Chờ...

Vụ án chuyến bay giải cứu: Áp dụng tình tiết tăng nặng nào cho tội nhận hối lộ?

(VOH) - Tội nhận hối lộ là tội có mức hình phạt cao nhất là tử hình, tội này cũng có qui định các tình tiết giảm nhẹ khi người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả.

Tội đưa và nhận hối lộ khi bị xử lý hình sự có thể áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ khi tòa phán quyết mức án. Luật sư Nguyễn Thế Hùng, Đoàn Luật sư TPHCM sẽ giải thích rõ hơn về tội danh này.

chuyến bay giải cứu
Công dân Việt Nam được "chuyến bay giải cứu" đưa từ Nhật về cách ly tại địa phương - Ảnh minh họa

*VOH: Mức phạt cho tội đưa và nhận hối lộ là bao nhiêu?

Ls Nguyễn Thế Hùng: Tội đưa và nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 và Điều 363 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (viết tắt BLHS 2015).

Tội đưa và nhận hối lộ, tùy tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử lý hình sự, xử lý hành chính, hoặc xử lý kỷ luật.

Về hình sự: Theo quy định thì người nào trực tiếp hay qua trung gian đã hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ một lợi ích nào để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ với mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.

Theo quy định thì người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ một lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ với mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Về xử lý hành chính: Người có hành vi đưa, nhận hối lộ có thể bị xử lý hành chính với các mức như sau:

Phạt tiền từ 2 đến 4 triệu đồng đối với hành vi đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú;

Phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng đối với hành vi đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.

Về xử lý kỷ luật: Theo Điều 37 Nghị định 112 năm 2020 của Chính phủ thì cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.

Đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức.

*VOH: Tội nhận hối lộ có tình tiết tăng nặng không?

Ls Nguyễn Thế Hùng: Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự cũng được quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Nếu người phạm tội nhận hối lộ, có các dấu hiệu cấu thành sau đây sẽ phải chịu sự xem xét về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như sau:

-Phạm tội có tổ chức;

-Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;

-Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;

*VOH: Nếu người nhận hối lộ đã nộp lại tiền nhận hối lộ thì được xem xét giảm nhẹ mức hình phạt?

Ls Nguyễn Thế Hùng: Theo quy định tại Điều 40 và Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bao gồm:

Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

Người bị kết án tử hình mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì sẽ không bị thi hành án tử hình. Trong trường hợp này hình phạt tử hình sẽ được chuyển thành tù chung thân.

Theo quy định vừa nêu trên đây thì việc nộp lại tiền nhận hối lộ được xem là tình tiết để giảm nhẹ hình phạt.

*VOH: Theo kết luận điều tra vụ án “Chuyến bay giải cứu” có bị can Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự không nhận thức được hành vi phạm tội, không ăn năn, hối cải; không hợp tác với cơ quan điều tra, cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật. Cơ quan điều tra đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng trong giai đoạn truy tố, xét xử đối với bị cáo này. Vậy áp dụng tình tiết tăng nặng như trong trường hợp này sẽ tăng như thế nào?

Ls Nguyễn Thế Hùng: Như đã nói ở trên: ở mức tăng nặng đầu tiên, theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, người phạm tội nhận hối lộ sẽ phải chịu mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, nếu phạm tội trong tình huống: Có tổ chức; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

Gây thiệt hại về tài sản từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng;

Phạm tội 02 lần trở lên; Phạm tội mà biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

Phạm tội do đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

Ở mức tăng nặng thứ hai, người phạm tội nhận hối lộ phải chịu án phạt tù từ 15 năm đến 20 năm, nếu:

Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500 triệu đồng  - 1 tỷ đồng;

Phạm tội mà gây thiệt hại về tài sản từ  3 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng.  

Người phạm tội có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, nếu:

Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên, Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên…

Theo như các báo đã đưa về kết luận điều tra của vụ án thì đại diện các doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, móc nối, đưa hối lộ cho cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan với số tiền 20,2 tỷ đồng và 210.000 USD (tổng cộng hơn 25 tỷ đồng). Như vậy chiếu theo Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi phạm tội của bị can này có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình và có thêm tình tiết tăng nặng mà cơ quan điều tra đề nghị áp dụng.

Cũng xin nói thêm là tôi không biết có tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp này hay không? Nếu có thì khi vụ án đưa ra xét xử tòa cũng sẽ xem xét.

*VOH: Cảm ơn Ls.