Đăng nhập

Lên kệ tại siêu thị Mỹ, cua gạch Cà Mau có giá hơn 500 ngàn/con

VOH - Cua gạch Cà Mau được bán tại thị trường Mỹ với giá bán lẻ 22 USD, tương đương 545.000 đồng mỗi con.

Ngày 2/4, giám đốc Công ty Vua Cua Đoàn Thị Anh Thư cho biết lô hàng cua gạch Cà Mau hấp sẵn bày bán ở thị trường Mỹ được nhiều người tiêu dùng ủng hộ và đánh giá tốt.

Trong thời gian thử nghiệm, Công ty Vua Cua dự kiến xuất 800 kg đến một tấn cua gạch hấp mỗi tuần sang Mỹ.

Tại Mỹ, đối thủ trực tiếp của cua gạch Cà Mau là cua nâu Na Uy. Loại này có gạch nhiều hơn và giá cũng rẻ hơn. Trên sàn online Sayweee, một con cua nâu Na Uy hấp trọng lượng 500-600 gram giá gốc chưa đầy 12 USD, và chỉ còn 8,8 USD sau khuyến mại.

Theo bà Thư, giá cua gạch Cà Mau cao hơn nhưng chất lượng thịt ngọt và thơm hơn cua nâu Na Uy nên vẫn được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Lên kệ tại siêu thị Mỹ, cua gạch Cà Mau có giá hơn 500 ngàn/conXem toàn màn hình
Cua Cà Mau hấp ngọt thịt được ưa chuộng tại Mỹ 

Thừa nhận chưa thể cạnh tranh về giá với cua nâu Na Uy, CEO Vua Cua cho biết trong tháng tư sẽ thu hẹp khoảng cách bằng việc chuyển sang vận chuyển đường biển.

Đơn vị sẽ xuất nguyên container gồm cua hấp và các mặt hàng khác như bánh canh cua, xôi cua, nước xốt. Lúc đó, giá mỗi con cua hấp sẽ giảm xuống khoảng 19 USD.

Cuối năm 2023, sau nhiều năm nghiên cứu và hoàn thiện pháp lý, Công ty Vua Cua là đơn vị đầu tiên xuất khẩu chính ngạch cua Cà Mau chế biến sẵn sang Mỹ với nhiều vị xốt khác nhau, cùng với ốc hương hấp đông lạnh.

Theo công ty dữ liệu xuất nhập khẩu Volza, Mỹ là nước nhập khẩu cua nhiều nhất thế giới năm qua, tính theo số lô hàng, từ hơn 70 nước. Trong đó, 3 nhà cung cấp chính là Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc.

Riêng Việt Nam, Mỹ nhập khoảng 1.700 lô thịt cua ghẹ từ Việt Nam thông qua 149 nhà nhập khẩu từ 125 nhà cung cấp, chủ yếu ở dạng thịt xay, thanh trùng đóng lon, càng đông lạnh.

Cà Mau là tỉnh có quy mô nuôi cua cao nhất cả nước. Tổng giá trị sản lượng cua bình quân mỗi năm trên 10.000 tỷ đồng. Từ 2023, cua được xác định là ngành hàng chủ lực hàng đầu, chỉ sau tôm. Mỗi vùng nuôi đã xây dựng nhãn hiệu riêng. Trên mỗi con cua của các cơ sở kinh doanh đều đã gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Hiện cua Cà Mau sống của Việt Nam đã xuất sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản nhưng sản lượng còn khá thấp.

Bình luận