Trong khuôn khổ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15 - năm 2022 đang diễn ra tại TPHCM, hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn thu cho các Đài Phát thanh Truyền hình trong xu hướng chuyển đổi số” vừa được tổ chức sáng 4/8 tại VOH.
Trao đổi tại hội thảo, bà Siobhan McHugh - Giáo sư thuộc trường Đại học Sydney (Australia) chia sẻ rằng, người nghe quảng cáo thông qua podcast sẽ tập trung hơn: “Quảng cáo khi được người dẫn đọc dẫn trong podcast sẽ khiến người nghe cảm thấy tin tưởng hơn và có xu hướng lựa chọn sản phẩm. Vậy podcast có giống với radio?".
Theo bà Siobhan McHugh thì “giống mà không giống”. Thực tế, podcast không đặt nặng về cấu trúc nội dung và tiêu chuẩn audio, độ dài podcast cũng linh hoạt, thính giả sẽ là người lựa chọn những gì họ muốn nghe và nghe bất cứ lúc nào.
Đại diện Công ty Piano, Khu vực châu Á Thái Bình Dương - ông Tim Rowell, người có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kinh doanh truyền thông kỹ thuật số và đã có 10 năm kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp truyền thông về các sáng kiến đăng ký và cách tạo nguồn thu, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của số liệu thống kê. Theo đó, những dữ liệu để giúp các cơ quan báo chí xây dựng hồ sơ khán, thính giả quan tâm. Ông Tim Rowell cho rằng: “Người nghe Việt Nam có thói quen nghe miễn phí, cần có phương pháp nào để tăng được nguồn thu cho phát thanh. Làm sao chuyển họ từ thói quen nghe miễn phí sang thói quen nghe có trách nhiệm trả phí. Đây là vấn đề của nhiều quốc gia trên thế giới chứ không riêng Việt Nam". Ông Tim Rowell tin rằng, nếu chúng ta làm ra sản phẩm đáng để khách hàng trả tiền thì họ cũng sẵn sàng để trả tiền.
Tham gia chia sẻ tại hội thảo, Nhà báo Công Vinh - Đài tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) - người đã có 30 năm sống và làm việc cùng sóng radio cho rằng: “Cơ hội vẫn đang mở với radio, bởi công chúng ngày càng ít thời gian để xem, thay vào đó họ nghe”. Radio có 3 thuộc tính cơ bản của mạng xã hội: Thứ nhất là, di động và tức thì. Thứ hai là, người dùng cùng kiến tạo nội dung. Thứ ba, tương tác là thế mạnh, chia sẻ ngang hàng với mạng xã hội. Từ cơ hội biến thành nguồn thu, thực tế là thu tiền từ doanh nghiệp, chứ chưa tính đến yếu tố thu tiền từ người nghe.
Theo Nhà báo Công Vinh: Chúng ta phải thay đổi tư duy theo hướng thính giả vừa là mục tiêu vừa là con đường tới đích đến là doanh nghiệp. Doanh nghiệp có những mục tiêu khác nhau (quảng bá sản phẩm, quảng bá hình ảnh thương hiệu, quảng bá theo chiến dịch khuyến mại…) và phải hiểu doanh nghiệp để đáp ứng. Doanh nghiệp hướng tới Multichannel Marketing thì Radio phải hướng tới Multimedia. Theo đó, sản xuất nội dung radio phải mang tính tương tác – theo mudule – viral trên đa nền tảng. Người sản xuất nội dung chú trọng đến những điều người nghe muốn. Điều quan trọng hiện nay là các Đài cần soi lại chúng ta có tài nguyên gì và tài sản tới đâu? Và làm gì để tạo ra tài nguyên và tài sản cho đơn vị mình?
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng cho rằng, kinh doanh chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng với báo chí Việt Nam. Hiện nay, có sự chuyển đổi rất mạnh mẽ xu hướng số, sự phát triển của các nền tảng xuyên biên giới… theo đó nhu cầu thông tin, thị hiếu của công chúng cũng thay đổi và như vậy doanh số và nguồn thu của báo chí nói chung và các Đài phát thanh truyền hình nói riêng đang đứng trước những thách thức vô cùng to lớn.
Ông Phạm Mạnh Hùng cũng cho biết, sắp tới Ban Hợp tác quốc tế đã mời các chuyên gia có kinh nghiệm và uy tín về trong lĩnh vực kinh doanh nội dung số. Theo đó, những ý kiến chuyên gia tại hội nghị sẽ là nguồn tham khảo hữu ích để các Đài tìm được câu trả lời cho bài toán tìm nguồn thu từ nội dung số trong thời gian tới.