Chờ...

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ: Nhớ nhà lý luận xuất sắc, tài ba của Đảng

(VOH) - Cuộc đời của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi nhưng những cống hiến của ông rực sáng trên bầu trời cách mạng Việt Nam ở thời đoạn lịch sử mang tính bước ngoặt lớn và đầy phức tạp.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình nhà nho yêu nước ở xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cả ông nội và ông ngoại của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đều là nhà Nho yêu nước và đều làm nghề dạy học. Nguyễn Văn Cừ ở với ông ngoại từ nhỏ, được ông dạy chữ Hán và truyền dạy lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc. Với 29 tuổi đời, là lớp đảng viên thuộc thế hệ đầu tiên, hơn 13 năm hoạt động cách mạng trong đó gần 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc và trở thành Tổng Bí thư của Đảng khi chưa đầy 26 tuổi; hơn 2 năm làm Tổng Bí thư… ông đã để lại nhiều dấu ấn có ý nghĩa thực tiễn lúc bấy giờ và ý nghĩa lý luận, giá trị thời sự cho đến hôm nay.

ky-niem-110-nam-ngay-sinh-tong-bi-thu-nguyen-van-cu-voh.com.vn-anh1
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - nhà lý luận xuất sắc, tài ba của Đảng. (Ảnh tư liệu)

Trong không khí những ngày kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912  - 9/7/2022) , Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hà Minh Hồng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TPHCM cho biết: “Đối với lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, từ 1930 đến nay, hơn 90 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một trong những Tổng Bí thư trẻ tuổi nhất. Đồng chí luôn quyết liệt, chỉ rõ những sai phạm, những gì Đảng lúc đó đã làm, cần phải làm thế nào cho tốt hơn. Các đồng chí lúc đó đều đã kính phục, nể phục, tâm phục những lý lẽ đồng chí Nguyễn Văn Cừ đặt ra như vậy. Đạo đức cách mạng như đồng chí Nguyễn Văn Cừ đề cập phải là đạo đức của người Cộng sản Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã nêu tấm gương mẫu mực, trong sáng của người cộng sản kiên cường”.

Khi nhìn lại những diễn biến lịch sử đã qua chúng ta càng khâm phục quyết định chuyển hướng chiến lược và thay đổi phương pháp cách mạng trong tình hình mới của Đảng tại Hội nghị Trung ương 6 (11/1939) là hết sức sáng suốt, thể hiện tư duy chính trị nhạy bén, năng lực sáng tạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.

Trước khi vào Nam chỉ đạo và chuẩn bị Hội nghị Trung ương 6, đồng chí Nguyễn Văn Cừ với bút danh Trí Cường đã viết cuốn “Tự chỉ trích”, Nhà xuất bản Dân chúng phát hành vào ngày 20/7/1939 và gây tiếng vang lớn. Trong tác phẩm, nổi bật nhất là tinh thần tự phê bình và phê bình, nhằm làm cho Đảng ta thống nhất về tư tưởng và hành động, thật sự trong sạch, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hà Minh Hồng, “tự chỉ trích là một trong những tác phẩm được coi là tác phẩm lý luận rất quan trọng đầu tiên, có ý nghĩa lịch sử đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau 9 năm ra đời, Đảng lúc đó chưa có tác phẩm nào có tính lý luận, có tính chất phương pháp luận, đặc biệt là về vấn đề cụ thể là nguyên tắc Phê bình và tự phê bình của Đảng. Các nhà lý luận sau này thường cho là những quan niệm của đồng chí Nguyễn Văn Cừ hết sức có ý nghĩa ngay cách đặt vấn đề trước hết phải nhận thức thế nào tự chỉ trích bônsêvích. Cách thức như thế này để chúng ta thấy được nói đến những vấn đề lý luận, nói đến nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, nói đến cách thức xây dựng Đảng tiên phong, đồng chí trình bày trong 1 tác phẩm ngắn chỉ khoảng hơn 20 trang, trong điều kiện đất nước chưa dành chính quyền, Đảng Cộng sản chưa trở thành Đảng cầm quyền thì những vấn đề lý luận về Đảng trong tác phẩm này đã được thể hiện rõ ràng như vậy. Những vấn đề Tự chỉ trích đặt ra trong bối cảnh chúng ta chuyển hướng chỉ đạo chiến lược để tiếp tục lãnh đạo Cách mạng đi đến con đường giải phóng, giành chính quyền về tay nhân dân”.

