Review Mufasa: The Lion King - phần tiền truyện đầy cảm xúc của tượng đài tuổi thơ

VOH - Hành trình trở thành vua của Mufasa trong Mufasa: Vua Sư Tử hứa hẹn sẽ chạm đến trái tim khán giả nhờ nội dung ý nghĩa, hình ảnh mãn nhãn và hiệu ứng âm thanh tuyệt vời.

Phần tiền truyện của bộ phim kinh điển The Lion King - Mufasa: The Lion King -  mang đến một chuyến phiêu lưu đầy cảm xúc về hành trình trưởng thành của vua sư tử Mufasa, từ một chú sư tử nhỏ bé bị lạc loài đến người lãnh đạo vĩ đại của vùng đất Pride Lands.

Với sự chỉ đạo của đạo diễn tài ba Barry Jenkins, bộ phim mở ra một thế giới động vật sống động và tinh tế, đồng thời đào sâu hơn vào mối quan hệ phức tạp giữa Mufasa và người anh em Scar (Taka). Tuy nhiên, dù đạt được nhiều thành tựu, bộ phim vẫn tồn tại một số điểm trừ đáng tiếc trong cách triển khai nội dung.

review-mufasa-the-lion-king-phan-tien-truyen-day-cam-xuc-cua-tuong-dai-tuoi-tho (10)
Từ chú sư tử con sợ nước đến vua của muôn loài - Ảnh: Disney

Mufasa: The Lion King – từ chú sư tử tràn ngập nỗi sợ đến chúa tể muôn loài

  • Thể loại phim: Hành động, viễn tưởng, phiêu lưu
  • Đạo diễn: Barry Jenkins
  • Kịch bản: Jeff Nathason
  • Diễn viên: Aaron Pierre, Kelvin Harrison Jr. Seth Rogen, Billy Eichner, Beyoncé, Blue Ivy Carter, Donald Glover, Mads Mikkelsen, Thandiwe Newton, John Kani
  • Đơn vị sản xuất: Walt Disney Pictures
  • Đơn vị phát hành: Galaxy Links (Việt Nam)
  • Khởi chiếu: Khởi chiếu sớm từ 18.12.2024

Mufasa: The Lion King là phần tiền truyện đưa khán giả trở về với hành trình trưởng thành của Mufasa (cha của Simba) - từ một chú sư tử mồ côi, ngoại lai đến chúa tể muôn loài. Trong hành trình đó, khán giả được tường tận hơn về mối quan hệ phức tạp giữa Mufasa và người anh em Scar (Taka).

Thuở đầu, Mufasa là một chú sư tử nhỏ lớn lên ở vùng đất khô cằn, khắc nghiệt. Sau trận lũ lớn, Mufasa bị lạc khỏi cha mẹ, lênh đênh trên một nhánh cây gỗ cho đến khi gặp chú sư tử nhỏ mang trong mình dòng máu hoàng tộc tên Taka. 

review-mufasa-the-lion-king-phan-tien-truyen-day-cam-xuc-cua-tuong-dai-tuoi-tho (4)
Mufasa bị lạc khỏi cha mẹ do một trận lũ - Ảnh: Disney

Dưới sự giúp đỡ của Taka và Eshe - mẹ của Taka, Mufasa được nhận vào bầy sư tử nơi này. Tuy vậy, đức vua Obasi - cha của Taka, vẫn tồn tại định kiến với “kẻ ngoại tộc”, chỉ cho phép Mufasa ở cùng bầy sư tử cái. 

Luôn không được thừa nhận, Mufasa mang trong mình nỗi tự ti dù sở hữu trí thông minh tuyệt vời, năng lực săn mồi vượt trôi, giác quan nhạy bén và khả năng lãnh đạo tài tình. Dưới sự dạy dỗ của Eshe, Mufasa phát triển và vượt xa các sư tử đực khác. 

