Bức tranh đa chiều mùa Tết: Nghề nào "hốt bạc", nghề nào "gặp khó"?

VOH - Tết Nguyên Đán được xem là thời điểm “vàng” cho nhiều ngành nghề, dịch vụ ăn nên làm ra khi nhu cầu mua sắm, sửa soạn nhà cửa, đi lại của người dân tăng mạnh.

Dịch vụ giúp việc theo giờ: “Chạy show” không kịp nghỉ

Một trong những dịch vụ "hot" nhất mỗi dịp Tết chính là trang trí và dọn dẹp nhà cửa. Theo quan niệm truyền thống, nhà cửa phải sạch sẽ, gọn gàng để đón may mắn trong năm mới. Chính vì vậy, nhiều gia đình tìm đến các dịch vụ dọn dẹp chuyên nghiệp để tiết kiệm thời gian và công sức.

Chị Nguyễn Thị Hoàn (45 tuổi, TPHCM), cộng tác viên của một công ty cung cấp dịch vụ giúp việc theo giờ chia sẻ: "Ngày thường tôi nhận lau dọn nhà cửa với giá 60.000 - 80.000 đồng/giờ hoặc hơn 100.000 đồng/giờ với dịch vụ cao cấp. Nhưng cận Tết, giá có thể lên đến 150.000 đồng/giờ hoặc thậm chí hơn 200.000 đồng/giờ mà vẫn kín lịch. Từ 25 đến 30 Tết, tôi gần như làm liên tục từ sáng đến tối. Tuy mệt nhưng bù lại thu nhập gấp mấy lần ngày thường."

Dịch vụ giúp việc không chỉ đắt khách mà còn có nguy cơ “cháy nhân lực” do nhu cầu quá cao. Các công ty cung ứng dịch vụ này cũng tranh thủ thời gian cao điểm để tăng doanh thu, có nơi còn áp dụng phụ phí gấp đôi vào những ngày sát Tết.

Dịch vụ làm đẹp: Nơi nào cũng đông nghẹt khách

Tết đến, ai cũng muốn diện mạo tươi tắn, rạng rỡ để đón năm mới. Các dịch vụ như cắt tóc, nhuộm tóc, làm nail, chăm sóc da... luôn trong tình trạng quá tải.

Chị Phạm Thùy Linh (28 tuổi, khách hàng tại một salon tóc ở quận Phú Nhuận, TPHCM), cho biết: "Bình thường tôi cắt tóc và gội đầu chỉ loanh quanh 200.000 đồng, nhưng cận Tết giá lên 300.000 - 350.000 đồng. Các dịch vụ khác như làm móng, uốn tóc cũng tăng giá. Dù giá cao nhưng vẫn phải chờ cả tiếng mới tới lượt. Ai cũng muốn mình đẹp nhất khi bước sang năm mới."

Không chỉ salon tóc mà các dịch vụ như spa, chăm sóc da, nối mi cũng đông khách. Nhiều chủ tiệm phải thuê thêm nhân viên thời vụ và kéo dài thời gian làm việc để đáp ứng nhu cầu tăng vọt.

hxn01039-1674234634018382143643-1674272323486-1674272324397606115661
Các dịch vụ làm đẹp luôn đông kín khách dịp Tết

Các ngành nghề, dịch vụ khác

Dịch vụ sửa chữa, trang trí nhà cửa: Thời điểm cận Tết, nhiều gia đình có nhu cầu sơn sửa nhà cửa, thay mới nội thất, sửa chữa điện nước để đón năm mới. Những người thợ sơn, thợ điện, thợ mộc thường làm không xuể, thu nhập có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với ngày thường. 

Dịch vụ vận chuyển, taxi công nghệ: Tết là dịp nhu cầu di chuyển tăng mạnh, nhất là khi nhiều người về quê, đi du lịch hoặc đi chợ sắm Tết. Các tài xế xe công nghệ, xe tải chở hàng đều có thể “hốt bạc” nhờ số chuyến tăng vọt và giá cước tăng cao.

Bán đặc sản Tết: Những món ăn truyền thống như bánh chưng, giò chả, mứt, rượu, hạt dưa… luôn được săn đón dịp Tết. Nhiều người kinh doanh online hoặc mở sạp bán tại chợ có thể thu lời lớn. Đặc biệt, những mặt hàng “nhà làm” như giò thủ, nem chua, bánh tét, củ kiệu được nhiều khách hàng ưa chuộng. Một số tiểu thương cho biết, chỉ cần bán trong 2-3 tuần cận Tết là có thể kiếm bằng vài tháng kinh doanh ngày thường.

Dịch vụ giữ trẻ, trông thú cưng: Khi các trường học đóng cửa dịp Tết nhưng nhiều phụ huynh vẫn bận rộn công việc, nhu cầu thuê người trông trẻ theo giờ tăng cao. Tương tự, những gia đình có thú cưng nhưng đi du lịch hoặc về quê cũng cần gửi vật cưng của mình tại các điểm trông giữ hay "khách sạn" dành cho thú cưng, khiến dịch vụ này bùng nổ trong dịp Tết.

Dịch vụ viết thư pháp, câu đối, khắc dưa hấu Tết: Những người có khả năng viết thư pháp hoặc khiếu mỹ thuật cũng có thể kiếm thêm thu nhập khi cung cấp dịch vụ viết chữ Tết, câu đối chúc mừng năm mới hoặc khắc chữ nghệ thuật tại các hội chợ, chùa chiền hoặc trung tâm thương mại.

