Chờ...

Thị trường gạo thế giới diễn biến thất thường, cơ hội lớn cho xuất khẩu

VOH - Lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng thời tiết El Nino diễn biến phức tạp, nguồn cung hạn hẹp đã ảnh hưởng tới các nước sản xuất gạo chủ chốt.
Thị trường gạo thế giới diễn biến thất thường, cơ hội lớn cho xuất khẩu 1

Năm 2023 là năm thành công lớn của ngành lúa gạo nước ta. Việt Nam tiếp tục là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Hoạt động xuất khẩu gạo năm 2024 của Việt Nam tiếp tục được dự báo lạc quan, với nhiều tín hiệu tích cực kể cả về thị trường và giá.

Nguồn cung gạo gián đoạn

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023- 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo bằng năm 2023 nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực.

Nguồn cung gạo toàn cầu đã bị gián đoạn do cung ứng các loại gạo mà Ấn Độ hạn chế xuất khẩu - gạo trắng non-basmati, gạo đồ và gạo tấm - đều giảm mạnh trong cùng khoảng thời gian. Điều đó khiến các nước nhập khẩu ở Nam, Đông Nam Á và châu Phi cận Sahara gặp khó khăn, buộc họ phải tìm kiếm nguồn thay thế trong bối cảnh khi các nước xuất khẩu gạo lớn khác, bao gồm Việt Nam và Thái Lan, cũng bị El Nino gây ảnh hưởng đến sản xuất gạo.

Xuất khẩu gạo Ấn Độ giảm mạnh

Trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu vốn đã không chắc chắn này, các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ đã gây thêm căng thẳng cho thị trường. Mặc dù xuất khẩu tiếp tục diễn ra trong nửa đầu năm 2023 sang các thị trường quan trọng ở Tây Phi như Senegal, nhưng kể từ tháng 7/2023, hoạt động xuất khẩu này không đáng kể. Từ tháng 8 đến tháng 11/2023, Ấn Độ chỉ xuất khẩu 28.500 tấn gạo tấm, giảm 95% so với năm trước. Lệnh cấm đối với gạo trắng non-basmati cũng khiến khối lượng xuất khẩu giảm tương tự. Từ tháng 8 đến tháng 11/2023, xuất khẩu gạo trắng non-basmati đạt tổng cộng khoảng 154.000 tấn, giảm 93%.

Hầu hết các khu vực mà các loại gạo nhập khẩu chính của Ấn Độ bị hạn chế xuất khẩu đều chứng kiến mức giảm từ 50% trở lên so với năm trước, đặc biệt là khu vực châu Phi cận Sahara. Ví dụ, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Tây Phi giảm khoảng 1,2 triệu tấn hay 54%, trong khi xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang các nước ở Đông và Trung Phi giảm lần lượt 58% và 80%.

Các nước nhập khẩu ráo riết tìm nguồn thay thế

Ấn Độ là nguồn cung gạo quan trọng trên toàn cầu, chiếm khoảng 40% thương mại gạo toàn cầu trong năm 2022-23. N hập khẩu gạo của Madagascar từ tất cả các nguồn đạt trung bình 425.000 tấn vào năm 2023, giảm 44% so với năm 2022 (khoảng 80% gạo nhập khẩu của nước này có nguồn gốc từ Ấn Độ dưới dạng gạo non-basmati, không đồ) và kể từ tháng 8/2023, hầu hết gạo nhập khẩu của nước này đều đến từ Pakistan.

Đối với Kenya, trong 7 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu gạo giảm xuống gần như bằng không sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu. Sénégal cũng giảm 50% nhập khẩu gạo tấm từ Ấn Độ trong khi tăng nhập khẩu từ Pakistan.

Triển vọng xuất khẩu gạo  vào thị trường Canda vẫn rất tích cực

Theo Bộ Công thương, hiện gạo Việt Nam tại thị trường Canada mới chiếm 2,9% thị phần. Với khoảng 7 triệu người gốc châu Á, dư địa cho gạo Việt Nam tại thị trường Canada vẫn còn rất lớn.

Trong năm 2023, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gạo lên tới 56,4% vào thị trường Canada và là nước có tốc độ tăng trưởng kim ngạch đứng top 3, góp phần đưa Việt Nam mở rộng thị phần lên đến gần 2,9% (cao hơn con số 1,6% trước khi có Hiệp định CPTPP).

Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada và các chuyên gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhu cầu của thị trường Canada đối với mặt hàng gạo tăng ổn định qua các năm và sẽ giữ ở mức ổn định khoảng 500 triệu USD/năm. Vì vậy, nhìn chung, gạo Việt Nam còn nhiều dư địa để vào Canada do đây là một trong những thị trường tiêu thụ gạo lớn bậc nhất thế giới.

Giá gạo xuất khẩu đang giảm

Theo các doanh nghiệp, Việt Nam đang bước vào chính vụ thu hoạch nên nguồn cung lúa gạo dồi dào. Các đối tác hiểu rất rõ điều này nên chủ động mua chậm lại để nghe ngóng tình hình, chờ giá giảm mới mua vào. Còn doanh nghiệp cũng nín thở chờ động tĩnh thị trường.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong những ngày qua liên tục giảm mạnh. Tính đến đầu tháng 3, gạo loại 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 594 USD/tấn, thấp hơn gạo Thái Lan 15 USD/tấn và Ấn Độ 13 USD/tấn. Trong khi đó, gạo loại 25% tấm giao dịch khoảng 570 USD/tấn, thấp hơn gạo Thái Lan 7 USD/tấn.

Chỉ trong vòng nửa tháng trở lại đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm khoảng 43 USD/tấn và giảm 69 USD so với đỉnh 663 USD/tấn vào tháng 12 năm ngoái.

Dự báo, giá lúa gạo năm nay khó giảm sâu và sẽ tiếp tục duy trì ở mức tốt do nhu cầu thị trường thế giới vẫn ở mức cao. Các đối tác lớn như Phillipines, Indonesia... đều thông báo tăng khối lượng nhập khẩu gạo trong năm nay.