Chờ...

Xung đột Israel - Hamas: Đẩy giá dầu, vàng Việt Nam tăng mạnh

VOH - Giá dầu, vàng trong nước đang bị tác động bởi giá vàng thế giới cũng như tâm lý lo ngại chiến tranh ở Dải Gaza ngày càng lan rộng, chuyên gia kinh tế nói…

Khu vực Trung Đông hiện là nơi có các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới, cuộc xung đột Israel - Hamas tạo ra biến động lớn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu gây ảnh hưởng liên đới đến tỷ giá, giá vàng và nhiều loại hàng hóa khác.

Bạo lực leo thang giữa Israel và Hamas có thể khiến nhiều nước đối mặt với những xu hướng lạm phát mới. Nền kinh tế thế giới vốn đang hồi phục chậm từ tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể bị tác động kép. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy giá dầu tăng trong mấy ngày gần đây.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Xung đột Israel và Hamas xảy ra ở khu vực Trung Đông, nguồn cung cấp dầu quan trọng cho thế giới. Bên cạnh việc ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống chính trị, kinh tế xã hội và an ninh của vùng thì cuộc xung đột còn tạo sự thu hẹp nguồn cung cấp dầu cho thế giới, thậm chí làm tăng tổng cầu dầu do quá trình tích trữ, mua sắm nhiều hơn vì lo ngại nguồn cung cũng như đáp ứng các yêu cầu đột xuất của cuộc căng thẳng.

“Tất cả các yếu tố trên có thể khiến giá dầu tăng mạnh hơn, nhanh hơn, tạo ra sự khan hiếm mới trong thời gian tới và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam”, ông Phong nói.

Trước tình hình này, Việt Nam cần có sự chủ động và cân nhắc, bao gồm hai hoạt động chính. Đánh giá tác động cuộc xung đột ở cấp vĩ mô, thường xuyên cập nhật để có sự bám sát diễn biến thị trường. Thứ hai là chuẩn bị các kịch bản tăng trữ lượng dự trữ dầu quốc gia và chuẩn bị các hợp đồng mua bán trong thời gian tới để đạt được mục tiêu thường xuyên, ổn định và giữ được giá ở mức tốt nhất - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khuyến nghị.

Xung đột Israel - Hamas: Đẩy giá dầu, vàng Việt Nam tăng mạnh 1
Lo thiếu nguồn cung, giá dầu thế giới đang đi lên - Ảnh minh họa: KH

Phân tích sâu hơn, tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, tình hình chiến cuộc giữa Hamas và Israel có thể sẽ kéo dài và có nhiều dấu hiệu Liban cũng sẽ mở đầu một cuộc tấn công vào Israel, cho nên giá dầu sẽ giữ ở mức cao.

Đặc biệt, nước sản xuất dầu lớn bậc nhất thế giới Arab Saudi đang hạn chế sản lượng dầu để giữ giá dầu ở mức cao. Việc giá dầu vẫn ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến giá phân bón và giá vận tải hàng hóa. Đây là những tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. Vì Việt Nam phải nhập khẩu dầu và phân bón.

“Giá xăng dầu trong nước sẽ tăng theo giá thị trường thế giới. Bởi vì nếu Việt Nam duy trì giá dầu thấp hơn giá dầu thế giới sẽ dẫn đến việc buôn lậu dầu từ Việt Nam sang các nước láng giềng và điều này không mang lại lợi ích cho Việt Nam”, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định.

Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải cân nhắc giữa việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, ông Doanh nói.

Xung đột Israel - Hamas: Đẩy giá dầu, vàng Việt Nam tăng mạnh 2
Giá vàng tăng mạnh lên ngưỡng hơn 70 triệu đồng/lượng 

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT công ty đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, giá vàng SJC trong một tuần gần đây tăng 1,6%, tăng từ 69.350.000 đồng lên 70.350.000 đồng, tăng một triệu đồng một lượng.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn tăng cao hơn, hiện dao động trên thị trường ở mức 56-57 triệu đồng/lượng. So với giá vàng SJC, giá vàng nhẫn nguyên tuần vừa rồi qua chiến dịch quân sự ở Dải Gaza của Hamas-Israel, tăng cao hơn giá vàng SJC trong nước.

Nếu so với giá vàng thế giới ngay trước ngày 7/10/2023, chỉ khoảng 1.825 USD/oz tới hôm nay tăng lên 1.875 USD/oz, giá vàng thế giới tăng 2,6 % so với giá vàng trong nước, như vậy giá thế giới hiện đang cao hơn trong nước.

“Có thể thấy rằng giá vàng trong nước hoàn toàn đang bị tác động bởi giá vàng thế giới cũng như tâm lý lo ngại chiến tranh ở Dải Gaza ngày càng lan rộng, cộng hưởng với xung đột ở Nga-Ukraine vừa qua dẫn đến giá vàng tăng”, chuyên gia Trần Thanh Hải nhận xét.

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải nhìn nhận: Trước tình hình trên vẫn có một dấu hiệu tích cực khi chỉ số Dow Jones (DJI) thị trường Mỹ vẫn xanh ở mức 33.000 điểm. Đồng thời Dollar Index và giá dầu, đặc biệt là giá dầu mỏ cuối tuần vừa rồi có lúc vượt cái con số 99$/ thùng dầu Brent và dầu WTI. Tuy nhiên, giá dầu cũng đã thụt lại ở mức dưới 90$ một thùng.

“Giá vàng tăng nhưng chỉ số Dow Jones phản ánh nền kinh tế Mỹ và sự can thiệp của Mỹ đối với chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza có thể thấy rằng cuộc xung đột này sẽ có hồi kết”, ông Hải nói.

Ngoài ra, ông Hải cho rằng, Saudi Arabia nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và Iran nước xuất khẩu dầu mỏ đứng hàng thứ tư thế giới chưa xác định được có liên quan đến cuộc xung đột của nhóm Hồi giáo Palestine, bởi các hành động của họ có thể tác động đến nguồn cung dầu.

Bất ổn địa chính trị sẽ khiến thị trường có chút lo sợ. Nhưng lịch sử cho thấy ảnh hưởng trong dài hạn của xung đột Trung Đông thường sớm có hồi kết. 

Tác động đến tỷ giá

Về nguyên tắc nhập khẩu xăng dầu gắn liền với vấn đề tăng sử dụng ngoại tệ. Do đó, tạo áp lực theo hướng làm tăng lượng cầu về ngoại tệ trong dự trữ cầu ngoại tệ quốc gia và làm hẹp nguồn cung dự trữ ngoại tệ trong nước, kéo theo sự gia tăng tỷ giá.

Trên thế giới cũng tạo ra một nhu cầu lớn về vay ngoại tệ. Tất cả yếu tố trên có thể làm ảnh hưởng tới việc điều chỉnh tỷ giá. Nhưng đây chỉ là giả định vì sự căng thẳng của Trung Đông có thể ngắn hơn nhiều so với những cuộc xung đột khác hiện nay - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích.