Nguyên nhân vì sao và sắp tới nên tiến hành những bước đi gì để sớm khẳng định giá trị, thương hiệu gạo Việt? VOH đã phỏng vấn Anh hùng lao động Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, đơn vị được Chính phủ, Bộ ngành liên quan và tỉnh An Giang ký thác, đặt kỳ vọng sẽ tạo ra thương hiệu gạo quốc gia trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời
VOH: Thưa ông, dù là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới nhưng Việt Nam bị xem chỉ mạnh về lượng – yếu về chất. Ngoài ra, vấn đề xây dựng thương hiệu gạo của chúng ta rất kém. Ông đánh giá như thế nào về nhận xét này và tình hình xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam?
Ông Huỳnh Văn Thòn: Quả thật công tác làm thương hiệu của chúng ta còn kém thật nên mình chưa có thương hiệu. Riêng vấn đề đầu tư, quan tâm và điều kiện cần thiết để làm thương hiệu thì chúng ta cũng không bằng các quốc gia khác. Tôi nghĩ đó là cái tất yếu!
Nhưng nói về tiềm lực, triển vọng thì chúng ta hoàn toàn làm được. Bởi chất lượng gạo của ta hoàn toàn tốt. Chúng ta có phương thức sản xuất đảm bảo truy xuất được nguồn gốc theo chuỗi sản xuất lúa gạo, lại đảm bảo an toàn về thực phẩm. Tất cả những cái đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để làm thương hiệu. Vấn đề còn lại là quan điểm, cách làm, có đầu tư nguồn lực hợp lý cho nó hay không?
Vừa qua với gạo Lộc Trời 28, đã đạt được giải nhất tại cuộc thi đấu xảo lúa gạo thế giới tại Trung Quốc, vượt qua cả gạo Thái Hom Mali, gạo Seng cu Campuchia, thì hoàn toàn tự tin rằng, với người nông dân, nhà khoa học, điều kiện khí hậu và thiên nhiên Việt Nam...chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất được lúa ngắn ngày, năng suất cao nhưng chất lượng vẫn ngon.
Và với cách làm, quy trình sản xuất, chuỗi giá trị sản xuất, truy xuất được nguồn gốc, bảo đảm được an toàn thực phẩm... thì việc chúng ta xây dựng được thương hiệu lúa gạo không phải là không có điều kiện. Tất nhiên không dễ, nhưng hoàn toàn có thể. Vấn đề là chúng ta tổ chức làm thương hiệu như thế nào, đầu tư ra làm sao, quyết tâm để làm được thương hiệu.
VOH: Những thông tin ông đưa ra theo ông nguyên nhân vì sao gạo Việt chưa có thương hiệu?
Ông Huỳnh Văn Thòn: Cái quan trọng là chúng ta chưa thấy giá trị, tầm quan trọng của thương hiệu. Vì vậy dẫn đến phân bổ nguồn lực, đầu tư, phương pháp làm của chúng ta chưa tốt. Tôi nghĩ chuyện đó cũng bình thường của giai đoạn đầu làm kinh tế. Do đó chúng ta bị chèn ép, chúng ta không có thương hiệu, giá thấp.v.v. Nỗi đau đó nó đã thấm, giờ chúng ta mới có nghị lực, quyết tâm. Tôi tin rằng sắp tới chúng ta sẽ làm được thương hiệu gạo
VOH: Nói về xây dựng thương hiệu gạo, có thông tin Chính phủ, đại diện một số Bộ- ngành đã giao cho Tập đoàn Lộc Trời nhiệm vụ xây dựng thương hiệu gạo. Chi tiết ra sao thưa ông?
Ông Huỳnh Văn Thòn: Cái chúng ta đang nói là một sự ký thác. Tôi cho rằng, sứ mệnh mang đến thì mình phải làm việc đó. Tại hội nghị xúc tiến thương mại ở An Giang, UBND tỉnh đã ký với Lộc Trời hợp tác, sản xuất và làm thương hiệu lúa gạo với sự chứng kiến của Thủ tướng và các Bộ trưởng. Tất cả đều mong rằng, Lộc Trời sẽ hoàn thành sứ mệnh này với sự hợp tác của nông dân. Đây là một sứ mệnh thiêng liêng và cao cả. Lộc trời nhận sứ mệnh này và chúng tôi sẽ cố gắnghết sức mình để làm được điều đó.
