Chờ...

Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với người làm báo

VOH - Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà báo uyên bác, Người đã dùng báo chí làm vũ khí đấu tranh cách mạng trong hành trình giải phóng dân tộc.

Di sản báo chí mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại còn là những bài học, những lời căn dặn cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Báo Thanh Niên - cơ quan của tổ chức Thanh niên Cách mạng Việt Nam. Đây là tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên do Bác Hồ sáng lập, chỉ đạo và là người biên tập chính.

Tờ báo giữ vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng, mở đầu cho việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cách mạng theo quan điểm Mác - Lênin, viết bằng quốc ngữ Việt Nam, được phổ biến rộng khắp cả nước, trong người dân Việt - nhất là trong tầng lớp thanh niên, công nhân, nông dân…

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Người và các đồng chí lãnh đạo Trung ương từ chiến khu về Hà Nội, Bác chỉ thị ngay phải thành lập Đài Phát thanh quốc gia - mà từ chỉ đạo của Người, lời xướng của VOV hiện nay trở thành biểu tượng dân tộc đến nay sau 75 năm: “Đây là Tiếng nói Việt Nam - phát thanh từ Hà Nội, ...”.

Trọng trách Nguyên thủ quốc gia với công việc hết sức bộn bề sau Cách mạng Tháng Tám và đối phó với cuộc xâm lược lần 2 của thực dân Pháp. Vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không ngừng viết, theo dõi báo chí, khi cần là viết các bài đăng trên các tờ báo cổ vũ cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc nước nhà.

Người cũng không quên chỉ đạo việc mở lớp đào tạo các nhà báo.

Khi chiến dịch Điện Biên Phủ vừa kết thúc thắng lợi, Người đã thúc giục việc cho ra đời tờ báo cho thiếu niên. Trung ương Đoàn đã chỉ định Nhạc sĩ Phong Nhã làm Tổng Biên tập khi ra đời báo Thiếu niên Tiền phong.

Và chính Người tham gia viết bài cho các cháu thiếu niên, góp ý kỹ của từng số báo từ năm ra đời ngày 01/6/1954 tại Bản Dôn, xã Thanh La, chiến khu Việt Bắc, nay là huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Bác Hồ đọc báo, viết báo tới ngày cận kề trước lúc Người đi xa tháng 9/1969.

Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với người làm báo 1
Nhà báo cách mạng - Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu

Thạc sĩ Hà Trung Thành – Học viện Cán bộ TPHCM cho biết: "Bác luôn đặt câu hỏi là viết cho ai, viết cái gì? Đọc những bài báo của Bác tôi thấy Người viết rất đơn giản, dễ hiểu, cách dùng từ của Bác mộc mạc chân phương.

Thời Bác viết báo, người dân có người không biết chữ, nghe người khác đọc lại vẫn hiểu được nội dung bài viết.

Đó cũng là điều các nhà báo lưu tâm, nên suy nghĩ để có lối viết gần gũi với quần chúng nhiều hơn, phải hết sức lựa chọn từ, ý, tránh để người ta hiểu nhầm, viết sao để người đọc hiểu đúng điều mình viết".

Người dạy những người làm báo rằng viết báo phải có căn cứ, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Không được vội vàng mới nghe qua đã viết, không được chủ quan, suy đoán, mà phải có điều tra, nghiên cứu kỹ.

Nhắc lại những lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam để thấy rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Bác Hồ cũng đều nghĩ đến báo chí, tác động của báo chí.

Lời Bác dạy mãi là “kim chỉ nam” cho các thế hệ nhà báo và cơ quan báo chí trong quá trình tu dưỡng, phấn đấu, trưởng thành, lớn mạnh; luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.