Theo đó, câu hỏi lớn được đặt ra vào lúc này là làm sao nền kinh tế nước nhà có thể nắm bắt, tận dụng cơ hội từ hiệp định này để bứt phát, tạo ra những đòn bẩy phát triển thật sự hiệu quả.
Ngày 28/7, VOH đã giới thiệu đến bạn đọc bài Khi cánh cửa thị trường châu Âu đã rộng mở: Vào thị trường châu Âu bằng thương hiệu Việt, để tiếp nối nội dung này VOH tổ chức tọa đàm “Cần làm gì để bước vào sân chơi EVFTA” với sự tham gia của các vị khách mời: ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam; Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam và PGS-TS Nguyễn Văn Trình – chuyên gia kinh tế – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM.
Khách mời tham gia tọa đàm “Cần làm gì để bước vào sân chơi EVFTA"
*VOH: Mời ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam – nhận định về những lợi thế nổi bật cũng như hạn chế mà chúng ta cần phải lưu ý trước tiên khi nói về Hiệp định EVFTA.
- Ông Đỗ Hà Nam: Chúng ta sẽ có những lợi thế. Các thiết bị hàng đầu thế giới sẽ đầu tư tại Việt Nam, sẽ được đào tạo các chuyên gia lành nghề, các nhà quản lý, các kỹ sư, giúp chúng ta có đội ngũ sản xuất. Đặc biệt, đối với nông nghiệp, nhiều mặt hàng, sản phẩm lâu nay chúng ta xuất thô sẽ chuyển sang xuất khẩu với chất lượng cao.
Bên cạnh đó, điểm bất lợi lớn nhất chúng ta thấy đó chính là rào cản kỹ thuật, đặc biệt trong nông nghiệp trồng trọt và chế biến. Nông dân chúng ta vẫn còn đi theo xu hướng là sản xuất chạy theo số lượng, dẫn đến việc sử dụng nhiều phân hóa học, thuốc trừ sâu, đó là điểm bất lợi trong xuất khẩu hàng hóa vào EU.
*VOH: Thưa PGS-TS Nguyễn Văn Trình – Chuyên gia kinh tế - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, riêng tại Thành phố mang tên Bác, nơi được xem là đầu tàu kinh tế cả nước thì EVFTA sẽ có những tác động như thế nào đến xu thế phát triển kinh tế trên địa bàn Thành phố? Đó sẽ bao gồm những lợi thế nào và thách thức ra sao?
- PGS-TS Nguyễn Văn Trình: TPHCM có thuận lợi chúng ta đều thấy là ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm là ngành công nghiệp chủ lực được TP đầu tư trong thời gian qua. Những ngành công nghiệp chế biến sâu của nông sản phẩm của Việt Nam đều được thể hiện tại TPHCM. Thành ra xuất khẩu nông sản phẩm đã qua chế biến sẽ đi từ TPHCM là chủ yếu.
Một thuận lợi nữa là hàng hóa nhập khẩu từ EU trong đó người dân TPHCM có thu nhập tương đối khá cao trong cả nước, thành ra lượng nhập khẩu cũng gia tăng, tạo ra tính cạnh tranh trên thị trường của TP.
Trong thời gian qua, khi đàm phán EVFTA thì lãnh đạo TPHCM đã xây dựng các chương trình để phổ biến. Chúng tôi đã hướng các doanh nghiệp của TP chuẩn bị tinh thần, điều kiện để khi Hiệp định ký kết thông qua và có hiệu lực thì sẽ chủ động hơn, đó là thuận lợi của doanh nghiệp TP.
Còn khó khăn chung thì chúng ta thấy, EU có 28 thành viên, việc nghiên cứu thị trường cụ thể các doanh nghiệp cần phải tiếp cận cụ thể từng văn hóa tiêu dùng của từng thị trường. Ngoài ra, các thủ tục, rào cản pháp lý, phi thuế quan của EU rất cao, rất khó.
