Đăng nhập

Thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng mạnh

(VOH) - Thống kê cho thấy, hình thức thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng mạnh hằng năm.

“Thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng mạnh hằng năm 90% về số lượng và 150% về giá trị. Nhiều ngân hàng đạt trên 90% giá trị giao dịch trên kênh số. Chỉ từ tháng 3 đến nay đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản được mở bằng phương thức điện tử eKYC trong số 110 tài khoản thanh toán đang hoạt động tại Việt Nam…” - Thông tin được nêu tại hội thảo “Tiến đến quốc gia không tiền mặt” do báo Tuổi Trẻ, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức sáng nay 19/11.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 9 tháng đầu 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng gần 1,9% và tăng tới gần 43% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Đến cuối tháng 9/2021, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là gần 111 triệu tài khoản, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nguyễn Thị Hồng Xem toàn màn hình
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, miễn giảm phí dịch vụ thanh toán, dịch vụ công, từng số tiền giảm phí ngành ngân hàng năm 2021 đến với người dân khoảng 1.557 tỷ đồng.

Trong hai năm qua, ngành ngân hàng đã có 100% phí chuyển mạch bù trừ điện tử, miễn giảm phí dịch vụ thanh toán, dịch vụ công. Từng số tiền giảm phí ngành ngân hàng năm 2021 đến với người dân khoảng 1.557 tỷ đồng. Tính cả năm 2020, con số này lên tới 2.000 tỷ đồng. 80% giá trị giao dịch thanh toán cá nhân trên kênh điện tử đã được miễn phí.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ sở, cơ chế chính sách, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tạo thuận lợi cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được dịch vụ. Trong đó, trước mắt tập trung hoàn thiện trình Chính phủ về Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101”.

Về chuyển đổi số trong ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Phạm Tiến Dũng cho biết, 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số.

Hiện có khoảng 80 ngân hàng triển khai dịch vụ Internet Banking, 44 ngân hàng cung cấp dịch vụ Mobile Banking, 45 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hơn 90 ngàn điểm thanh toán QR, gần 298 ngàn POS.

9 tháng đầu 2021 so với cùng kỳ 2020: Thanh toán Mobile tăng hơn 76% về số lượng và hơn 88% về giá trị; Thanh toán qua Internet tăng hơn 51% về số lượng và hơn 29% về giá trị.

Đối với doanh nghiệp bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op chia sẻ, từ tỷ trọng 4% khách hàng thanh toán không tiền mặt khi mua hàng ở các siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op thì ngay trong dịch Covid-19 con số này tăng vọt lên 40% thậm chí nhiều thời điểm lên đến 50%.

Theo ông Lưu Tuấn Nghĩa, Giám đốc phát triển kinh doanh, mảng chấp nhận thanh toán, Visa Việt Nam, khảo sát mới đây trên 6.520 người tiêu dùng ở Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Campuchia cho thấy, ít nhất 65% người tiêu dùng cho biết lượng tiền mặt trong ví của họ đã giảm, thay vào đó họ sử dụng nhiều thẻ và các phương thức thanh toán không tiếp xúc hơn. 84% người tiêu dùng cho biết họ đã lên kế hoạch hạn chế dùng tiền mặt và sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt thường xuyên hơn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá: “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 trên 3 mảng lớn là: xây dựng chính phủ số, thứ hai nền kinh tế số và thứ ba là xã hội số. Xung quanh những vấn đề chúng ta thảo luận hôm nay liên quan đến một đề án rất lớn là thanh toán không dùng tiền mặt – một nội dung rất quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia, mang đến những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp”.

Bình luận