Chờ...

Nhớ công "dựng nước" thuở vua Hùng, và bài học “giữ lấy nước” với người trẻ ngày nay

VOH - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962), và để lại câu chuyện quý giá về bài học dựng nước – giữ nước.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 19/9/1954, Bác Hồ kính yêu đã về thăm Đền Hùng, gặp gỡ và giao nhiệm vụ cho Đại đoàn quân tiên phong trước khi Đại đoàn về tiếp quản Thủ đô, Người căn dặn:

"Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Đó là câu dặn dò bất hủ của Bác Hồ trong cuộc gặp các cán bộ Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong), tại Đền Giếng (thuộc khu di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ).

Lời dặn dò ấy Bác cất lên từ Đền Hùng, trở thành một lời hịch thiêng liêng của non sông đất nước, âm vang trong tâm hồn mỗi người con đất Việt ở khắp mọi miền, với mọi thế hệ.

Lời Bác dạy đã khái quát cả mấy nghìn năm lịch sử, rút ra quy luật tồn tại và phát triển muôn đời của đất nước và con người Việt Nam: “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”. 

Nhớ công
Người trẻ thể hiện lòng yêu nước là cách tri ân tiền nhân - Ảnh minh họa

Trách nhiệm của các thế hệ hậu sinh là phải phát huy cho được tinh thần đoàn kết, hướng về cội nguồn ấy thành sức mạnh nội sinh vượt qua khó khăn, giữ gìn di sản, ghi nhớ công ơn tổ tiên. “Giữ nước” là bài học lớn lao và bền bỉ, bao thế hệ nối tiếp nhau xốc vác trọng trách cao đẹp này.

Trần Mạnh Khang (sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM – HUTECH) chia sẻ: “Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương mang ý nghĩ tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn đối với công ơn lập nước của các vị vua Hùng. Đồng thời hiểu thêm về chính lịch sử của nước mình. Nhà mình mọi năm đều làm bàn giỗ nhỏ để cúng tổ tiên. Riêng bản thân tôi đang cố gắng sớm bắt đầu công việc Tham vấn để có thể hỗ trợ, giúp đỡ các cá nhân, nhóm, cộng đồng gặp vấn đề khó khăn tinh thần. Có thể đem kiến thức bản thân để giúp đỡ những người khác, đóng góp cho xã hội”.

Nhớ công
Đảng viên, đoàn viên tham gia hiến máu nhân đạo - Ảnh minh họa: PN

Võ Trí Dự (sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM) cho biết “không khí của Ngày lễ Giỗ Tổ này khác hẳn với so với ngày thường. Ở quê tôi mỗi năm đều tổ chức các nghi thức cổ truyền thể hiện tấm lòng của con cháu đời sau đối với các vua Hùng. Điều này càng làm cho không khí vùng quê trở nên nhộn nhịp và đậm màu văn hóa truyền thống hơn.

Tôi luôn cố gắng xây dựng hệ thống kiến thức vững chắc để truyền tải đến các em học sinh sau này, góp phần xây dựng một xã hội giàu tri thức, giàu giáo dục, giàu văn hoá. Trong đời sống, tạo dựng cho bản thân lối sống văn minh, tiến bộ, tránh xa những tác nhân tiêu cực ảnh hưởng đến bản thân và xã hội, luôn tạo cảm hứng sống mạnh mẽ đến mọi người xung quanh".

Nguyễn Trần Phương Anh (Du học sinh tại trường Đại Học Keimyung, thành phố Daegu, Hàn Quốc) chia sẻ: "Các du học sinh cùng nhau tổ chức lễ Giỗ Tổ bằng cách quây quần nấu những món ăn Việt dâng hương, cùng nhau chia sẻ những phong tục tập quán ở những vùng miền khác nhau trong ngày Giổ Tổ Hùng Vương. Khái niệm “Giữ lấy nước” cần hiểu rộng trên nhiều lĩnh vực. Đối với một du học sinh như chúng tôi, việc lan truyền văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế luôn là việc chúng tôi làm thường xuyên".

Nhớ công
Thanh niên tình nguyện hướng dẫn học sinh ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp sử dụng công nghệ thông tin - Ảnh minh họa

Lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho tư duy, tình cảm và hành động của các thế hệ người Việt Nam dù đang ở bất kỳ đâu, biết trân trọng quá khứ, giữ gìn đạo lý truyền thống dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, động viên ý chí quyết tâm giữ nước trong thời đại mới.

Chung một gốc gác tổ tiên và ngày Giỗ Tổ là mạch nguồn tâm linh đặc biệt gắn kết dân tộc Việt Nam thành một khối đại đoàn kết, làm nên sức sống Việt Nam mãnh liệt, trường tồn.

Nhân dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất non sông một dải 30/4, chúng ta càng thêm tự hào về nguồn gốc "Con Rồng Cháu Tiên" của người Việt.

Theo truyền thuyết, vị vua đầu tiên ở nước ta là Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con trai là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ, sinh hạ được 100 người con trai, 50 người con theo mẹ lên núi và 50 người con theo cha xuống biển để lập cơ nghiệp.

Con trai trưởng được Lạc Long Quân phong làm Vua, lấy hiệu là Hùng Vương. Vua đặt tên nước là Văn Lang lấy đất Phong Châu (Phú Thọ) làm thủ phủ. Vua quan đều cha truyền con nối qua nhiều đời nhưng lịch sử ghi lại được 18 đời vua Hùng.