng túng trong thực hiện.

Khi kết nối lưới điện quốc gia phải đảm bảo an toàn trong vận hành lưới điện. Do đó, đơn vị vận hành là Trung tâm điều độ điện quốc gia sẽ phải xây dựng quy trình của riêng mình. Trong tình huống khẩn cấp sẽ thành lập tổ công tác theo dõi và phản ứng nhanh để thực hiện.

Ngành du lịch trước áp lực phải tiên phong chuyển đổi xanh

Trong 10 lĩnh vực được cho là cần ưu tiên chuyển đổi xanh gồm: Năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp – nông thôn, y tế, quản lý chất lượng tài nguyên nước – tài nguyên đất và đa dạng sinh học, kinh tế biển xanh, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khuyến nghị du lịch là ngành kinh tế cần phải xanh nhất…

Phát biểu tại diễn đàn Du lịch Việt Nam “Chuyển đổi xanh để Phát triển bền vững” tổ chức cuối tháng 6 vừa qua, TS. Võ Trí Thành đưa ra 3 lý do để lý giải cho nhận định trên.

Lý do đầu tiên, ông Thành cho rằng du lịch là ngành trực tiếp phục vụ con người, là dịch vụ cao nhất, tinh hoa trong các dịch vụ phục vụ cho con người, do vậy đòi hỏi “xanh” về trách nhiệm, “xanh” trong tương tác.

Không chỉ mang tới trải nghiệm cá nhân cao, du lịch xanh còn là câu chuyện của cạnh tranh quốc gia, hình ảnh quốc gia, câu chuyện của quá khứ hiện tại và tương lai của một quốc gia”.

Lý do thứ hai, theo TS. Võ Trí Thành, là du lịch gắn với nhiều bên liên quan bởi có một hệ sinh thái phong phú. “Hiện nay đang có quan điểm rất mới và về du lịch, tôi cho rằng du lịch có mấy ý quan trọng: Du lịch là con người, vì con người và du lịch có sự tham gia của tất cả các bên liên quan đặc biệt là vai trò của du khách, doanh nghiệp và cộng đồng”, TS. Thành nói.

Có cùng quan điểm, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, nhấn mạnh du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Mọi sự thay đổi của xã hội, của tự nhiên đều tác động đến du lịch và ngược lại, chính du lịch cũng góp phần tác động lại mức độ bền vững của cảnh quan thiên nhiên môi trường xã hội. Do vậy, việc chuyển đổi xanh trong du lịch và nền kinh tế có sự tương tác qua lại chặt chẽ.

Lý do thứ ba khiến du lịch phải tiên phong chuyển đổi xanh, theo TS. Võ Trí Thành, đó là từ áp lực thay đổi đến từ chính cuộc sống. “Lối sống thay đổi, cách hưởng thụ thay đổi, cách tiêu dùng đã thay đổi. Xa hơn một chút là sự sống còn của doanh nghiệp, đó là đòi hỏi của chính thị trường, thị trường nó bắt anh phải xanh, không xanh không chơi. Và đây chính là yếu tố có ý nghĩa quyết định tới việc sự thành bại của ngành du lịch nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng, đặt ra yêu cầu phải tiên phong đi đầu trong chuyển đổi xanh cho ngành du lịch”, ông Thành khẳng định.

Cùng chung quan điểm đã tới lúc ngành du lịch phải thực thi chuyển đổi xanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định: “Nếu không làm, chúng ta sẽ lạc hậu”.

“Hiện nay khách du lịch sang Việt Nam đã bắt đầu hỏi về du lịch xanh. Vừa đặt chân tới Việt Nam họ hỏi ngay lập tức chỗ nào là xanh, và yêu cầu tới điểm đến xanh. Chẳng hạn như khách Nhật bắt đầu hỏi. Khách Châu Âu thì đã hỏi từ lâu rồi.

Xu hướng này được nhiều công ty đo kiểm thị trường về du lịch khẳng định đây sẽ còn là bước tiến vững chắc trong ngành du lịch, khi ngày càng nhiều du khách và nhà cung cấp dịch vụ nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và duy trì sự bền vững của các điểm đến du lịch.

Co-To

New South Wales (Australia) sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu “net zero”

Tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã có buổi tiếp và làm việc với ông Anoulack Chanthivong – Bộ trưởng Công Thương bang New South Wales, Australia.