Những câu chữ mang ý nghĩa may mắn, tài lộc như "Phúc - Lộc - Thọ" hay "An khang - Thịnh vượng" luôn thu hút nhiều khách hàng, đặc biệt là những người thích không khí truyền thống của ngày Tết.

Dễ thấy rằng, chỉ cần nhạy bén và tận dụng tốt cơ hội, nhiều người có thể kiếm được khoản thu nhập đáng kể từ những công việc thời vụ dịp Tết.

474621898_9135199519881875_1038267384716617885_n
Dưa hấu khắc chữ nghệ thuật được nhiều người yêu thích

Tuy nhiên, trong dịp Tết năm nay, tình hình kinh tế khó khăn đã tác động mạnh mẽ đến sức mua và tiêu dùng của người dân, đặc biệt là tại các chợ Tết và chợ hoa truyền thống. Nhiều tiểu thương và nhà vườn rơi vào cảnh "ế ẩm", hàng hóa bán chậm, thậm chí nhiều gian hàng phải đóng cửa sớm do không có khách.

Lạm phát tăng cao, giá cả leo thang và thu nhập bị ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế kéo dài đã khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Thay vì mua sắm thoải mái như mọi năm, nhiều người chọn cách tiết kiệm, chỉ mua những mặt hàng thiết yếu hoặc giảm bớt chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ.

Chợ hoa Tết, vốn là nét đẹp văn hóa không thể thiếu mỗi dịp xuân về, năm nay cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Các loại hoa truyền thống như đào, mai, cúc, lay ơn... đều bán chậm. Nhiều tiểu thương phải đối mặt với nguy cơ lỗ vốn do không bán được hàng.

Anh Trúc Linh (38 tuổi, tiểu thương tại chợ hoa Tết ở công viên Lê Văn Tám, TPHCM ) chia sẻ: "Năm nay tình hình kinh tế khó khăn, người dân chi tiêu dè dặt hơn. Người đến công viên tham quan mua hoa không đông như các năm trước. Hoa cũng bán chậm hơn, giá cả cũng phải giảm để thu hút khách. Nhiều người chỉ mua hoa nhỏ để trang trí chứ không mua chậu lớn hay cả cây như trước."

base64-16741921295511506005131
Một chậu mai vàng ở chợ hoa Tết công viên Lê Văn Tám chuẩn bị về với chủ mới 

Các chợ Tết truyền thống, vốn là nơi nhộn nhịp nhất vào dịp cuối năm, năm nay cũng không ngoại lệ. Hàng hóa từ thực phẩm, bánh kẹo, đồ trang trí đến quần áo đều bán chậm. Nhiều tiểu thương phải giảm giá sâu hoặc thanh lý hàng để thu hồi vốn.

Anh Phú (37 tuổi, TPHCM) chia sẻ: "Năm nay kinh tế khó khăn, gia đình tôi quyết định chi tiêu tiết kiệm hơn. Thay vì mua sắm nhiều như mọi năm, chúng tôi chỉ mua những thứ thật sự cần thiết. Tết năm nay đơn giản hơn, nhưng quan trọng là gia đình vẫn đầy đủ và ấm cúng."

Du lịch và giải trí: Điểm sáng 

Trái ngược với sự ảm đạm của các chợ Tết và chợ hoa, ngành du lịch và giải trí lại trở nên sôi động dịp Tết. Sau một năm làm việc và đây là lúc nghỉ ngơi quây quần bên gia đình, người dân có xu hướng tận dụng kỳ nghỉ Tết để đi du lịch, tham gia các hoạt động giải trí và thư giãn.

Các khu du lịch, resort, và công viên giải trí đều ghi nhận lượng khách tăng mạnh trong dịp Tết. Nhiều nơi còn áp dụng chính sách giảm giá, khuyến mãi để thu hút khách hàng.

Những điểm đến nổi tiếng như Đà Lạt, Sapa, Phú Quốc, Nha Trang… thường trong tình trạng “cháy phòng” vào dịp này. Không chỉ trong nước, các chuyến du lịch nước ngoài cũng tăng mạnh, đặc biệt là các điểm đến như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Giá vé máy bay, khách sạn cũng đội lên cao nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng chi tiền để tận hưởng kỳ nghỉ Tết trọn vẹn.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình tại các thành phố lớn vẫn chọn ở lại thành phố và vui chơi tại các trung tâm giải trí trong thành phố. Các địa điểm nổi bật như đường hoa, đường sách, công viên, khu vui chơi, rạp chiếu phim, khu du lịch sinh thái thường kín khách từ mùng 1 đến mùng 5 Tết.

base64-17379877923002097871314
Đông đảo người dân tham quan Đường hoa Nguyễn Huệ 2025 

Đặc biệt, rạp phim luôn là điểm đến quen thuộc của nhiều bạn trẻ. Phim Tết Việt Nam cũng là "món ăn tinh thần" được mong chờ. Các suất chiếu vào buổi tối hoặc những ngày đầu năm thường kín ghế, giá vé có thể tăng nhẹ so với ngày thường.

Tết là dịp quây quần sum họp nên nhiều gia đình, nhóm bạn tổ chức tất niên, họp mặt đầu năm. Các nhà hàng lẩu, nướng, hải sản luôn trong tình trạng "full" bàn. Ngoài nhà hàng, các quán cà phê, quán trà sữa cũng ghi nhận lượng khách tăng cao vào các ngày đầu năm khi giới trẻ rủ nhau đi chơi xuân, chụp ảnh.

Bình luận