Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo Việt Nam đã nối dài chuỗi sụt giảm liên tục kể từ tháng 12/2024 đến nay.
Ngày 12/2, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ còn 397 USD/tấn, giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan là 425 USD/tấn, gạo Ấn Độ là 413 USD/tấn và Pakistan ở mức 402 USD/tấn.
Với chủng loại gạo 25% tấm, giá xuất khẩu của Việt Nam là 372 USD/tấn, bằng giá gạo Pakistan và thấp hơn gạo Thái Lan 34USD/tấn, thấp hơn gạo Ấn Độ 22 USD/tấn.

So với thời điểm giá gạo Việt Nam lập đỉnh vào giữa tháng 8/2023 (700 USD/tấn), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tụt dốc và xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Cụ thể, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 303 USD/tấn, tương ứng giảm hơn 43%.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ chỗ cạnh tranh trực tiếp, thậm chí nhiều thời điểm vượt qua Thái Lan để đứng đầu thế giới thì hiện tại đang lùi lại khá xa, thấp nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu gạo lớn.
Giá gạo xuất khẩu đang “chạm đáy” nhưng chuyên gia cho rằng, tình trạng này chỉ mang tính ngắn hạn. “Sự ảm đạm của thị trường lúa gạo sẽ không kéo dài quá lâu bởi thực tế nhu cầu tiêu dùng gạo vẫn lớn.
Philippine dù cố gắng hạ giá gạo nội địa nhưng phần lớn sản lượng gạo tiêu thụ đều được nhập khẩu và gạo Việt Nam được người dân nước này ưa chuộng nhiều năm qua. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc và châu Phi cũng đã bắt đầu nghe ngóng để đàm phán đơn hàng mới.
Vấn đề hiện nay là giá gạo đang thấp, đơn hàng xuất khẩu ít nhưng lượng lúa gạo thu hoạch tăng dần và nông dân có nhu cầu bán ngay. Do đó, doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn lưu động cho việc thu mua, tạm trữ vừa giảm tình trạng ùn ứ lúa cho nông dân vừa giúp doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu những tháng sau.