Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk: Bước phát triển mới cho ngành nông nghiệp

(VOH) - Ngày 28-3, tại thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam tổ chức khánh thành Trang trại số 1 thuộc Tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk.

Tham dự buổi Lễ có Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư, Ông Trịnh Văn Chiến – Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thánh Hóa, các đồng chí Bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Bắc Ninh, Vĩnh Long, Phú Yên đại diện lãnh đạo các cơ quan Bộ, ngành T.Ư cùng một số địa phương và bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc Vinamilk

Vinamilk

Ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa phát biểu

Được thành lập vào ngày 30/04/1957, Nông trường Thống Nhất tiền thân là một nông trường Quân đội thành lập theo Quyết định số 34 của Tổng cục Hậu cần với nhiều ngành nghề sản xuất nông nghiệp đa dạng. Trải qua nhiều thăng trầm, năm 2010, nông trường chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động thành Công ty TNHH 1 thành viên Thống Nhất.

Đến năm 2013, với sự tham gia về vốn và quản trị của Công ty CP sữa Việt Nam Vinamilk, đơn vị chính thức chuyển đổi ngành nghề sản xuất và mang một tên gọi mới: Công ty TNHH 1 thành viên Bò sữa Thống Nhất Thanh Hoá

Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa được Vinamilk quy hoạch là tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao áp dụng các qui trình và công nghệ hiện đại nhất của Thế giới và chăn nuôi bò sữa công nghiệp đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sữa bò tươi cho sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trang trại bò sữa số 1 có quy mô 4000 con, diện tích xây dựng 40 hecta với vốn đầu tư 700 tỷ đồng là trang trại đầu tiên được chính thức đi vào hoạt động trong tổ hợp 5 trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk Thanh Hóa. Tổng diện tích canh tác cả tổ hợp trang trại là 2.500 ha, trong đó diện tích xây dựng trung tâm các trang trại chăn nuôi bò sữa là hơn 200ha.

Trang trại bò sữa

Ông Richard De Boer - Giám đốc tổ chức Control union trao chứng nhận Global Gap cho lãnh đạo trang trại

Từ nay đến năm 2020, lần lượt 4 trang trại khác trong tổ hợp này cũng sẽ được hoàn thành theo đúng kế hoạch, trong đó có một trang trại bò sữa organic, đưa quy mô của Tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk Thanh Hóa lên 20 nghìn con, cung cấp sản lượng sữa ước tính 110 triệu lít sữa/năm.

Tương tự như hệ thống các trang trại đạt chuẩn quốc tế của Vinamilk trên cả nước, trang trại số 1 nói riêng và cụm tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao Thống Nhất Thanh Hóa được đầu tư xây dựng với công nghệ và máy móc thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới, đạt tiêu chuẩn Trang trại bò sữa đạt chuẩn thực hành Nông nghiệp Quốc tế GLOBAL GAP về quản lý trang trại và chất lượng sữa tươi thuần khiết ,

Trang trại được áp dụng Công nghệ quản lý đàn Dairy Plan hiện đại nhất thế giới hiện nay được thiết kế bởi tập đoàn GEA Farm Technologies (Hoa Kỳ) kết nối thẻ chip điện tử trên mỗi cá thể bò/ bê với hệ thống giám sát trung tâm.

nuôi bò công nghệ cao

Robot dọn cỏ Lely Juno

Hệ thống CowScout™ liên tục giám sát và cập nhật thời gian ăn của bò, khẩu phần ăn được tính toán tỷ lệ dinh dưỡng tối ưu, không dư lượng kháng sinh và thuốc trừ sâu, cho chất lượng sữa tươi nguyên liệu tốt nhất. Tại đây bên con được nuôi dưỡng với hệ thống cho bê uống sữa tự động, liên tục giám sát tình trang sức khoẻ và tình hình sinh trưởng.

Với hệ thống vắt sữa tự động khép kín, sữa tươi được chọn lọc và vận chuyển theo các đường ống lạnh từ 2-4 độ C, đảm bảo chất lượng thơm ngon cho nguồn sữa tươi nguyên liệu, không chất bảo quản.

Vinamilk cũng là công ty đầu tiên sở hữu hệ thống robot vun, đẩy thức ăn tự động cho bò được sản xuất từ Hà Lan với tên gọi Lely Juno. Với sự có mặt của các robot Lely này, đàn bò tại trang trại luôn được bảo đảm có ăn thức ăn tươi, mới, đầy đủ dinh dưỡng bất cứ thời điểm nào trong ngày. Các robot này còn có khả năng tự sạc năng lượng để vận hành và tự di chuyển qua lại giữa các khu chuồng trại để “chăm lo” nguồn thức ăn cho đàn bò ngay cả trong thời tiết mưa gió.

