Cho vay nợ và đòi nợ là hoạt động tài chính bình thường - nhưng thời gian qua, không ít doanh nghiệp đã vướng lao lý vì vấn đề này.
Nhiều công ty tài chính thực thi quyền đòi nợ thông qua đội ngũ nhân viên của công ty tài chính bằng gọi điện thoại, tin nhắn... Họ nhắc nhở người vay trả nợ bằng ngôn ngữ từ nhỏ nhẹ tới đe dọa, khủng bố, bêu xấu trên mạng xã hội…
Cực đoan hơn, một số người không liên quan đến khoản nợ (không quen người vay tiền) cũng bị gọi điện đòi nợ bởi lẽ số điện thoại của họ được thêm vào một cách ngẫu nhiên để hợp thức hóa hồ sơ vay, trong khi thực tế không có mối quan hệ nào.
Điều này khiến nhiều người cảm thấy phiền hà, bức xúc và ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, thậm chí hoang mang sợ hãi.
Đọc thêm: Khoảng 300 người trên cả nước bị một công ty luật đe dọa, vu khống để đòi nợ
Các hình thức thu hồi nợ đúng luật
Pháp luật cho phép các công ty tài chính là bên cho vay có quyền triển khai các hoạt động đòi nợ, nhằm thúc giục người đi vay trả nợ - theo Thông tư 43 năm 2016 của Ngân hàng nhà nước.
Hành lang pháp lý cho các nhân viên công ty tài chính nhận thức để cảnh tỉnh, giới hạn việc gọi điện đòi nợ khách hàng mức độ nào được phép và mức độ nào vi phạm pháp luật, được quy định theo Thông tư 18 của Ngân hàng Nhà nước.
Quy định về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ của các công ty tài chính, nêu rõ: Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật. Không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày.
Hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 - 21 giờ.
Đặc biệt, không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Từ quy định trên cho thấy, việc gọi điện, khủng bố bằng tin nhắn với những người không có nghĩa vụ trả nợ như người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay là bất hợp pháp. Việc gọi điện thoại quá nhiều lần một ngày để đe dọa, cũng như thúc ép những người quen biết với bên vay phải trả nợ, cũng là trái luật.
Để không vi phạm pháp luật, người cho vay không được thực hiện một trong các hành vi: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần hoặc bắt giữ người vay trái pháp luật để nhằm đòi nợ.
Những hành vi này có thể dẫn đến việc bị xử phạt hành chính, nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như: Tội đe doạ giết người, Tội xâm phạm chỗ ở của người khác bởi, Tội gây rối trật tự công cộng).
Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu bên vay tiền vi phạm nghĩa vụ thanh toán, hai bên có thể thỏa thuận về hướng giải quyết như gia hạn, miễn, giảm lãi…Trường hợp không thương lượng được, người cho vay có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền. Bên khởi kiện có quyền yêu cầu tòa án kê biên, phong tỏa tài sản của người vay để tranh việc tẩu tán tài sản, đảm bảo thi hành án sau này cũng như sử dụng các biện pháp khác mà pháp luật không cấm như sử dụng báo chí, truyền thông… Trường hợp người cho vay tự ý định đoạt tài sản của người vay bằng cách siết, bán, cầm cố… để thay thế cho khoản nợ còn thiếu thì tùy vào tính chất, mức độ và tình huống cụ thể mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản... |
Sáng 6/3, lượng của công an đã khám xét trụ sở chính của Công ty F88 - công ty tài chính chuyên cho vay với quy mô lớn. Theo thông tin ban đầu, Công ty F88 chuyên cho vay tiền, có cả trăm nhân viên thu hồi nợ và trong thời gian qua đã đe doạ người vay, nghi có dấu hiệu Cưỡng đoạt tài sản.