Chờ...

Tin pháp luật 29/5: Xét xử vụ con trai loạn thần vì ma túy, sát hại cha mẹ

VOH - Các tin khác: Bắt hai thanh niên giả 'cảnh sát hình sự' để cướp tài sản; Sau cuộc gọi giả danh công an, người đàn ông ở Hà Nội mất 450 triệu…

Xét xử vụ con trai loạn thần vì ma túy, sát hại cha mẹ

Sáng 29/5, Tòa án nhân dân TPHCM đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với Võ Hoàng Phi Hổ (34 tuổi, ngụ quận 6) về tội giết người. Nạn nhân trong vụ án là cha và mẹ ruột của bị cáo.

Theo cáo trạng, khuya 1/8/2021, tại ngôi nhà trên đường Bình Tiên (quận 6, TP.HCM), Hổ đi từ tầng gác xuống tầng trệt và mang theo một con dao dài đến nơi bà N. (mẹ ruột) đang nằm và đâm liên tiếp nhiều nhát vào người bà.

Khi ấy, ông T. (cha của Hổ) từ tầng gác đi xuống, phát hiện sự việc bèn la lớn rồi dùng tay khống chế con dao mà Hổ đang cầm. Hổ lúc này hất tay ông T. ra rồi tiếp tục đâm nạn nhân chết gục tại chỗ. Lúc Hổ đâm ông T., bà N. gắng mở cửa bỏ chạy ra ngoài, chạy được một đoạn thì bị ngã. Hổ rượt theo và tiếp tục đâm nhiều nhát vào người mẹ mình.

Quay sang thấy chị ruột, Hổ dọa đâm khiến người chị hoảng sợ chạy trốn ra ngoài, tri hô cho người xung quanh.

Nhận được tin báo của nhân dân, lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường, khống chế và bắt giữ Hổ khi đang cầm con dao trên tay.

Hậu quả vụ việc khiến cả cha lẫn mẹ của Hổ đều tử vong.

Kết luận giám định pháp y tâm thần xác định trước, trong, sau khi thực hiện hành vi giết người, Hổ bị rối loạn loạn thần do sử dụng nhiều loại ma túy, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

sat-hai-cha-me-tto
Võ Hoàng Phi Hổ tại phiên tòa ngày 29/5 - Ảnh: TTO

Bắt hai thanh niên giả 'cảnh sát hình sự' để cướp tài sản

Ngày 29/5, cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng Nguyễn Chí Lâm (20 tuổi) và Hồ Văn Lập (cùng ngụ tỉnh Đồng Tháp) để điều tra hành vi “Cướp tài sản” và “Cướp giật tài sản”.

Đây là 2 đối tượng giả danh "cảnh sát hình sự" để thực hiện các vụ cướp tài sản.

Khoảng 2h30 ngày 16/5, khi anh T. (ngụ xã Tân Thạnh) đi bộ từ nhà ra QL30 để đón xe đi TPHCM thì bất ngờ có 2 thanh niên đi xe máy đến tiếp cận. Thanh niên ngồi trên xe nói “Mày phải tên Mi bán số đề không?”, anh T. nói không phải.

Thanh niên nói trên vẫn khẳng định anh T. là Mi và kêu người ngồi sau xuống xe kiểm tra túi xách của anh nhưng bị anh T. phản ứng.

Các đối tượng mở túi xách của anh T., giật lấy điện thoại rồi định tẩu thoát về hướng TP Cao Lãnh. Anh T. liền nắm đuôi xe giữ lại, bị kéo lê khoảng 2m thì buông tay. Sau đó, anh T. đến trình báo Công an xã Tân Thạnh.

Cũng trong ngày 16/5, chị N. (ngụ xã Tân Thạnh) đang chạy xe máy trên QL30 thì có 2 nam thanh niên lạ mặt chắn đầu xe. Người ngồi sau giựt lấy túi xách của chị rồi tẩu thoát.

