Chờ...

Khởi nghiệp vượt khó trong tâm dịch: Không quên giúp đỡ cộng đồng

(VOH) - Cuộc thi Dự án khởi nghiệp với chủ đề "Nông nghiệp phát triển bền vững" lần 7 vừa chọn ra những thí sinh chiến thắng tại vòng chung kết ngày 15/12.

Cuộc thi do Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cùng Công ty Cổ phần Vinamit tổ chức.

Điều đọng lại và gây dấu ấn trong kỳ thi năm nay, đó là những doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã nêu cao tinh thần vượt khó và biết san sẻ với cộng đồng trong tâm dịch Covid-19.

khoi-nghiep-vuot-kho-trong-tam-dich-khong-quen-giup-do-cong-dong-voh.com.vn-anh1
Điều đọng lại và gây dấu ấn trong kỳ thi năm nay, đó là những doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã nêu cao tinh thần vượt khó và biết san sẻ với cộng đồng trong tâm dịch Covid-19. (Ảnh: BTC cung cấp)

Tại vòng chung kết bảng A - dành cho các dự án khởi nghiệp nông nghiệp, ban tổ chức đã chọn dự án Tương ớt cổ truyền Spico (Thanh Hóa) để trao giải nhất, giải nhì trao cho dự án Thịt thay thế  (TP.HCM) và 2 giải ba trao cho dự án COBOTÉ - Ứng dụng giá trị dừa vào sản phẩm chăm sóc cá nhân (Bến Tre), dự án Mật chuối Tabai - Nâng cao giá trị trái Chuối Việt và hỗ trợ đồng bào dân tộc Raglai mưu sinh (Khánh Hòa).

Những dự án này đã thuyết phục ban giám khảo vì đã nêu ra các ý tưởng, cách thức sản xuất, hay các hoạt động kết nối, phát triển thị trường và đặc biệt là nêu bật được giá trị nguồn tài nguyên bản địa mang lại.

Anh Lê Minh Cương - chủ thương hiệu Tương ớt cổ truyền Spico đã có 3 lần khởi nghiệp. Lần đầu tiên vào năm 2016, anh khởi nghiệp nhiều lần với sản phẩm nông nghiệp nhưng thất bại. Nhưng đam mê nâng tầm sản phẩm địa phương nên năm 2019, anh lại tiếp tục khởi nghiệp với trái ớt quê mình (Thanh Hóa). Đó là câu chuyện của mùa đông năm 2019, anh Cương về quê thấy nguồn ớt chất lượng nhưng giá rẻ, nông dân bỏ đi hết. Đồng thời, khi nhìn thấy cháu đang sử dụng tương ớt công nghiệp, một ý tưởng lóe lên một loại gia vị trồng ở quê mình năng suất tốt, chất lượng tốt, tại sao lại không thể phát triển và chế biến. Làm sao để có được gia vị sạch cho người dùng, tương ớt không có phụ gia?

Bắt gặp ý tưởng này là cơ may nhưng cũng là thách thức. Bởi mọi người đã quá quen với các sản phẩm tương công nghiệp, nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Thêm nữa, mọi người xung quanh cho rằng ý tưởng này gần như chẳng thể, vì quá lâu rồi mọi người đâu còn biết đến “hương vị ngày xưa”.

Nhưng nói là làm, nỗi đau đáu khi nhìn thấy nông sản chất lượng cao phải bán với giá thấp, nhìn người thân phải sử dụng thực phẩm không an toàn lại thêm những câu chuyện về hương vị truyền thống càng thôi thúc anh Cương quyết tâm thực hiện ý tưởng khởi nghiệp này. Bắt đầu từ việc mày mò trên mạng xem ông bà ngày xưa làm kiểu gì, rồi điều chỉnh phù hợp khẩu vị bây giờ và cố gắng tận dụng tất cả nguyên liệu là nông sản địa phương. Tháng 4/2020, anh dùng số tiền tiết kiệm 45 triệu làm một xưởng sản xuất nhỏ, lấy thương hiệu tương ớt cổ truyền Spico (viết tắt của Spicy country).

“Với mình, Spico chính là cầu nối để đưa nguyên liệu từ đất mẹ lan tỏa tới người tiêu dùng và góp phần phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống”, anh Lê Minh Cương tâm sự.

