Khai báo gian dối về bằng lái: Mức phạt tăng gấp nhiều lần

VOH - Hiện nay, thông tin về giấy phép lái xe (GPLX) đã được tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia, giúp cơ quan chức năng dễ dàng tra cứu.

Điều này đồng nghĩa với việc người vi phạm giao thông cố tình khai báo gian dối về GPLX sẽ đối diện với mức xử phạt nặng hơn.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm cố tình không xuất trình GPLX với các lý do như “bị mất”, “để quên” hoặc thậm chí khai báo là chưa được cấp. Một số trường hợp làm vậy để né việc bị trừ điểm GPLX hoặc tránh bị tước quyền sử dụng.

Tuy nhiên, theo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, đây là suy nghĩ sai lầm. Với hệ thống dữ liệu quốc gia, CSGT có thể dễ dàng kiểm tra thông tin về GPLX của người vi phạm. Nếu quên mang GPLX bản cứng, người điều khiển phương tiện có thể xuất trình thông qua ứng dụng định danh điện tử VNeID. Những ai cố tình khai báo sai lệch sẽ bị xác minh nhanh chóng và xử lý nghiêm theo quy định.

khai bao_voh
Ảnh minh họa: LĐTĐ

Theo quy định, nếu người điều khiển phương tiện không xuất trình được GPLX khi bị kiểm tra, ngoài lỗi vi phạm ban đầu, họ còn bị lập biên bản lỗi “điều khiển phương tiện không có GPLX”.

Trong trường hợp người vi phạm thực sự không có GPLX, chủ phương tiện cũng có thể bị phạt do hành vi “giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển” theo Khoản 1, Điều 56 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nếu người vi phạm có GPLX nhưng không xuất trình khi bị kiểm tra, CSGT vẫn lập biên bản lỗi không có GPLX. Nếu quá thời hạn quy định (thường là 7 ngày làm việc) mà không xuất trình được GPLX, người vi phạm sẽ bị xử phạt theo khung dành cho hành vi không có GPLX.

Theo Nghị định 168/2024, mức xử phạt cụ thể như sau:

Người điều khiển xe máy không mang theo GPLX: phạt 200.000 - 300.000 đồng.

Người điều khiển ô tô không mang theo GPLX: phạt 300.000 - 400.000 đồng.

Người điều khiển xe máy dưới 125cm³ không có GPLX: phạt 2 - 4 triệu đồng.

Người điều khiển xe máy trên 125cm³ hoặc xe ba bánh không có GPLX: phạt 6 - 8 triệu đồng.

Người điều khiển ô tô không có GPLX: phạt 18 - 20 triệu đồng.

Như vậy, nếu cố tình khai gian để tránh bị tạm giữ GPLX, người vi phạm không chỉ bị phạt mà còn có nguy cơ chịu mức xử phạt cao hơn nhiều so với lỗi ban đầu.

Theo thống kê từ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, từ ngày 1/1 đến 4/2, lực lượng chức năng đã xử lý 19.892 trường hợp vi phạm giao thông, tước 756 GPLX, trừ điểm trên 2.200 trường hợp. Trong đó có 1.309 trường hợp không có GPLX.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng ghi nhận nhiều vi phạm nghiêm trọng khác như: 4.997 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. 1.441 trường hợp chạy quá tốc độ.
2.786 trường hợp dừng, đỗ sai quy định.

Trước thực tế này, CSGT khuyến cáo người dân không nên khai gian về GPLX, vì hệ thống dữ liệu đã được đồng bộ và việc tra cứu thông tin rất dễ dàng. Thay vì tìm cách né tránh, người tham gia giao thông cần tuân thủ luật để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Bình luận