Chờ...

Phổ biến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực đến doanh nghiệp trong các KCX-KCN TP

(VOH) – Ngày 24/3, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được phổ biến đến doanh nghiệp trong các KCX-KCN TPHCM.

Ban quản lý các KCX-CN TPHCM đã phối hợp cùng Trung tâm Hội nhập quốc tế, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức Hội nghị Phổ biến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong các KCX-KCN TP.

Phổ biến Hiệp định RCEP đến doanh nghiệp trong các KCX-KCN TP
Phổ biến Hiệp định RCEP đến doanh nghiệp trong các KCX-KCN TPHCM.

Mục tiêu của hội nghị là hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời cập nhật thông tin về Hiệp định RCEP, phân tích cơ hội và thách thức khi Hiệp định thực thi, dự báo các xu hướng mới tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

Tại Hội nghị, ông Trần Ngọc Bình, Trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TPHCM thuộc Bộ Công Thương cho biết, việc vận dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan trong Hiệp định RCEP là một vấn đề mà doanh nghiệp cần phải quan tâm để tận dụng cơ hội. Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP được quy định ở Chương 3.

Theo quy tắc này, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng một trong ba trường hợp sau: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên; Hàng hóa được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên; Hàng hóa sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ nhưng đáp ứng quy định tại Quy tắc cụ thể mặt hàng.

Đối với Quy trình cấp và kiểm tra chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa bao gồm Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), chứng từ tự khai báo xuất xứ hàng hóa của nhà xuất khẩu đủ điều kiện, chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nhà xuất khẩu.

Việt Nam cùng với các nước thành viên RCEP (trừ Campuchia, Lào, Myanmar) bắt đầu triển khai thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của nhà xuất khẩu không quá 10 năm sau ngày thực thi Hiệp định. Trường hợp chưa thể triển khai thực hiện trong 10 năm này, các nước được phép gia hạn tối đa 10 năm nữa để thực hiện cơ chế này.

Ông Bình cũng cho biết, riêng ngành dệt may, RCEP tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành dễ dàng khai thác lợi ích của các hiệp định, đã có và thúc đẩy chuỗi sản xuất trong khu vực. Như vậy, Nhật Bản sẽ  là một thị trường tiềm năng.

Nếu trước đó hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN và Nhật Bản trong khi Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu trong ngành này từ Trung Quốc, nay với RCEP, hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Ông Đào Xuân Đức - Phó Trưởng Ban quản lý các KCX-CN TP cho biết, hiện nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thi, việc Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết vào ngày 15/11/2020 giữa ASEAN với Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc được coi là động lực tăng trưởng mới cho thương mại quốc tế.

Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hoá thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, Hiệp định RCEP được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại có quy mô lớn nhất thế giới, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các đối tác.

Đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp trong KCX-KCN TP tận dụng hiệu quả Hiệp định để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.  

Được biết, với 1.652 dự án đầu tư vào trong 17 KCX-KCN TP, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 7.000 triệu đô la Mỹ, kim ngạch nhập khẩu đạt 5.800 triệu đô la Mỹ chủ yếu vào các thị trường khối Asean, EU, Nam mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản …