Chờ...

Hội thảo kiểm kê khí nhà kính - Nâng cao kiến thức và hành động cho thị trường cacbon và thuế cacbon

VOH - Năm 2024, có 2.166 cơ sở phát thải phải kiểm kê khí nhà kính, tăng 254 cơ sở so với năm 2022, chiếm 30% tổng phát thải quốc gia. Các doanh nghiệp đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Ngày 4/10/2024, Sở Công Thương tỉnh Long An, phối hợp cùng Trung tâm Khoa học và Hợp tác Net Zero Việt Nam - Asia (VANZA) và Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp (QCC), sẽ tổ chức Hội thảo với chủ đề "Tuyên truyền, phổ biến kiến thức và tập huấn lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính" cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Long An và các tỉnh thành lân cận.

z5885252227805_46fc9789b1697a2bf606b4ed8afbd2ad

Hội thảo nhằm phổ biến kiến thức, tầm quan trọng của việc thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, quy trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường 2020, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

Ngày 13/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg, cập nhật danh mục các lĩnh vực và cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Theo quyết định này, có 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc diện phải kiểm kê, tăng 254 cơ sở so với danh mục năm 2022, chiếm khoảng 30% tổng lượng phát thải quốc gia.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng và cập nhật danh mục này, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định kỳ 2 năm một lần. Do vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp phải xây dựng các biện pháp giảm nhẹ, có lộ trình đầu tư công nghệ trước khi chính thức phải thực hiện từ năm 2026.

Các lĩnh vực phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm: năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải. Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm có 1.912 cơ sở, thuộc các ngành: công thương, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.

Đây là những vấn đề mới, do vậy doanh nghiệp cần được tập huấn về kiểm kê khí nhà kính để nắm bắt được các quy định một cách có hiệu quả cũng như cách tính toán, biểu mẫu, đo đạc khí nhà kính và các giải pháp quản lý nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

z5885499366475_7979b5f28bc3a271ef2857b5594eae55
Ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch Trung tâm Khoa học và Hợp tác Net Zero Việt Nam – Asia (VANZA)

Ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch Trung tâm Khoa học và Hợp tác Net Zero Việt Nam – Asia (VANZA), nhấn mạnh: “Kiểm kê khí nhà kính là nền tảng quan trọng cho việc xây dựng thị trường và thuế các-bon. Doanh nghiệp là nhân tố chính đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam theo Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong giai đoạn 2023 - 2025, khi các chính sách khuyến khích vẫn đang áp dụng, doanh nghiệp cần khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai giải pháp giảm phát thải phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh. Bắt đầu từ năm 2026, lượng phát thải khí nhà kính sẽ bắt buộc phải giảm, do đó doanh nghiệp cần chuẩn bị sớm về đầu tư công nghệ và phát triển đội ngũ nhân lực.

Việc kiểm kê KNK không chỉ là trách nhiệm, mà còn mở ra cơ hội tham gia thị trường tín chỉ các-bon trong nước. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính để tái đầu tư, mà còn giúp họ giảm chi phí trong bối cảnh thuế các-bon sẽ được áp dụng lên hàng nhập khẩu vào châu Âu từ cuối tháng 10/2023. Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện cũng đang nghiên cứu cơ chế này để tiến tới đề xuất thuế các-bon tại Việt Nam.

Hội thảo sẽ tập trung thảo luận 2 nội dung chính đó là tầm quan trọng của giảm thiểu phát thải khí nhà kính và các bước thực hiện và giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Về việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính ThS. Tạ Quang Kiên từ Trung tâm QCC sẽ chia sẻ với hội thảo về các bước thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính và những lưu ý quan trọng trong quá trình lập báo cáo. Ông Kiên sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp cách thu thập dữ liệu chính xác, cách tính toán lượng phát thải và cách xây dựng các biện pháp giảm nhẹ hiệu quả. Đồng thời đưa ra  các giải pháp thực tiễn để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đặc biệt là các giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến và quản lý năng lượng hiệu quả. Ông Kiên cho biết: "Các doanh nghiệp cần áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến như hệ thống quản lý năng lượng, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và tối ưu hóa quy trình sản xuất để đạt được mục tiêu giảm phát thải."

Tại hội thảo, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tham gia phiên thảo luận, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia về những vấn đề liên quan đến kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Đây sẽ là dịp để các doanh nghiệp giải đáp những thắc mắc, đồng thời nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và môi trường.

Hội thảo tuyên truyền, phổ biến kiến thức và tập huấn về kiểm kê phát thải khí nhà kính không chỉ mang đến những thông tin quan trọng mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp tại Long An và các tỉnh thành lân cận nâng cao hiểu biết về ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng chịu nhiều áp lực từ biến đổi khí hậu và các cam kết quốc tế, việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trở thành yếu tố sống còn cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

Với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu và các doanh nghiệp quan tâm, hội thảo hứa hẹn sẽ mang lại những giá trị thiết thực, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về trách nhiệm và cơ hội trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần vào mục tiêu chung của quốc gia về giảm phát thải và bảo vệ môi trường.

Theo quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris, các quốc gia thành viên, trong đó Việt Nam, có trách nhiệm định kỳ gửi báo cáo kiểm kê khí nhà kính. Từ năm 2024 trở đi, các quốc gia phải nộp Báo cáo minh bạch hai năm một lần. Và một trong những nội dung bắt buộc kèm theo là báo cáo kiểm kê quốc gia khí nhà kính, bao gồm tài liệu kiểm kê khí nhà kính quốc gia và các bảng báo cáo chung.

Để đáp ứng yêu cầu kiểm soát được ít nhất 85% tổng phát thải khí nhà kính như quy định của Thoả thuận Paris, số lượng cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính sẽ không ngừng tăng trong thời gian tới. Bên cạnh các cơ sở bắt buộc thực hiện kiểm kê khí nhà kính, nhiều cơ sở phát thải khí nhà kính cũng đang tự nguyện thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Có thể thấy nhu cầu rất lớn thực hiện kiểm kê KNK tại Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.