Chờ...

Cựu cán bộ Ban chỉ đạo Tây Nguyên ở Đắk Lắk lừa đảo lãnh án 19 năm tù

VOH - Cựu cán bộ Ban chỉ đạo Tây Nguyên (trụ sở ở Đắk Lắk) kháng cáo kêu oan nhưng bị truy tố thêm tội.

Ngày 13/6, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa sơ thẩm lần 2, xét xử bị cáo Dương Ngọc Đức (48 tuổi, trú tại xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tòa sơ thẩm lần 2 tuyên phạt bị cáo Đức 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 5 năm tù về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp hình phạt 19 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, hội đồng xét xử buộc bị cáo Đức bồi thường cho phía bị hại 12 tỉ đồng.

Tại phiên xét xử sơ thẩm lần 1 vào tháng 4/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tuyên phạt bị cáo Đức 6 năm tù về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, bị cáo Đức kháng cáo kêu oan.

Xử phúc thẩm hồi tháng 8/2022, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk để điều tra, xét xử lại để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Đức.

khang-cao-keu-oan-1-8862
Bị cáo Đức tại tòa - Nguồn: PLO

Theo cáo trạng (sau khi điều tra lại), từ năm 2008 đến năm 2018, bị cáo Đức là cán bộ tại Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và giữ chức vụ Trưởng phòng Tổng hợp.

Năm 2009, bị cáo Đức biết Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn đầu tư dự án trồng rừng, trồng cây công nghiệp tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Đến năm 2010, Đức rủ một số người thành lập Công ty CP Tư vấn đầu tư Đức Nguyên (Công ty Đức Nguyên), đặt trụ sở tại thành phố Buôn Ma Thuột để làm ăn với công ty này.

Thời gian từ năm 2011 đến 2018, Đức đã làm giả 48 tài liệu của Công ty Đức Nguyên, giả chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty để thực hiện mở tài khoản công ty; thỏa thuận, bàn bạc và ký hợp đồng với đối tác…

Đức dùng các tài liệu giả đại diện pháp nhân công ty trên để thỏa thuận, bàn bạc ký kết hợp đồng với Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn nhằm được tạm ứng kinh phí 12 tỷ đồng. Sau đó, Đức ký kết hợp đồng với Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn để được tạm ứng kinh phí 12 tỷ đồng nhằm thực hiện một dự án theo hợp đồng tại huyện Ea Súp.

Tuy nhiên, đến năm 2016, hai bên tiến hành thanh lý hợp đồng vì nhiều lần gia hạn nhưng chưa thực hiện được dự án. Quá trình thanh lý, Đức tiếp tục làm giả nhiều giấy tờ, tài liệu. Vụ việc sau đó được công an thụ lý điều tra.

Tại tòa, bị cáo Đức liên tục kêu oan. Bị cáo một mực khẳng định không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Bị cáo nói sau khi ký hợp đồng đã thuê đơn vị chuyên môn lập dự án, đánh giá tác động môi trường, được tỉnh Đắk Lắk ra văn bản đồng ý chủ trương lập dự án…

Bị cáo khẳng định đã chi nhiều khoản để thực hiện công việc theo hợp đồng đã ký và đã có xác nhận của công ty đối tác nên không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dù vậy, sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ liên quan, hội đồng xét xử khẳng định quá trình điều tra khách quan, đúng quy định pháp luật; cáo trạng truy tố bị cáo Đức đúng người, đúng tội nên không chấp nhận bào chữa của các luật sư cũng như lời kêu oan của bị cáo.