Tham dự buổi tiếp, phía Việt Nam có đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Công nghiệp, Vụ Dầu khí và Than. Phía Australia có sự tham dự của Đại sứ Australia tại Việt Nam, đại diện bộ phận kinh tế và đại diện của Văn phòng Bộ trưởng Công Thương bang New South Wales.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá cao mối quan hệ bền vững và toàn diện giữa Việt Nam và Australia, đánh dấu bằng việc hai bên chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 3 vừa qua. Thứ trưởng khẳng định Australia là đối tác quan trọng, toàn diện. Trong đó, các lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng được xem là các hợp tác trụ cột.

Bộ trưởng Chanthivong chia sẻ rằng ASEAN, trong đó có Việt Nam là đối tác đầu tiên được ông lựa chọn cho chuyến công tác nước ngoài trên cương vị là Bộ trưởng Công Thương Bang New South Wales. Bộ trưởng bày tỏ ấn tượng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là sau thời kỳ Đổi mới.

Đáp lại những nội dung ông Chanthivong đề cập, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã điểm qua các hợp tác sôi động giữa Bang New South Wales với Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm đóng hộp, dược phẩm, thực phẩm chức năng, dịch vụ giáo dục… Trong đó, nông nghiệp, thực phẩm là ví dụ điển hình khi New South Wales là nhà cung cấp quan trọng cho Việt Nam các sản phẩm thịt đỏ, thịt sống (đặc biệt là thịt bò), các loại hoa quả trái cây tươi (táo, cherry…).

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương trong phạm vi phụ trách đã trực tiếp đề nghị Bộ trưởng Chanthivong thúc đẩy hợp tác của Bang với Việt Nam đối với hoạt động xúc tiến và tạo thuận lợi cho thương mại; chia sẻ thông tin, công nghệ khai thác khoáng sản; trao đổi cơ hội hợp tác trong lĩnh vực than và khí LNG; hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tận dụng các hiệp định thương mại tự do và hợp tác trong lĩnh vực logistics.

Vai trò quan trọng của việc chuyển đổi than sang khí đốt tự nhiên nhằm cắt giảm phát thải

Theo Báo cáo đánh giá lần thứ sáu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (2021) nằm trong một loạt các báo cáo đánh giá thông tin khoa học, kỹ thuật và kinh tế-xã hội liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu, kể từ năm 2010 đến năm 2019, cường độ carbon toàn cầu hàng năm đã giảm 0,3% (lượng khí thải CO₂ từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch và các quy trình công nghiệp trên một đơn vị năng lượng chính). Báo cáo này cũng đã chỉ ra sự suy giảm cường độ carbon này chủ yếu là do việc chuyển đổi từ than sang khí đốt tự nhiên, sự hạn chế mở rộng công suất than và tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Hiện năng lượng tái tạo chắc chắn đóng một vai trò quan trọng trong việc cắt giảm cường độ phát thải carbon. Tuy nhiên, sự phát triển của chúng không diễn ra ở tốc độ cần thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả. Trong những năm gần đây, sự kết hợp giữa chi phí giảm, nguồn vốn có thể tiếp cận và sự ủng hộ chính trị đã đẩy nhanh đáng kể sự chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng tái tạo.

Sự gia tăng năng lượng tái tạo đang phải đối mặt với những thách thức khó lường trước được ví dụ như chuỗi cung ứng bị gián đoạn và lãi suất leo thang đang làm gia tăng chi phí cũng như hệ thống mạng lưới đường dây truyền tải điện hiện tại tỏ ra không đủ khả năng đáp ứng sự phát triển của các dự án năng lượng tái tạo mới và phi tập trung. Bên cạnh đó, việc xây dựng thêm hệ thống đường dây truyền tải là quá tốn kém và phức tạp. 

Hơn thế nữa, điều quan trọng cần lưu ý là việc tập trung hoàn toàn vào một đường hướng duy nhất để đạt được các mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu có thể cản trở việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững khác cũng như hạn chế tài trợ cho các dự án năng lượng quan trọng và đe dọa sự hỗ trợ công thiết yếu dành cho các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu.

khi-dot-tu-nhien