Đăng nhập

Cựu Chủ tịch An Giang bị đề nghị 10 năm tù trong vụ án cát lậu

VOH - Ngày 27/3, Tòa án Nhân dân TPHCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm 44 bị cáo trong vụ án sai phạm cấp phép thăm dò, khai thác và nâng công suất khai thác cát tại tỉnh An Giang.

Viện Kiểm sát Nhân dân (VKS) đề nghị mức án từ 9 đến 10 năm tù đối với cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình vì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, liên quan đến vụ khai thác cát trái phép lớn nhất nước.

Ngày 27/3, Tòa án Nhân dân TPHCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm 44 bị cáo trong vụ án sai phạm cấp phép thăm dò, khai thác và nâng công suất khai thác cát tại tỉnh An Giang. Đại diện VKS đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

cuu chu tich_vohXem toàn màn hình
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình. - Ảnh: PLO

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình bị đề nghị mức án 9-10 năm tù. Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư đối diện mức án 6-7 năm tù, trong khi cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Việt Trí bị đề nghị 10-11 năm tù, cả hai bị cáo buộc tội nhận hối lộ.

Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trung Hậu 68, bị đề nghị tổng mức án 30 năm tù với ba tội danh: đưa hối lộ, vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên và rửa tiền.

40 bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ phạt tiền 500 triệu đồng đến 9 năm tù với các tội danh như vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ nộp ngân sách nhà nước…

Theo VKS, từ năm 2020 đến 2023, Lê Quang Bình đã lợi dụng mối quan hệ cá nhân để tác động đến các lãnh đạo tỉnh, qua đó giúp Công ty Trung Hậu 68 được cấp phép khai thác cát tại các mỏ Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân theo hình thức chỉ định, không qua đấu giá.

Dù công ty không đủ điều kiện, Nguyễn Thanh Bình vẫn chỉ đạo cấp dưới phê duyệt, nâng tổng công suất khai thác từ 300.000m³ lên 1,1 triệu m³. Khi phát hiện độ sâu khai thác vượt mức cho phép, Bình tiếp tục vận động lãnh đạo tỉnh can thiệp để hợp thức hóa sai phạm.

Sau khi được cấp phép, công ty này đã khai thác hơn 5 triệu m³ cát, trong đó chỉ 1,3 triệu m³ được bán theo đúng quy định, số còn lại (3,7 triệu m³) bị bán trái phép, thu lợi hơn 293 tỉ đồng.

Để duy trì hoạt động khai thác, Lê Quang Bình đã chi nhiều khoản tiền lớn để mua chuộc lãnh đạo tỉnh. Nguyễn Thanh Bình nhận 300.000 USD, Nguyễn Việt Trí nhận 3,1 tỉ đồng, Trần Anh Thư nhận 961 triệu đồng và Nguyễn Bảo Trung (cựu Chánh Văn phòng UBND tỉnh) nhận 550 triệu đồng.

Không chỉ nhận hối lộ, một số bị cáo còn giúp hợp thức hóa nguồn gốc số cát khai thác trái phép. Bình đã mua lại Công ty MêKông Tháp Mười để sử dụng hóa đơn, chứng từ khống, qua đó che giấu nguồn gốc cát lậu. Tiền thu từ bán cát cũng được rửa thông qua nhiều tài khoản ngân hàng trước khi chuyển lại cho Bình. Tổng số tiền mặt mà Bình thu về lên đến 170 tỉ đồng.

Trong quá trình điều tra, nhiều bị cáo đã nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính. Nguyễn Thanh Bình nộp lại 50.000 USD, Trần Anh Thư nộp 1 tỉ đồng, Nguyễn Việt Trí nộp 3 tỉ đồng, Lê Quang Bình nộp hơn 5,7 tỉ đồng cùng 20.000 USD…

Đại diện VKS đánh giá, các bị cáo đều nhận thức được hành vi sai phạm, hợp tác tốt với cơ quan điều tra. Tuy nhiên, hành vi của họ đã xâm phạm nghiêm trọng đến sự đúng đắn trong hoạt động của cơ quan nhà nước, gây thất thoát tài nguyên lớn, làm mất niềm tin của người dân. Do đó, cần áp dụng mức án nghiêm khắc để răn đe.

Phiên tòa sẽ tiếp tục trong những ngày tới với phần tranh luận giữa luật sư bào chữa và đại diện VKS trước khi Hội đồng xét xử đưa ra phán quyết cuối cùng.

Bình luận