Giữa lúc phong trào cách mạng của dân tộc đang bước vào thời kỳ mới, ngày 18/1/1940, ông bị địch bắt tại thành phố Sài Gòn. Sau khi khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, thực dân Pháp khép đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào tội đã thảo ra “Nghị quyết thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương”, “Chủ trương bạo động”, là người có trách nhiệm tinh thần trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ và kết án tử hình.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã đã để lại tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng và tinh thần tự học tập, rèn luyện, trưởng thành qua thực tiễn đấu tranh cách mạng và nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đặc biệt là tác phẩm “Tự chỉ trích” mà đến nay các thế hệ đời sau tiếp tục học tập, vận dụng tinh thần, tư tưởng tự phê bình và phê bình, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ.

Nhiều nơi ở đất nước ta, giờ đã có những con đường, trường học, công trình văn hóa mang tên đồng chí Tổng Bí thư trẻ tuổi nhất của Đảng như đường Nguyễn Văn Cừ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… trường học mang tên ông ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Dương,…. có trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ trên quê hương ông - tại tỉnh Bắc Ninh.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là dịp chúng ta tưởng nhớ cuộc đời cách mạng vẻ vang, cao đẹp, khắc ghi mãi mãi những cống hiến xuất sắc của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 09/7/1912 trong một gia đình nhà Nho nghèo, có truyền thống khoa bảng ở làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, nay là phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là hậu duệ đời thứ 17 của Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Từ một học sinh trung học, với lòng yêu nước, sự nhạy cảm chính trị và nhiệt huyết cách mạng; năm 1927, Đồng chí Nguyễn Văn Cừ tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; năm 1928, tham gia vào các phong trào vận động quần chúng đứng lên đấu tranh chống sự áp bức bóc lột của đế quốc và bè lũ tay sai.

Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, Đồng chí trở thành đảng viên của Đảng và được phân công phụ trách các chi bộ ở Cẩm Phả, Cửa Ông.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (tháng 2/1930), Đồng chí được cử là Bí thư đặc khu Hòn Gai - Uông Bí. Đồng chí đã lãnh đạo phong trào cách mạng ở vùng mỏ phát triển mạnh mẽ; trực tiếp tổ chức và chỉ đạo công nhân toàn vùng mỏ đấu tranh nhân ngày Quốc tế lao động 01/5/1930.

Tháng 02/1931, trên đường đi công tác từ Cẩm Phả về Hòn Gai, Đồng chí bị thực dân Pháp bắt, giam ở nhà tù Hỏa Lò; bị kết án tù khổ sai và đày đi Côn Đảo.

Năm 1936, trước áp lực của các cuộc đấu tranh mạnh mẽ của Nhân dân ta và phong trào Mặt trận nhân dân Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số tù chính trị Côn Đảo được trả tự do. Đồng chí về Hà Nội, tìm liên lạc với tổ chức Đảng, lập ra Ủy ban sáng kiến, có vai trò như Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ.


Tại hội nghị Trung ương Đảng tháng 9/1937, Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.Tháng 3/1938, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng khi mới 26 tuổi.

Sáng sớm ngày 28/8/1941, đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư Đảng cộng sản Đông Dương cùng các đồng chí: Hà Huy Tập - nguyên Tổng Bí thư; Võ Văn Tần – Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ; Phan Đăng Lưu- Ủy viên Trung ương Đảng; Nguyễn Thị Minh Khai – Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Lê Hồng Phong… bị thực dân Pháp xử bắn tại trường bắn Hóc Môn, Gia Định.

Trong 13 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhiều lần bị thực dân Pháp bắt, giam cầm, tra tấn dã man, nhưng Đồng chí luôn nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất. Khi bị giải ra pháp trường, Đồng chí vẫn hiên ngang tỏ rõ khí phách của người cộng sản. Những khẩu hiệu cách mạng mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí của mình hô vang trước lúc bị giặc Pháp xử bắn vẫn còn vang vọng mãi đến hôm nay.