Nhận định đây là vụ án “Cướp tài sản” với thủ đoạn giả danh lực lượng Cảnh sát hình sự chặn xe, khống chế bị hại để chiếm đoạt tài sản, cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Bình đã tập trung lực lượng xác minh, truy tìm đối tượng. Công an đã bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Chí Lâm. Sau đó, Hồ Văn Lập - đối tượng cùng thực hiện hành vi cướp tài sản với Lâm - đã ra đầu thú.

thanh-binh-cuop-934
Đối tượng Lâm tại cơ quan cảnh sát điều tra - Ảnh: Công an tỉnh Đồng Tháp

Sau cuộc gọi giả danh công an, người đàn ông ở Hà Nội mất 450 triệu

Sáng 29/5, Công an TP Hà Nội cho biết, mới đây, ông T. (44 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội) vừa bị những kẻ giả danh công an gọi điện lừa cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo rồi chiếm đoạt tài sản.

Ngày 7/5, Công an quận Hà Đông tiếp nhận đơn trình báo của ông T. về việc bị mất 450 triệu đồng trong tài khoản.

Ông T. cho biết, có nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an quận Hà Đông, thông báo đang điều tra vụ án liên quan đến ông.

Đối tượng yêu cầu ông khai báo online qua cổng Dịch vụ công. Sau đó, đối tượng gửi cho đường link cài đặt phần mềm dịch vụ công “giả mạo”. Khi cài đặt xong, ông T. phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất 450 triệu đồng.

Từ vụ việc nêu trên, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến.

dich-vu-cong-gia-mao

Sập bẫy lừa đảo khi đăng ký cho con tham gia hoạt động hè trên mạng

Mới đây, chị X (ngụ tỉnh Kon Tum) đến cơ quan Công an trình báo vụ việc mình bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khi đăng ký cho con tham gia giải chạy bộ trên mạng.

Chị X đăng ký tham gia chạy marathon cho con trên một fanpage. Ban đầu, các đối tượng yêu cầu chị gửi các thông tin cá nhân của con và tải ứng dụng Telegram để liên lạc. Chúng đưa chị vào một nhóm kín trên Telegram, trong đó có nhiều thành viên tự xưng là phụ huynh học sinh có con tham gia giải chạy. Sau đó, đối tượng yêu cầu chị X thực hiện nhiệm vụ bằng cách chụp màn hình các sản phẩm và chuyển khoản số tiền tương ứng. Nếu thực hiện được nhiệm vụ, ban tổ chức trả lại tiền gốc và hoa hồng. Khi hoàn thành mới cho con của chị vào vòng xét duyệt chính thức để tham gia giải chạy.

Dù có nghi ngờ nhưng thấy nhiều thành viên nhóm có chụp hình báo kết quả thực hiện nhiệm vụ và nhận tiền hoa hồng nên chị X. cũng thử. Ở nhiệm vụ đầu, chị X. chuyển khoản thanh toán sản phẩm có giá 299.000 đồng, các đối tượng chuyển khoản lại hoa hồng ngay sau đó.

lua-dao-giai-marathon-tre-em
Ảnh: Trang TTĐT Công an Kon Tum

Sau khi tin tưởng và thực hiện tiếp một số nhiệm vụ, lượt tiếp theo các đối tượng lại báo nội dung chuyển khoản ghi sai cú pháp, yêu cầu chị thực hiện lại một lần nữa. Mặc dù nghi ngờ, song do đang mua nhiều sản phẩm với số tiền đã chuyển trả lớn, chưa lấy lại được nên chị X tiếp tục chuyển tiền.

Sau nhiều lần chuyền, chị X đã chuyển gần 200 triệu đồng cho các đối tượng. Các đối tượng tiếp tục yêu cầu chị chuyển thêm 50 triệu đồng để xác minh các giao dịch, nếu không chuyển thì toàn bộ số tiền trước đó sẽ bị treo. Lúc này, chị X không thực hiện và yêu cầu chuyển lại số tiền cho mình, thì các đối tượng cắt đứt liên lạc.

Tương tự, nhiều phụ huynh ở các tỉnh, thành khác cũng bị các trang fanpage chạy marathon cho học sinh giả mạo dẫn dụ.

Cơ quan Công an khuyến cáo nếu có nhu cầu đăng ký tham gia chạy marathon, người dân hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin, truy cập vào các trang web chính chủ, không nên vào các trang quảng cáo trên Facebook vì các trang này rất dễ bị làm giả.