Chờ...

Chứng khoán thế giới sụt giảm khi lợi tức và giá dầu 'gióng chuông' cảnh báo về lạm phát

(VOH) – Chứng khoán thế giới trượt giá hôm thứ Hai khi Thượng viện Mỹ thông qua gói kích thích 1.900 tỷ USD gây áp lực cho Kho bạc và cổ phiếu công nghệ có mức định giá cao, làm gia tăng lạm phát.

Những lo ngại này đã làm lu mờ viễn cảnh rằng kích thích sẽ tạo ra một cú hích nữa cho nền kinh tế số 1 thế giới, có khả năng giúp tăng trưởng toàn cầu phục hồi nhanh hơn sau cuộc suy thoái COVID-19.

Các chuyên gia phân tích, kỳ vọng lạm phát tăng tốc mạnh mẽ, một phần là do giá dầu tăng đột biến mới nhất, lần đầu tiên vào thứ Hai đã leo lên trên 70 USD kể từ sau khi bắt đầu đại dịch.

chung-khoan-the-gioi-voh.com.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Chiến lược gia Florent Pochon của Natixis cho biết giữa nguy cơ tăng phát, lạm phát và định giá vốn cổ phần, có rất nhiều lý do khiến thị trường lo lắng về việc định giá lại trái phiếu.

Định giá vốn cổ phần tất nhiên vẫn là một vấn đề nhức nhối, đặc biệt đối với các lĩnh vực thu hút nhiều tiền,” ông cũng nói thêm, tuy nhiên, việc bán tháo nên được coi là cơ hội mua vào, do các ngân hàng trung ương vẫn “ôn hòa về cơ cấu”.

Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI giảm 0,1% vào lúc 08 giờ 28 GMT, do mức tăng của cổ phiếu du lịch và theo chu kỳ của châu Âu được bù đắp bởi khoản lỗ ở thị trường châu Á.

Chứng khoán Trung Quốc ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong bảy tháng, giảm 3,5% trong mối lo ngại rằng giới chức Trung Quốc có thể siết chặt chính sách để kìm hãm mức định giá cao.

Hợp đồng tương lai chỉ số Nasdaq rơi 2% vào đầu phiên giao dịch tại châu Âu, đảo ngược các lợi nhuận thu được trước đó, trong khi S&P 500 giảm 1% khi giới đầu tư xem xét lợi nhuận từ gói kích thích kinh tế.

Theo JPMorgan, mỗi 1.000 tỷ USD của gói hỗ trợ giúp thêm vào giá trị cho mỗi cổ phiếu của các công ty từ 4 - 5 USD, có nghĩa là có khả năng tăng 6-7% cho giai đoạn còn lại của năm.

Các nhà đầu tư chứng khoán đã thót tim hôm thứ Sáu tuần trước khi bảng lương phi nông nghiệp đã tăng 379.000 việc làm trong tháng trước, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,2%.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cố gắng xoa dịu những lo ngại về lạm phát bằng cách lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp thực sự là gần 10% và thị trường lao động còn nhiều trì trệ.

Tuy nhiên, lợi tức trái phiếu Kho bạc 10 năm của Mỹ vẫn đạt mức cao nhất trong một năm là 1,626% theo dữ liệu và đứng ở mức 1,594% vào thứ Hai.

Lợi tức của Mỹ tăng 16 điểm cơ bản trong tuần, trong khi lợi tức của Đức giảm 4 điểm cơ bản.

Ngân hàng Trung ương châu Âu nhóm họp vào thứ Năm trong bối cảnh thảo luận rằng họ sẽ xem xét các cách để hạn chế sự gia tăng hơn nữa của lợi tức khu vực đồng euro.

Sự đổi hướng của quỹ đạo lợi tức đã thúc đẩy đồng đô la lên cao hơn đồng euro, khiến tỷ giá euro rơi xuống mức thấp nhất của ba tháng là 1,1891 USD.

Chuyên gia phân tích Athanasios Vamvakidis của Ngân hàng Mỹ (BofA) lập luận rằng sự kết hợp giữa gói hỗ trợ kinh tế, việc mở cửa trở lại nhanh chóng và tình hình tiêu dùng được cải thiện là một điều tích cực rõ ràng đối với đồng đô la Mỹ.

Chỉ số đô la Mỹ tăng lên mức chưa từng thấy kể từ cuối tháng 11 và lần cuối ở mức 92,06, cao hơn mức đáy tháng 2 là 89,677.

Đồng tiền của Mỹ cũng tăng giá cao hơn đồng yên Nhật, với tỷ giá yên Nhật đạt mức cao nhất trong chín tháng là 108,63 và lần cuối cùng thay đổi ở mức 108,4.

Sự gia tăng lợi tức đã đè nặng lên vàng, đẩy giá vàng xuống 0,1% ở mức 1.698 USD/ounce và chỉ cao hơn mức thấp nhất trong chín tháng.

Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm sau khi lực lượng Houthi của Yemen cho máy bay không người lái không kích tên lửa vào trung tâm ngành công nghiệp dầu của Saudi Arabia vào Chủ nhật, làm dấy lên lo ngại về sản lượng dầu sẽ tung ra.

Giá dầu trước đó đã được hỗ trợ bởi quyết định của OPEC và các đồng minh không tăng nguồn cung vào tháng Tư.

Dầu Brent tăng 1,1% lên 70,14 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ tăng 1% lên 66,8 USD/thùng.