Chờ...

Chuyển đổi số lan tỏa tới chợ dân sinh

VOH - “Chuyển đổi số” giờ đây len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống và ngay cả với những người vốn ngại tiếp cận với công nghệ nhất cũng sẵn sàng thay đổi để thích ứng với thời cuộc.

Sự phát triển nhanh chóng của các sàn thương mại điện tử, các hình thức bán hàng online qua mạng xã hội thời gian qua đã khiến hoạt động kinh doanh, mua bán ở chợ truyền thống dần mất ưu thế về sự tiện lợi.

Hình thức mua sắm trực tiếp và thanh toán bằng tiền mặt tại các sạp hàng ở chợ truyền thống phần nào khiến người tiêu dùng “e ngại” khi phải đếm tiền, rồi nhận tiền lẻ và đôi khi tiền còn dính cả cá, thịt.

Tuy nhiên không chịu ‘bó tay’ trước công nghệ mới, nhiều tiểu thương dù bán thịt, cá, tôm hay chỉ bán bún, rau, bánh tráng trộn… hiện nay cũng đã chịu thay đổi để buôn bán theo kiểu ‘không dùng tiền mặt’, tạo thuận lợi hơn cho khách hàng.

tiểu thương
Nhiều tiểu thương chợ truyền thống đã trang bị mã quét QR để phục vụ nhu cầu thanh toán chuyển khoản - Ảnh: Thủy Ngân

Bà N.T. Út, tiểu thương chợ Hoà Bình (Quận 1, TPHCM) chia sẻ: “Sau quá trình trải nghiệm và ứng dụng công nghệ thanh toán vào việc buôn bán, cô cảm thấy rất tiện lợi khi khách có thể thanh toán nhanh qua Internet Banking mà không phải trả tiền mặt”.

Dù mất khá nhiều thời gian “làm quen” với công nghệ mới nhưng bà Út thừa nhận: “Trước kia cô phải tốn nhiều thời gian cho việc đếm tiền, trả lại tiền thừa cho khách, nhưng từ khi chuyển đổi, khách chỉ cần thanh toán đúng số tiền qua cách quét mã QR hoặc quẹt thẻ vô cùng nhanh chóng”.

Bà N. T. B. Hạnh, tiểu thương chợ Vĩnh Long cũng chia sẻ: “Tôi bán thịt 10 năm rồi và cũng mới mở thêm hình thức chuyển khoản. Bây giờ giới trẻ thích như vậy vì tiện, không phải thối tiền qua lại. Tôi buôn bán nhỏ nhưng cũng phải thay đổi theo thời đại thì mới bán được hàng”.

Chuyển đổi số, chuyển đổi hình thức thanh toán ở các khu chợ dân sinh chưa bao giờ dễ dàng bởi đa số tiểu thương là người trung niên và lớn tuổi, họ còn khá xa lạ với các cụm từ như Internet Banking, quét mã QR...

Tuy vậy, theo xu hướng phát triển chung, các tiểu thương chợ truyền thống đã triển khai chuyển đổi có hiệu quả và lan tỏa hình thức này cho nhiều người khác.

Các tiểu thương cũng đã linh hoạt hơn trong việc lựa chọn phương thức thanh toán chẳng hạn như quét mã QR, chuyển khoản hay nhận tiền qua ứng dụng Viettel Money, VNPT Money của Viettel, VNPT, Ví Momo, VIETQR...

quét mã
Khách hàng cũng cảm thấy thuận lợi hơn khi quét mã QR để chuyển khoản khi mua hàng - Ảnh: Thủy Ngân

Chị V. T. Ngoan, bán cá tại chợ Tân Lập (TP Thủ Đức) cho biết, trước đây, việc chị nhận hay thối tiền thừa cho khách không hề thoải mái. Một số khách hàng khó tính còn tỏ ra khó chịu khi nhận lại tiền thừa ẩm ướt, dính vẩy cá.

“Từ khi tôi nói khách có thể trả tiền thông qua chuyển khoản, khách cũng hào hứng hơn. Trong lúc tôi làm cá thì khách hàng chuyển tiền. Tài khoản cài đặt trên điện thoại báo nhận ngay lập tức nên tôi bỏ hẳn được công đoạn đếm trả tiền thừa. Khách cũng dễ chịu hơn vì không phải cầm tiền dính cá” – chị Ngoan chia sẻ.

Chị H. Linh, bán hoa tại nhà ở TP Thủ Đức cho biết, chị đăng ký nhiều hình thức chuyển khoản, nên khách có thể chuyển qua tài khoản hay ứng dụng đều được.

“Ngoài việc đỡ phải đếm tiền thì, mình còn đỡ mất thời gian, nhất là trong những ngày rằm, mùng một khách mua hoa quá đông. Chuyển khoản mình còn tránh được rủi ro về tiền rách, tiền giả” – chị Linh nói.

Năm 2023, được xác định là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Cùng với đó, hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch, mua sắm thông qua các phương tiện thanh toán điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến.

Với tiểu thương chợ truyền thống, đây cũng được xem là xu hướng tất yếu để ‘hút’ khách quay trở lại chợ, khi mà thời gian qua, một lượng lớn khách hàng đã chuyển qua mua sắm mọi thứ ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay cửa hàng trực tuyến.