Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã trực tiếp đến kiểm tra quy trình thực hiện kiểm dịch động vật trước khi chuyển vào khu chăn nuôi lô heo sống này tại Đồng Nai.
VOH có phỏng vấn Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến về kế hoạch nhập tiếp heo sống về Việt Nam để giết mổ nhằm bình ổn giá thịt heo trong nước.
Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến.
*VOH: Xin ông cho biết lô heo sống đầu tiên nhập vào phía Nam số lượng khá lớn, vậy Bộ mình có kỳ vọng như thế nào về công tác tái đàn ở phía Nam?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Phải khẳng định rằng có 3 giải pháp để giảm giá thịt heo. Trong đó, việc tăng đàn, tái đàn là giải pháp căng cốt nhất, kể cả trước mắt mà cả lâu dài.
Năm 2019 mình còn lại 9000 con "cụ kỵ" thôi, chúng ta tính toán vẫn đủ. Tuy nhiên mất 5 tháng, tháng 5 tiêu hủy hết 1 triệu 250 ngàn con, tháng 6 tiêu hủy mất 957 ngàn con, tháng 7 tiêu hủy hết 883 ngàn con, tháng 8 tiêu hủy hết 724 ngàn con, tháng 9 tiêu hủy hết 678 ngàn con. Vì thế, để giải quyết việc này chúng ta phải nhập bổ sung heo bố mẹ để tăng cường thêm năng lực sản xuất giống, phục vụ cho các doanh nghiệp và đồng thời có heo giống bán cho các hộ chăn nuôi.
Đến bây giờ chúng ta đã nhập được hơn 4000 con. Đây là xe heo giống đầu tiên nhập vào phía Nam. Theo đăng ký và cam kết của các doanh nghiệp thì Thùy Dương Phát là nhập khoảng 80 ngàn con cho 3 trại Đồng Hiệp, Hoa Phượng và 1 trại ở Bình Phước. Còn công ty dinh dưỡng Quốc tế Việt Đức sẽ nhập 40 ngàn con và trong kế hoạch năm nay là sẽ hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu này.
Khi mà giống đã nhập vào rồi thì chúng ta sẽ có nguyên liệu đầu vào, một chất lượng đầu vào thì từ Thái Lan là 1 đất nước chăn nuôi tiên tiến chủ yếu là các công nghệ lớn và các trại trại lớn, kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Để thấy rằng với nguồn giống nhập từ Thái Lan đã được khảo nghiệm, kiểm soát và đánh giá rất chặt chẽ.
*VOH: Vậy thì giải pháp tiếp theo sẽ như thế nào trong thời gian tới?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Có 3 giải pháp để giảm giá thịt heo. Thứ nhất là tăng đàn, tái đàn. Trong 5 tháng vừa qua, theo báo cáo của các địa phương là chúng ta đã đạt 24,89 triệu con. Tốc độ tăng của 5 tháng là 5,78%. Riêng 15 doanh nghiệp lớn là có tốc độ tăng 68,3%. Tuy nhiên còn thiếu hụt so với năm 2018 xấp xỉ 2%. Cho nên đấy là giải pháp số 1 để triển khai tăng đàn, tái đàn là phải nhập giống kể cả bố mẹ và cả "cụ kỵ".
Giải pháp thứ 2 là sẽ cho nhập thịt như Thủ tướng chỉ đạo nhập 100 ngàn tấn thịt. Thế thì đến hết 5 tháng đầu năm 2020, chúng ta đã nhập trên 70 ngàn tấn, tuy nhiên, giá bây giờ rất cao nên ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng. Vừa rồi, Bộ quyết định cho nhập heo sống về để giết mổ và văn bản của Bộ đã có hiệu lực từ ngày 12/6/2020.
Tới đây, ngoài tăng đàn, tái đàn, nhập thịt heo từ các nước có ngành chăn nuôi tiên tiến, nhập cả heo về để giết mổ. Đối với những con heo đủ điều kiện để đưa giết mổ sẽ lấy mẫu xét nghiệm âm tính các bệnh theo quy định của luật thú y và trong 5 ngày đưa giết mổ. Như vậy, 3 giải pháp đồng bộ như thế này thì giá thịt heo sẽ giảm xuống, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là đảm bảo lợi ích của 3 người: người chăn nuôi, người phân phối và người tiêu dùng.
*VOH: Với giải pháp nhập heo sống về như thế này thì phía Bộ NN-PTNT có chỉ đạo như thế nào để kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh nhưng mà vẫn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguồn heo được thuận lợi?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trước hết là đối với nguồn nhập của Thái Lan thì đến thời điểm hiện nay, Thái Lan rà soát xem xét các điều kiện theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), theo quy định của thông tin 2 nước với nhau. Những trại đủ tiêu chuẩn nhập vào thì phải có đủ các yếu tố như khu vực của người ta là bán kính 10 Km để cách ly nguồn lây. Thứ 2 các bệnh truyền nhiễm phải được tiêm vắc-xin, đánh giá miễn dịch và lấy mẫu để kiểm tra trong vòng 30 ngày có giá trị với các bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, dịch tả heo Châu Phi, tai xanh và 1 số bệnh khác. Khi chuyển qua biên giới thì không chịu những ảnh hưởng của nguồn lây nhiễm nào, bằng xe chuyên dùng có kẹp chì, về Việt Nam thì phải có khu vực cách ly, trong quá trình nuôi cách ly như thế thì thú y của Việt Nam sẽ lấy mẫu các bệnh truyền lây nguy hiểm. Nếu như kết quả âm tính cả thì cho giết mổ. Đối với heo phải nuôi tiếp trong thời gian tới thì phải nuôi cách ly 14 ngày theo dõi và lấy mẫu xét nghiệm âm tính thì được đưa tới các cơ sở nuôi tiếp theo.
VOH: Xin cám ơn ông!