*VOH: Thưa Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, một khi chính thức “đặt chân” vào “sân chơi” EVFTA thì rõ ràng điều mà các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung phải lưu ý chính là các quy định, thỏa thuận hay nói cách khác là cần phải có nền tảng vững vàng về pháp lý, cơ sở pháp luật. Luật sư nhận định ra sao về vấn đề này?
- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Trong quá trình thực tế khi chúng ta làm ăn thương mại, đặc biệt đối với liên minh Châu Âu, như anh Trình nói là thị trường rất khắt khe. Do đó chúng ta cũng phải sửa đổi những quy định cho phù hợp với Hiệp định này. Từ nay đến khi Hiệp định bắt đầu triển khai có nhiều việc, đặc biệt trong công tác xây dựng pháp luật. Tôi thấy rằng các nhóm tư vấn trong nước cũng như các tổ chức đại diện tư vấn độc lập phải tham gia để bảo đảm cân bằng lĩnh vực kinh tế, xã hội cũng như là môi trường.
*VOH: Có thông tin là khoảng 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nắm rõ hoặc không biết thông tin về hiệp định này. Nếu thực tế như vậy thì dưới góc độ là một chuyên gia kinh tế thì đây có phải là một điều “đáng báo động” hay không, thưa PGS-TS Nguyễn Văn Trình?
- PGS-TS Nguyễn Văn Trình: Thực sự có một tâm lý thế này, tâm lý là trên địa bàn TPHCM các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất e ngại tiếp cận thị trường EU vì tâm lý cho rằng thị trường khó tính mà họ thì muốn có thị trường dễ dàng hơn.
Chúng tôi cũng đề xuất doanh nghiệp nên thay đổi quan điểm này vì chúng ta ngày càng hội nhập sâu vào thị trường khu vực và thế giới thì phải chú ý đến thị trường bên ngoài. Tiếp cận thị trường, doanh nghiệp chủ động ở chỗ nâng chất lượng hàng hóa lên, đây là cơ hội để hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ của TPHCM khẳng định được uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và trên thế giới.
Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận ngay với các tiêu chuẩn của thị trường EU đồng thời cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư ở nước ngoài.
*VOH: Riêng với ngành lương thực – thực phẩm nói chung và các doanh nghiệp trong ngành nói riêng, đặc biệt nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang tiếp cận, nhận thức ra sao về nội dung cũng như những cơ hội tiềm năng từ Hiệp định EVFTA?
- Ông Đỗ Hà Nam: Chúng tôi cũng là những doanh nghiệp có thể nói rất nhiều năm xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Lượng hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này cũng rất lớn nhưng chúng ta vào không ở nhóm chất lượng cao là do vấn đề thuế, thương hiệu.
Tôi cho rằng chưa đầy đủ khi nói Hiệp định EVFTA xuất hiện thì doanh nghiệp không hiểu và thờ ơ. Ở đây là vấn đề chưa biết bắt đầu như thế nào, làm ra sao và cũng thấy nhiều rủi ro phải đối diện khi còn đang xuất thô.
Việc có Hiệp định này giúp doanh nghiệp phấn khởi là thuế vì có những mặt hàng thuế rất cao.
- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Qua ý kiến anh Nam, tôi thấy rằng chúng ta đang tham gia một sân chơi lớn nhưng đội ngũ "phòng thủ" của chúng ta khi tham gia đá trên sân còn mới, còn yếu, cần phải học nhiều hơn nữa.
Tôi thấy nếu doanh nghiệp không cơ cấu lại, chúng ta sẽ thua ngay tại sân nhà nếu có tranh chấp xảy ra. Chúng ta phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là tiêu chuẩn sản phẩm khi gia nhập EU.
Một vấn đề cần quan tâm nữa là từ nay đến cuối năm phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác đào tạo.
Minh Hiệp – Ngọc Bích – Minh Phước
(còn tiếp)