Chờ...

Brazil: Trả tự do cho người đàn ông bị kết án oan 170 năm tù

VOH - Carlos Edmilson da Silva đã thụ án 12 năm ở Brazil trước khi được trả tự do.

Carlos Edmilson da Silva đã phải ngồi tù nhiều năm vì một tội ác mà anh không phạm phải. Trước đó, anh bị bắt tại thành phố Barueri của Brazil và bị buộc tội thực hiện một loạt vụ cưỡng hiếp kinh hoàng - theo The Guardian.

Khuôn mặt của anh xuất hiện khắp các tờ báo, truyền hình và được mệnh danh là “kẻ điên của Castello Branco” khi cưỡng hiếp 12 người phụ nữ trong hơn 2 năm.

Ở tuổi 24, anh bị kết án ở vụ án đầu tiên trong số 12 vụ án. Vào cuối phiên tòa, anh bị kết án tổng cộng 170 năm tù, rồi anh phải ngồi tù 12 năm.

Sau này, xét nghiệm DNA cho thấy người đàn ông khác phải chịu trách nhiệm về tội ác này.

Da Silva được trả tự do vào đầu tháng này và hiện đang cố gắng làm lại cuộc đời ở tuổi 36.

ket-an-oan-250524

Carlos Edmilson da Silva (thứ hai từ phải sang) và mẹ anh Ana Maria da Silva, luật sư Gabriela Setton (ngoài cùng bên trái) và Pedro Moraes - Ảnh: Innocence Project Brazil

Khốn khổ vì có ảnh trong album của cảnh sát

Da Silva bị bắt lần đầu tiên vào năm 2006 vì tội cướp và bức ảnh của anh đã trở thành một phần trong album ảnh chụp của cảnh sát.

Năm 2006 và 2007, 4 phụ nữ bị cưỡng hiếp ở Barueri, cách São Paulo 30km.

Theo luật sư Flávia Rahal của Da Silva, một trong những nạn nhân đã được cho xem bức ảnh của Da Silva và xác định nhầm anh là kẻ tấn công cô.

Anh phải ngồi tù 3 năm cho đến khi xét nghiệm ADN cho thấy anh vô tội và được thả nhưng “ảnh của anh vẫn còn trong cuốn album” - Rahal nói.

Từ năm 2010 đến năm 2012, có thêm 12 phụ nữ bị cưỡng hiếp ở Barueri và thành phố Osasco lân cận, rồi Da Silva lại bị bắt.

Trong phiên tòa, một trong những nhân viên điều tra đã nói với tòa án về việc Da Silva đã trở thành nghi phạm chính của anh như thế nào.

“Tôi đã bắt anh ta vào năm 2006 vì tội danh tương tự. Tôi đã chụp ảnh anh ta và kêu gọi các nạn nhân nhận ra anh ta vì những đặc điểm luôn phù hợp với anh”, Janderson de Alencar nói trong đoạn video do TV Globo thu được.

“Đặc điểm” của kẻ hiếp dâm là một “người đàn ông da đen có chiều cao trung bình”, Rahal nói.

Cô nói: “Các nhà điều tra đã cho các nạn nhân xem một bức ảnh của anh - là nghi phạm duy nhất. Kết quả là, một 'nhận dạng' này dẫn đến một 'nhận dạng' khác”.

Trong phiên tòa xét xử, công tố viên Vagner dos Santos Queiroz lập luận rằng, những kẻ hiếp dâm và trộm cắp có “kiểu dáng và khuôn mặt chung”.

“Trên thực tế, chắc hẳn có rất ít nạn nhân bị cưỡng hiếp bởi những bản sao của Brad Pitt, Daniel Craig và George Clooney” - ông viết và chỉ đề cập đến các diễn viên da trắng.

Bốn năm trước, Dự án Innocence Project Brazil mà Rahal sáng lập đã nhận thức được những thiếu sót khi điều tra vụ án, nhất là không thực hiện xét nghiệm ADN.

Khi những cuộc kiểm tra đó được hoàn thành, kết quả không chỉ làm sáng tỏ Da Silva vô tội mà còn tiết lộ danh tính của hung thủ: một người đàn ông đang ngồi tù vì tội cướp tài sản.

Vào ngày 16/ 5, tòa án ra lệnh trả tự do cho Da Silva và hủy bỏ mọi bản án của anh. Trong phán quyết của mình, Thẩm phán Reynaldo Soares da Fonseca nói rằng, các phương pháp nhận dạng ảnh đã coi thường luật pháp Brazil, vốn chỉ cho phép thực hành như vậy theo các quy tắc cụ thể.

Schietti, thẩm phán tòa án tối cao, người không tham gia phiên tòa nhưng nghiên cứu vấn đề này, nói rằng những bức ảnh nên được sử dụng như biện pháp cuối cùng.

Ông nói: “Nhưng trong nhiều trường hợp, nhân viên điều tra chỉ cho xem bức ảnh của người mà anh ta cho là có tội. Và thường thì đó là người da đen”.

Luật sư của anh cho biết, kể từ khi được trả tự do, Da Silva đã chuyển đến một địa điểm xa thành phố. Theo Rahal, "anh ấy đang cố gắng gia nhập lại một xã hội rất khác với xã hội mà anh ấy biết".

Nhiều người kêu gọi bỏ kỹ thuật nhận dạng ảnh trong điều tra

Luật sư của anh cảnh báo, thủ tục mà cảnh sát sử dụng dẫn đến việc bắt giữ anh vẫn được sử dụng rộng rãi và được các công tố viên cũng như thẩm phán chấp nhận.

Việc kết án Da Silva đều dựa trên việc nhận dạng ảnh, trong đó nạn nhân được cho xem ảnh chụp của anh và hỏi liệu họ có tin anh là hung thủ hay không.

Nhiều người đang kêu gọi loại bỏ kỹ thuật này, trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy điều đó có thể không chính xác do thành kiến ​​chủng tộc và dẫn đến sự xét xử sai lầm.

Theo một nghiên cứu do thẩm phán STJ Rogério dẫn đầu, chỉ riêng trong năm 2023, tòa án công lý cấp cao của Brazil (STJ) - tòa án hàng đầu của đất nước về các vấn đề phi hiến pháp - đã hủy bỏ 281 bản án trong đó các bị cáo đã bị kết án sai do lỗi nhận dạng ảnh.