Đăng nhập

Bài học đại đoàn kết toàn dân tộc từ Cách mạng Tháng Tám thành công

VOH - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện kỳ diệu trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám 1945 - chiến thắng lịch sử vĩ đại đối với mỗi người dân Việt Nam và dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần “dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết dành cho được độc lập”, trước thời cơ ngàn năm có một, nhân dân ta đã đoàn kết, nhất trí, đồng lòng làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, đưa Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành nước độc lập.

Cách mạng Tháng Tám thành công đã đưa Việt Nam lên bản đồ thế giới với vị thế là một quốc gia độc lập và là Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết tinh của tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam, là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài trong suốt 15 năm của Đảng ta. Thành công của Cách mạng tháng Tám là minh chứng rõ nét cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta, trước mỗi diễn biến của lịch sử, trước những thử thách của dân tộc, Đảng ta luôn đưa ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo, Đảng ta luôn biết “lựa tình thế, chọn thời cơ” để có những chủ trương, chính sách thích hợp.

Lần đầu tiên trong lịch sử một Đảng mới 15 năm tuổi đã lãnh đạo thành công một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, lập ra nhà nước mới – nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như chính Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

cachmangthangtam1Xem toàn màn hình
Ngày 19/8/1945, hàng vạn người dân Thủ đô dự míttinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố chào mừng thắng lợi của Cách mạng tháng Tám - Ảnh: Tư liệu TTXVN

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã chứng minh sự sáng suốt của Đảng ta trong việc vận dụng các quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam, của việc dự đoán thời cơ, chuẩn bị lực lượng, chớp thời cơ giành chính quyền, của sự kết hợp đấu tranh giữa lực lượng quân sự và sự nổi dậy của quần chúng...Chính sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng là nhân tố quan trọng, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Thành công của Cách mạng tháng Tám cũng chứng minh một chân lý của thời đại: các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập, tự do; đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân và biết tranh thủ sức mạnh của thời đại thì dân tộc đó nhất định thắng lợi.

Là người được đào tạo về chuyên ngành lịch sử và có một thời gian giảng dạy lịch sử, Tiến sĩ Phạm Tiến Đông, Viện trưởng Viện Hợp tác và Phát triển đào tạo, trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) nhận thấy rằng: Thành công của Cách mạng Tháng Tám đã thể hiện sự đoàn kết của toàn thể dân tộc Việt Nam, với tinh thần đoàn kết, cách mạng, nhân dân ta đã đứng lên từ những thất bại, vượt qua những đau thương để làm nên ngày độc lập.

Có thể nói, mỗi bước đi của dân tộc luôn gắn liền với tinh thần yêu nước, đoàn kết của người dân như câu ca dao mà nhân dân thường nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng là nguồn gốc của mọi thắng lợi và là nhân tố đảm bảo sự trường tồn của dân tộc ta.

Ông Phạm Tiến Đông cho rằng: Gần đây việc Bộ Giáo dục và Đào tạo khi biên soạn Chương trình Giáo dục phổ thông mới đã quyết định đưa Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, điều đó đã khẳng định vai trò và tầm quan trọng của việc dạy và học lịch sử hiện nay, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Việc dạy sử, học sử luôn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo của mỗi quốc gia, cũng như trong xây dựng, bồi dưỡng nhân cách của mỗi cá nhân như chính Bác Hồ từng dạy “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Nói cách khác, lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội; từ đó hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

Bình luận