Trại bò Vinamilk

Các đại biểu cắt băng khánh thành trang trại

Bên cạnh đó, việc vệ sinh, xử lý chất thải cũng áp dụng công nghệ thu gom khép kín hiện đại của tập đoàn GEA- Hoa Kỳ, nguồn nước được thu hồi và tái sử dụng vào việc xả rửa chuồng trại và tưới cho đồng cỏ rộng lớn. Bảo đảm tiết kiệm tài nguyên nước, tạo dựng cảnh quan môi trường trong lành.

Với kế hoạch phát triển các trang trại, tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty (bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết) hiện lên tới hơn 120.000 con, với sản lượng khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày.

Dự kiến tổng đàn bò sẽ được nâng lên khoảng 200.000 con vào năm 2020, với sản lượng sữa tươi nguyên liệu dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi, đáp ứng được 50% nhu cầu sữa tươi nguyên liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm sữa bò tươi thuần khiết thiên nhiên dồi dào cho hàng triệu gia đình Việt Nam.

Vinamilk thiện nguyện'

Bà Mai Kiều Liên - TGĐ Vinamilk trao tặng sữa cho Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Thanh Hóa

Trong buổi Lễ khánh thành, bà Mai Kiều Liên –Tổng Giám đốc Vinamilk cho biết “Tôi tin rằng việc đưa trang trại số 1 – Tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk Thanh Hóa vào hoạt động sẽ không chỉ giúp Vinamilk đạt được các mục tiêu về kinh doanh mà còn góp phần giúp ngành nông nghiệp chăn nuôi bò sữa địa phương và cả nước phát triển theo hướng bền vững, tiên tiến.

Hệ thống các trang trại cũng sẽ đóng góp cho công tác an sinh xã hội của địa phương và cả nước, vì một đất nước Việt Nam phát triển và luôn vươn cao”.

Cũng nhân dịp này, Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam do Vinamilk đồng hành cùng Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trao tặng 61,633 ly sữa, tương đương 400 triệu đồng cho trẻ em tỉnh Thanh Hóa.

Đây cũng là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình trao sữa năm 2018 của Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam, nhân kỉ niệm 10 thành lập Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam (2008-2018) để góp phần cải thiện sức khỏe của các em, tạo điều kiện để các em phát triển tốt hơn về mặt thể chất và trí tuệ.  

Vinamilk hiện có hệ thống 10 trang trại trải dài khắp Việt Nam đạt tiêu chuẩn Global GAP với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, Mỹ và New Zealand. Tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty (bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết) lên tới hơn 120.000 con, với sản lượng khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày. Dự kiến tổng đàn bò sẽ được nâng lên khoảng 200.000 con vào năm 2020, với sản lượng sữa tươi nguyên liệu dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi.

Mỗi năm có khoảng 15 tỷ sản phẩm của Vinamilk được sản xuất bởi 13 nhà máy trải dài khắp Việt Nam, trong đó có hai siêu nhà máy sữa bột và sữa nước tại Bình Dương được trang bị công nghệ tiên tiến nhất thế giới với hệ thống thiết bị khép kín và tự động hóa hoàn toàn từ khâu chế biến đến thành phẩm và đóng gói, bảo đảm tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhà máy sữa bột Việt Nam mỗi năm cho ra đời 54.000 tấn sữa bột còn nhà máy sữa Việt Nam (Mega factory) thì có công suất 400 triệu lít sữa nước/năm và đang trong giai đoạn mở rộng qua giai đoạn 2 với công suất nâng lên gấp đôi, đạt 800 triệu lít sữa/năm.

Từ năm 1997 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Vinamilk đã đạt khoảng 2 tỷ USD (tương đương khoảng 45.520 tỷ đồng). Đến nay, Vinamilk đã được xuất khẩu đi 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những quốc gia yêu cầu rất cao về chất lượng trong sản phẩm dinh dưỡng như Nhật, Canada, Mỹ, Úc, Thái Lan...từ những nhà máy sản xuất sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh những sản phẩm xuất khẩu chính như sữa bột trẻ em và sữa đặc sang các thị trường truyền thống, những năm gần đây Vinamilk dần chuyển xuất khẩu các mặt hàng khác như sữa tươi, sữa chua ăn, sữa chua uống, các sản phẩm nước trái cây; nhằm hướng tới đa dạng hóa sản phẩm Vinamilk trên thị trường quốc tế, phù hợp với các nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Gần đây nhất Vinamilk đã chính thức ra mắt tại thị trường Thái Lan, Myanmar và Bangladesh. Hiện nay, ngoài khu vực Châu Á, Vinamilk vẫn tiếp tục củng cố sự hiện diện và tập trung hơn nữa tại các thị trường quốc tế mới, đặc biệt là khu vực Châu Phi, bằng việc đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu thị trường để phù hợp văn hóa địa phương, tung các sản phẩm thế mạnh (sữa bột, bột dinh dưỡng…), mở rộng hệ thống phân phối và tăng độ nhận biết thương hiệu.

Bình luận