Tại bảng B, anh Phan Minh Tiến - chủ nhân thương hiệu mật dừa nước ông Sáu đạt giải nhất, Phạm Đình Ngãi (công ty Trà Vinh Farm) nổi tiếng với sản phẩm mật hoa dừa đạt giải nhì, giải ba trao cho tác giả Võ Văn Phong (Du lịch C2T) và Đoàn Ngọc Minh Thùy (công ty Tinh dầu Hương Đồng Tháp).

Khác với bảng A, 13 dự án vào chung kết ở bảng B nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng khởi nghiệp do đây là bảng thi có hàng loạt thí sinh nặng ký, từng đạt giải thưởng cao trong những mùa thi trước và doanh nghiệp đang hoạt động tại Phiên chợ xanh – Tử tế. Từ những câu chuyện của các dự án, có thể nhận thấy rằng, dịch bệnh tràn qua khiến không ít doanh nghiệp lao đao, bế tắc tưởng chừng không lối thoát. Tuy nhiên, tất cả đã nỗ lực, tìm cách xoay trở để duy trì dự án, chờ đợi cơ hội để vươn lên. Có doanh nghiệp phải thay đổi cả phương thức kinh doanh để thích ứng với hoàn cảnh, đồng thời ủ mưu chờ cơ hội phục hồi trở lại khiến nhiều giám khảo nể phục.  

Có thể kể đến như trường hợp của anh Võ Văn Phong (Du lịch C2T), kinh doanh lĩnh vực du lịch cộng đồng ở tỉnh Bến Tre. Nhưng năm 2020 dịch Covid “quét” qua, ngành du lịch không hoạt động được, công ty của anh chuyển qua bán rau, củ. Đến năm 2021, Covid lại tiếp tục, C2T xoay sở sang thu mua thêm gia súc, gia cầm của nông dân bán cho khách hàng du lịch của mình. Không chỉ bán cho khách hàng ở tỉnh Bến Tre, C2T cũng cố gắng bán nông sản lên cho khách ở TP.HCM. Nhờ sự thay đổi kịp thời này, C2T có lãi trong mùa dịch dù chuyển hướng kinh doanh.

“Thời điểm đó, ngày nào chúng tôi cũng có thu nhập ổn định. Doanh thu tăng gấp 2-3 lần so với trước đây. Hiện nay, chúng tôi đã có những tour du lịch mới khởi động trở lại nhưng vẫn tiếp tục duy trì công việc kinh doanh nông sản. Đây là cách để chúng tôi duy trì nguồn thu trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19”, anh Phong chia sẻ thêm.  

Theo đánh giá của các giám khảo, kiến thức và kinh nghiệm quản trị của các chủ dự án ở bảng B đã được nâng cao. Nguyên vật liệu, quy trình sản xuất được quan tâm chuẩn hóa và đặc biệt là hành vi của người tiêu dùng được các thí sinh thấu hiểu sâu hơn để linh hoạt chuyển hóa sản phẩm, mô hình kinh doanh phù hợp. Chính niềm lạc quan, hành động nhanh gọn, dứt khoát đã giúp các bạn vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Điều này ở các thế hệ khởi nghiệp trước đây không có nhiều.

“Các bạn khởi nghiệp rất mạnh mẽ, có ý chí và quyết tâm vượt qua. Đồng thời, các bạn không co ro bó mình lại mà biết nhìn xung quanh và đa số là sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng, chia sẻ với xã hội trong đại dịch vừa qua”, Giám khảo Nguyễn Mỹ Khanh - Trưởng ban biên tập TFS Hãng phim truyền hình TPHCM nhận xét.  

Theo đó, anh Phan Minh Tiến hỗ trợ sản phẩm mật dừa nước cho các tình nguyện viên chống dịch Covid-19 bổi bổ sức khỏe; anh Phạm Xuân Thành (công ty Con tôm rừng) tặng tôm khô cho các bếp ăn nấu cho người bệnh Covid, đội ngũ y bác sĩ; Du lịch C2T và công ty Thiên Nhiên Việt (TP.HCM) bán nông sản giúp dân và tặng thực phẩm cho những người khó khăn trong dịch bệnh,… với những hành động đẹp biết sống vì cộng đồng của họ, càng làm cho ban giám khảo cuộc thi đánh giá tính nhân văn của các dự án khởi nghiệp nông nghiệp năm 2021.

“Các bạn không những có kiến thức và còn có cả đạo đức. Tôi cảm thấy thú vị và tự hào về những thế hệ tương lai đầy xán lạn này", giám khảo Nguyễn Lâm Viên - Giám Đốc Công ty Vinamit cho biết.