VOH: Vậy thì Tập đoàn Lộc Trời, bản thân ông đặt ra lộ trình thực hiện như thế nào?
Ông Huỳnh Văn Thòn: Đó là lộ trình rất dài, chi tiết và nhiều việc. Nó khó mà thành ra phải công phu lắm! Cái đầu tiên của năm nay, chúng tôi phải làm là tạo ra được hình ảnh cho rõ ràng, tên sản phẩm, giá trị cần mang lại là gì. Năm tới, tỷ lệ bao nhiêu người Việt Nam biết tới, chấp nhận và tiêu dùng, lượng gạo mình bán ra trên thị trường là bao nhiêu? Cái mà chúng tôi nghĩ rằng, muốn đạt được thương hiệu thì phải được người dân ủng hộ, thừa nhận, tin tưởng vào chất lượng hạt gạo đó. Tôi nghĩ rằng, chắc không sớm hơn 5 năm. Tuy nhiên, năm đầu tiên ít nhất 10% người Việt Nam biết đến gạo Hạt NgọcTrời và chất lượng của nó.
VOH: Tức là người tiêu dùng trong nước là đối tượng cực kỳ quan trọng?
Ông Huỳnh Văn Thòn: Thật ra, người dân trong nước mới là quan trọng? Về lâu về dài, chúng ta phải nghĩ rằng, sản xuất gạo chủ yếu phục vụ cho người dân mình ăn thôi. Còn việc xuất khẩu không phải là quan trọng. Đó là ý kiến của riêng tôi.
Như các bạn biết, xuất khẩu gạo đâu phải dễ mang lại giá trị về kinh tế và đặc biệt về lợi nhuận cho người nông dân đâu?! Theo tôi nghĩ, cái mà nông dân có thể làm được là đáp ứng nhu cầu tốt nhất cho người dân trong nước của mình. Hơn nữa, đối với thương hiệu thì người dân tại chỗ biết đến, xem nó là sản phẩm mình yêu quý thì nó mới định hình và lan tỏa ra để thành thương hiệu quốc gia và thương hiệu quốc tế.
VOH: Chính ông đưa ra thông tin lúa ngắn ngày có thể đạt được chất lượng và thậm chí xây dựng được thương hiệu. Vì sao, cơ sở nào để ông khẳng định?
Ông Huỳnh Văn Thòn: Vấn đề khoa học thì không thể nói trước được. Cũng như chúng ta đâu thể hình dung rằng, chỉ cần bấm 1 cái nút thôi chúng ta có thể nói chuyện với người ở cách nửa vòng trái đất?! Nhưng hồi trước, đây là vấn đề bị xem là ảo tưởng. Thành ra trước đây người ta mặc định rằng, số lượng và chất lượng cái gì cũng mâu thuẫn nhau. Nếu năng suất cao thì chất lượng không cao. Tôi nghĩ chính chúng ta đã tự giới hạn. Nhưng bây giờ khoa học có thể làm thay đổi hoàn toàn như điện thoại di động ngày nay chẳng hạn.
Gạo Lộc Trời 28, giống ngắn ngày, năng suất cao nhưng chất lượng là gạo ngon nhất thế giới (trong khi các giống cùng dự thi như Thái Hom Mali, Seng cu là dài ngày hơn).Nhưng điều quan trọng niềm tin để dẫn đến thay đổi là sự tổng hoà giữa các nhà khoa học, thời tiết khí hậu, nông dân Việt Nam...Đó là sức mạnh để chúng ta đạt được, cái mà chúng ta nghĩ là không thể làm được!
VOH: Theo ông, đến khi nào trong tương lai chúng ta có được những sản phẩm đạt được chất lượng, đạt thương hiệu về gạo mà thế giới phải công nhận?
Ông Huỳnh Văn Thòn: Tôi nghĩ rằng, không sớm nhưng cũng không quá xa nếu chúng ta có niềm tin. Từ năm 2015, chúng ta đã đạt giải 3 về gạo ngon dù mới đi thi đấu xảo lần đầu. Nhưng lần thi này chúng ta đã đạt được giải nhất. Tôi nghĩ rằng, đó là cuộc chơi rất lý thú, đường đua càng về sau chúng ta càng rút ngắn khoảng cách.
VOH: Vậy về đích nhanh hay chậm là do cách đi của mình?
Ông Huỳnh Văn Thòn: Nội lực của chúng ta là chính, quyết tâm của chúng ta là cơ bản!
VOH: Xin cám ơn ông