Số liệu mới nhất từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, trong bối cảnh thị trường hồi phục mạnh, tháng 6, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 145.864 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 45.000 tài khoản so với tháng trước, mức cao nhất trong vòng 10 tháng.
Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội tăng mạnh sau khi chạm đáy vào tháng 4.
Theo kết quả khảo sát nhanh trong chương trình Khớp Lệnh mới đây, có đến 85% khán giả ưu tiên đầu tư vào kênh chứng khoán trong nửa còn lại của năm nay. Các kênh khác là: vàng, bất động sản, gửi tiết kiệm ít được ưu tiên hơn.
Dữ liệu này cho thấy, nhiều nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng vào sự phục hồi trên thị trường chứng khoán.
Các chuyên gia cho rằng, động lực chính cho thị trường tiếp tục đến từ việc hạ lãi suất điều hành và thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt từ tháng 7 trở đi, lãi suất cho vay tiếp tục hạ nhiệt sẽ có tác động rõ nét hơn đến tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.
Chứng khoán MBS dự báo VN-Index có thể đạt mức 1.155 - 1.200 điểm với P/E tương ứng 12 - 12,5 lần. Thậm chí Công ty Chứng khoán VNDirect còn đánh giá, chỉ số có thể chạm ngưỡng 1.350 điểm.
Ông Phan Mạnh Hà, Giám đốc kinh Công ty Chứng khoán VNDirect chia sẻ trên VTC News, thanh khoản toàn thị trường cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong giai đoạn hiện nay, chứng tỏ khi lãi suất giảm thì sẽ thúc đẩy thêm dòng tiền đầu tư vào chứng khoán.
Ông Hà cho rằng, thị trường chứng khoán vẫn đang phụ thuộc 90% vào dòng tiền cá nhân, vì vậy 6 tháng cuối năm 2023 sẽ có một cơn sóng rõ ràng chứ không phân hóa như giai đoạn đầu năm. Tuy nhiên, khó đón cơn sóng mạnh do tâm lý nhà đầu tư sợ hãi sau đợt giảm sâu của thị trường năm 2022.
Nhìn chung cơ hội cũng đi kèm với thách thức, trong đó biến động tỷ giá trong nửa cuối năm là điểm nhà đầu tư cần theo dõi, hay việc đáo hạn hơn 116.000 tỷ đồng trái phiếu, với tâm điểm vào tháng 9 và tháng 12 cũng là những yếu tố nổi bật.