Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản, Việt Nam hiện có khoảng 260 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 khu đang xây dựng. Tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt bình quân trên 70%; giá thuê nhà xưởng bình quân trên cả nước vào khoảng 60 đến 80.000 đồng/m2 và giá mua đất khu công nghiệp đã có hạ tầng đồng bộ vào khoảng 3 đến 5 triệu đồng/m2.
Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển tốt nhất, thu hút các nhà sản xuất FDI dịch chuyển từ Thái Lan, Trung Quốc sang mở nhà máy và đó là cơ hội để các nhà phát triển bất động sản tiến sang lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp để cho thuê đất.
Nhìn chung tại Việt Nam, nguồn thu chính yếu của các nhà phát triển khu công nghiệp là tiền cho thuê đất. Khi nhìn tổng thể về doanh thu, chúng ta thấy rõ doanh thu cơ bản của một khu công nghiệp bao gồm: Tiền cho thuê đất để nhà đầu tư xây nhà máy; Phí dịch vụ hạ tầng, phí quản lý; Tiền điện, nước, nước thải, rác thải...
Về sau, nhà phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam bổ sung khoản doanh thu từ việc xây nhà xưởng cho thuê, tạo thêm một phần giá trị gia tăng cho bất động sản công nghiệp này.
Đối với khu công nghiệp kiểu mới, ngoài khoản thu thêm từ tiền cho thuê nhà xưởng xây sẵn, nhà phát triển khu công nghiệp có thể bổ sung thêm nhiều tiện ích, dịch vụ mà nhà đầu tư thứ cấp sẵn sàng sử dụng như: Trung tâm cung cấp khí đốt; Trung tâm bán điện năng lượng tái tạo; Trung tâm cung cấp khí công nghiệp (Oxy, Ni tơ v.v.); Trung tâm dịch vụ logistics; Kho ngoại quan (ICD)
Hiện nay, một số ít khu công nghiệp tại Việt Nam có dịch vụ thứ 4 (logistics) và thứ 5 (kho ngoại quan) còn phần lớn các khu công nghiệp khác chỉ trông cậy vào doanh thu từ tiền cho thuê đất. Một số nhà phát triển khu công nghiệp lập luận rằng hoàn thành thủ tục giấy phép cho dịch vụ logistics hoặc kho ngoại quan rất nhiêu khê và tốn nhiều thời gian. Nếu nhìn tổng thể thì việc xin giấy phép để vận hành một khu công nghiệp đã tiêu tốn khá nhiều thời gian và nhiều thủ tục. Do vậy, việc tốn thêm một công đoạn để hoàn thành thêm dịch vụ logistics và kho ngoại quan, tuy khó khăn nhưng chúng tạo thặng dư rất đáng kể cho nhà phát triển khu công nghiệp.
Ngoài ra, chúng ta có thể phát triển thêm các dịch vụ, tiện ích khác giúp cho nhà đầu tư vào khu công nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn và phía chủ khu công nghiệp tăng thêm doanh thu.
Làn sóng đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp của Việt Nam ngày càng mạnh mẽ. Trước bối cảnh mới và cơ hội mới, nhà phát triển khu công nghiệp có thể bắt tay vào xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới, đa dạng hóa nguồn thu giúp mang thặng dư nhiều hơn là chỉ đơn thuần cho thuê đất.
Cần đa dạng các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, hỗ trợ tối đa việc thu hút các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Cần minh bạch hóa thông tin về thị trường bất động sản, về quy hoạch, tín dụng, thuế, phí…tạo điều kiện để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong nền kinh tế thị trường.
Đầu tư phát triển một thế hệ các KCN mới sẽ mang lại các giá trị kinh tế - xã hội và môi trường hiệu quả, mạnh mẽ và nhanh chóng. Đây không chỉ là sự sẵn sàng mà là một tất yếu bắt buộc trong nền kinh tế chuyển đổi số, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Phát triển KCN mới sẽ đem lại nhiều lợi ích, không chỉ lợi ích chung cho toàn xã hội mà cả lợi ích riêng cho chủ đầu tư, nhất là thương hiệu và sự phát triển bền vững lâu dài.