Luật sư Nguyễn Trọng Hào cho biết, việc sử dụng bằng giả được xem là hành vi "sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả" và bị cấm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để xác định trách nhiệm hình sự, cần xem xét mục đích của hành vi. Nếu mục đích "nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân" thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 341 Bộ luật Hình sự.
Trong trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm vẫn có thể bị xử phạt hành chính. Ngoài ra, tang vật và phương tiện vi phạm sẽ bị tịch thu.
Theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội sử dụng giấy tờ giả quy định, tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Luật quy định:
1. Người sử dụng giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
2. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn như có tổ chức; Phạm tội nhiều lần; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọn; Thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 2 đến 5 năm tù.
3. Đối với các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng như sử dụng giấy tờ giả để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên, mức phạt có thể lên đến 7 năm tù.
4. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền bổ sung từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Theo Nghị định 138/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, tang vật và phương tiện vi phạm sẽ bị tịch thu.
Thời gian gần đây, dư luận xã hội đang xôn xao trước thông tin nghi vấn bằng cấp của ông Vương Tấn Việt (thượng tọa Thích Chân Quang). Hành vi này không chỉ gây bức xúc trong cộng đồng mà còn đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về hậu quả pháp lý.
Sở GD&ĐT TPHCM xác nhận kết quả rà soát hồ sơ thi tốt nghiệp THPT của ông Vương Tấn Việt như sau: không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp III năm 1989 của Sở GD&ĐT TPHCM; không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp III bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD&ĐT TPHCM.
Trước tình hình này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương, cùng các trường đại học liên quan đã vào cuộc để xác minh thông tin.
Nếu sử dụng bằng giả để học lên đại học, thạc sĩ, hoặc tiến sĩ (dù quá trình học và thi ở các bậc này đều là thật, và các bằng cấp đều là chính thức), thì các bằng cấp đó vẫn sẽ bị thu hồi.
Hậu quả pháp lý của việc sử dụng bằng giả, chứng chỉ giáo dục giả là rất nghiêm trọng. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người vi phạm mà còn gây tác động tiêu cực đến xã hội, làm suy giảm niềm tin vào hệ thống giáo dục.