Chờ...

Vận hội mới cho xuất khẩu của Việt Nam

(VOH) - Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của TPHCM gồm nhóm máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nhóm dệt, may, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, nông sản, hàng thủy hải sản tăng.

Phát biểu tại Diễn đàn xuất khẩu 2022 với chủ đề “Vận hội mới cho xuất khẩu - tận dụng thời cơ để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên” tổ chức sáng 8/12! ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, sự phục hồi kinh tế Việt Nam dự kiến trong 2 tháng cuối năm 2022 được hỗ trợ bởi các nền tảng kinh tế mạnh mẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng nội địa. 

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 616 tỷ đô la Mỹ, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 313 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước.

Lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng năm 2022 ước tính đạt hơn 17 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua.

Vận hội mới cho xuất khẩu của Việt Nam 1
Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM phát biểu

Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận “điểm sáng” trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa trong 10 tháng đầu năm 2022, đặc biệt là xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Thành phố bao gồm cả dầu thô đạt gần 36 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của TPHCM gồm nhóm máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nhóm dệt, may, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, nông sản, hàng thủy hải sản tăng và chiếm tỷ trọng hơn 3%; nhóm hàng lâm sản chiếm tỷ trọng khiêm tốn 1,6% và có giá trị xuất khẩu đạt 559,0 triệu USD, tăng 4,4% so cùng kỳ.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp Thành phố với kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đạt gần 8.233 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 7% so cùng kỳ và chiếm gần 23% tỷ trọng xuất khẩu.

Thứ hai là thị trường Mỹ và thứ ba là thị trường Nhật Bản. Thị trường Liên hiệp Châu  Âu (EU), giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 4.944 triệu đô la Mỹ, tăng gần 20%, chiếm gần 14%.

Ông Đặng Thái Thiện, Phó Phòng Giám sát Cục Hải quan TPHCM phân tích: “Cán cân kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước chỉ chiếm 25%, (đây là nhóm nhập siêu) và nhóm còn lại 75% là của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI. Chính kim ngạch xuất khẩu của nhóm này sẽ đẩy kim ngạch xuất khẩu Việt Nam xuất siêu".

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ trên toàn cầu và là điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng những hàng hóa thiết yếu cho nền kinh tế Hoa Kỳ, từ chất bán dẫn phục vụ sản xuất điện thoại và ô tô đến các tấm pin mặt trời để thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các liên kết chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ với Việt Nam không phải chỉ diễn ra một chiều. Việt Nam nhập khẩu chip máy tính, gỗ cứng, bông và thức ăn chăn nuôi từ Hoa Kỳ để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất chất bán dẫn, đồ nội thất, may mặc và hải sản trong nước. Thương mại hai chiều giúp Việt Nam phát triển kinh tế trong nước và xuất khẩu sang các thị trường trên toàn thế giới.

Ông Alex Tatsis, Trưởng phòng kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Chuỗi cung ứng không thể phục hồi nếu chúng không bền vững. Chúng tôi đang hợp tác với Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và giảm sự phụ thuộc vào than để sản xuất điện".

Chúng tôi cũng huy động đầu tư tư nhân vào điện gió, năng lượng mặt trời và tài trợ cho các nghiên cứu khả thi mở rộng hạ tầng điện quan trọng, gồm các công nghệ tiên tiến như lưu trữ năng lượng pin. Đây chỉ là một vài cách mà Hoa Kỳ đang giúp củng cố vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu - ông Alex Tatsis nói.

Việt Nam đã ký kết hơn 15 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, từ đó phải sửa đổi lại hệ thống luật pháp, các văn bản quy phạm pháp luật…phù hợp với chuẩn mực và quy ước quốc tế. Các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy và quen dần với các quy định và luật lệ quốc tế trong thương mại, đầu tư.