Chờ...

Nhiều ưu đãi thu hút đầu tư vào du lịch ở Hà Tĩnh

(VOH) - Chiều 18/5, tại Hà Tĩnh, khoảng 40 doanh nghiệp lữ hành cùng cán bộ Sở Du lịch 2 địa phương TPHCM - Hà Tĩnh đã tham dự Tọa đàm và góp ý sản phẩm du lịch “Kết nối phát triển du lịch Hà Tĩnh”.

Hà Tĩnh sẽ hỗ trợ tiền cho công ty du lịch

Hà Tĩnh nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung bộ và nằm trên tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung”, giao thông đi lại thuận tiện vì có cả đường bộ, đường không và đường biển kết nối với các khu, trung tâm du lịch lớn của các tỉnh trên cả nước.

Theo ông Lê Trần Sáng, PGĐ Sở VHTT&DL Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh có hơn 500 di tích văn hóa lịch sử, 300 cơ sở lưu trú, trong đó có 1 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, 8 khách sạn 3 sao…

Năm 2017, số lượng khách du lịch đến Hà Tĩnh đạt 5,3 triệu lượt, tăng 4,5 lần so với các năm trước. Tuy nhiên, để thu hút du khách nhiều hơn, UBND tỉnh này cũng kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược tập trung vào các dự án du lịch kèm theo đó là chính sách hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển cũng như công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Các công ty lữ hành ở các tỉnh khi mở văn phòng đại diện tại Hà Tĩnh sẽ được tỉnh hỗ trợ ban đầu từ 50 triệu đồng, trong thời gian 3 năm sẽ được 150 triệu đồng. Chính sách này sẽ kéo dài trong 8 năm.

thu hút đầu tư, du lịch Hà Tĩnh

Đoàn đại biểu TPHCM chụp hình lưu niệm tại Khu di tích đại thi hào Nguyễn Du

Các công ty lữ hành ở Hà Tĩnh nếu mở văn phòng đại diện tại TPHCM hoặc Phú Quốc, Kiên Giang cũng được tính hỗ trợ với số tiền tương ứng cho một văn phòng.

“Sở dĩ có chính sách này vì chúng tôi là một trong những tỉnh có rất nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển du lịch nhưng khách đến đây vẫn chưa nhiều. Thêm vào đó, công ty lữ hành cũng chưa mặn mà với Hà Tĩnh hoặc chưa hiểu nhiều về Hà Tĩnh nên chưa dám đầu tư, vì thế nên lượng khách chủ yếu là đi qua chơi, chưa dừng lại chi tiêu nhiều – do đó HĐND tỉnh đã ban hành chính sách này và kéo dài đến năm 2025” – ông Sáng cho hay.

Ông Cao Văn Tùng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Bến Thành cho rằng: du lịch Hà Tĩnh thời gian tới sẽ đón nhiều du khách hơn nếu biết khai thác các sản phẩm chuyên biệt, phù hợp với từng đối tượng khách. Với nhiều danh nhân, nhiều di tích lịch sử sẽ phù hợp với lượng khách đoàn thể, Hội như Hội cựu chiến binh, Thanh niên… với loại hình du lịch về nguồn hoặc du lịch tâm linh.

Việc các Tập đoàn lớn trong lĩnh vực bất động sản đầu tư các khách sạn hạng sang như: khách sạn Vin Pearl, Khu phức hợp công viên nước Cửa Sót… ở Hà Tĩnh, thời gian qua cũng là dấu hiệu bước đầu có thể đáp ứng phân khúc thị trường cao cấp…

Thu hút khách – quan trọng vẫn là chi phí

Một trong những khó khăn hiện nay là du khách đổ về miền Trung quá nhiều, gây nên sự quá tải, đẩy giá dịch vụ cao, khó kiểm soát. Do đó, cần các nhà quản lý có sự điều tiết, chính sách giá tốt để trải đều lượng khách cho các mùa thấp điểm.

Trách nhiệm của những người làm du lịch ở địa phương là phải làm sao giảm được sự quá tải trong mùa cao điểm và thu hút khách vào mùa thấp điểm. Địa phương cần có một chính sách liên kết, làm việc với các dịch vụ đầu vào; có chính sách giá tốt để tạo ra các sản phẩm, quảng bá sản phẩm của mình để đưa khách vào những mùa thấp điểm.

Ông Phạm Ngọc Châu, PGĐ Công ty Du lịch Viettour kiến nghị, việc xem xét, tạo những đường bay với giá ưu đãi đến Hà Tĩnh với chi phí thấp để khuyến khích doanh nghiệp lữ hành đưa vào khai thác tuyến điểm Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình.

Theo ông Châu, muốn thu hút khách từ TPHCM, tất cả đều quy về chi phí, đường bay thuận tiện. Nhìn chung khách du lịch cũng không có quá nhiều thời gian để đi đường bộ đến các tỉnh phía Bắc Trung Bộ này. Họ thường chỉ có 2 - 3 ngày hoặc 4 - 5 ngày thì chắc chắn phải sử dụng phương tiện máy bay từ TPHCM đi.

Do đó, nếu có được sự ủng hộ từ hàng không để có được giá cả phù hợp cho chi phí vận chuyển thì sẽ dễ dàng thu hút khách du lịch đến với ba tỉnh Bắc Trung Bộ là Nghệ An - Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Ông Nguyễn Tấn Hòa, Giám đốc Công ty Du lịch Festival Việt Nam cũng cho rằng: Hà Tĩnh sẽ là một trong những điểm cần phải tính toán lại để phát triển được du lịch.

“Nếu chỉ từ TPHCM ra Hà Tĩnh thì sẽ rất khó thiết lập chương trình. Tôi nghĩ phải làm sao tính toán cách kết nối với hai tỉnh bên cạnh là Nghệ An và Quảng Bình để có sản phẩm du lịch phù hợp vì đây là 2 địa phương đã có sân bay” – ông Hòa cho biết.

Trước những ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp lữ hành, ông Lê Trần Sáng, PGĐ Sở VHTTDL Hà Tĩnh cho hay, sẽ ngồi lại với lãnh đạo du lịch 2 địa phương Nghệ An - Quảng Bình để có sự liên kết chặt chẽ trong việc xây dựng sản phẩm phù hợp cho từng giai đoạn, thời điểm từng đối tượng du khách để đáp ứng nhu cầu của du khách TPHCM - thị trường du khách nội địa lớn nhất cả nước.