Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu cua sang Trung Quốc đã đạt 18,5 triệu USD, cao gấp 18 lần so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ này là nhu cầu tiêu thụ cua phục vụ dịp Tết Nguyên đán tại Trung Quốc.
Cua Cà Mau có lợi thế cạnh tranh lớn khi có giá thành hợp lý, với kích cỡ nhỏ nhưng chất lượng thịt ngon, ngọt, phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng Trung Quốc. Trong khi đó, cua nhập khẩu từ Australia, Mỹ, Canada có kích cỡ lớn và giá cao, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường này.

Khi cung không đủ cầu, giá cua Cà Mau tăng cao kỷ lục. Tại huyện Năm Căn, trong tháng 1, cua gạch loại 1 (từ 400 gram trở lên) có giá lên tới 1,1 triệu đồng mỗi kg, cua gạch loại 2 đạt 900.000 đồng mỗi kg, và cua thịt loại 1 cũng có giá lên đến 750.000 đồng mỗi kg. Mặc dù giá đã hạ nhiệt sau Tết, cua Cà Mau vẫn duy trì ở mức cao đảm bảo lợi nhuận tốt cho người nuôi.
Ông Dư Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Dư Thái Bình tại Năm Căn, cho biết dù nhu cầu sau Tết giảm, nguồn cung cua biển trong dân cũng không còn nhiều, giúp giá vẫn duy trì ở mức có lợi cho người nuôi.
Ngoài thị trường xuất khẩu, cua Cà Mau cũng rất được ưa chuộng trong nước. Với hơn 250.000 ha diện tích nuôi cua biển kết hợp trong vuông tôm, Cà Mau hiện là vùng sản xuất cua biển chủ lực của Việt Nam, sản lượng cua đạt giá trị hơn 10.000 tỷ đồng mỗi năm.