Biến cố ập tới, một bầy sư tử trắng “ngoại tộc” đến tấn công lãnh thổ và giết hại bầy sư tử của Obasi. Mufasa và Taka được cha mẹ bảo vệ, chạy khỏi quê hương để thoát thân. Dù vậy, bầy sư tử trắng vẫn truy cùng đuổi tận, theo họ tới Milele. Trên hành trình gian truân này, Mufasa và Taka gặp gỡ Sarabi – cô sư tử sau này trở thành mẹ của Simba, chú chim mỏ sừng Zazu và chú khỉ đầu chó thông thái Rafiki.

review-mufasa-the-lion-king-phan-tien-truyen-day-cam-xuc-cua-tuong-dai-tuoi-tho (12)
Mufasa (ở giữa), Taka (phải) và các bạn - Ảnh: Disney

Đến Milele, một cuộc chiến khốc liệt diễn ra giữa hai bầy sư tử. Vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, Mufasa không chỉ lãnh đạo bầy sư tử của mình mà còn kêu gọi sự đoàn kết từ muông thú để cùng nhau chiến đấu, đánh bại kẻ thù. Sau cùng, Mufasa được mọi loài tin yêu, kính phục, tôn kính lên làm vua, tạo ra vương quốc Pride Lands.

Câu chuyện là khởi đầu cho huyền thoại về một nhà vua vĩ đại, đồng thời là tiền đề cho mối thù sâu sắc giữa hai anh em, lý giải nguyên nhân của mọi bi kịch trong phần phim sau.

Trailer Mufasa: The Lion King - Nguồn: Disney

Hành trình vượt qua định kiến và nỗi sợ của vua sư tử

Còn nhớ trong phần phim The Lion King, trong mắt Simba, Mufasa là người cha dũng cảm, không sợ hãi bất cứ điều gì. Ông oai hùng, kiêu hãnh, dịu dàng, luôn bảo vệ chu toàn cho mẹ con Simba và cả vương quốc. Simba không biết rằng, Mufasa đã có cả một chặng đường dài để vượt qua vùng an toàn, vượt qua định kiến đến từ người ngoài và nỗi sợ đến từ chính bản thân. 

review-mufasa-the-lion-king-phan-tien-truyen-day-cam-xuc-cua-tuong-dai-tuoi-tho (5)
Simba luôn nghĩ rằng Mufasa là người cha dũng cảm, không biết sợ là gì - Ảnh: Disney

Mở đầu phim, Mufasa trải qua biến cố lớn khi bị cuốn trôi bởi một trận lũ và lạc khỏi cha mẹ. Việc tách rời người thân, lưu lạc giữa thiên nhiên hoang dã là một cú sốc lớn đối với chú sư tử nhỏ. Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước ngoặt đầu tiên trong hành trình trưởng thành của Mufasa mà còn hình thành nên nỗi sợ hãi sâu thẳm nhất trong lòng chú sư tử con: sợ nước, sợ những đêm đen chợp mắt mơ thấy cha mẹ. 

review-mufasa-the-lion-king-phan-tien-truyen-day-cam-xuc-cua-tuong-dai-tuoi-tho (2)
Mufasa luôn mơ về cha mẹ - Ảnh: Disney

Không những thế, khi nhập bầy cùng Taka, Mufasa phải đối mặt với sự miệt thị đến từ Obasi - đức vua luôn dè chừng dòng máu ngoại tộc. Vô số lần, Mufasa bị nhắc nhở sự khác biệt với người em trai mang trong mình dòng máu hoàng tộc. Cậu cũng tin rằng, nhiệm vụ cả đời của mình là phò tá em trai trở thành vua.

Với nỗi tự ti tràn đầy và những ám ảnh đeo bám dai dẳng, Mufasa nép mình về sau âm thầm bảo vệ, giúp đỡ người thân yêu. Cậu cũng luôn nhường nhịn, hỗ trợ em trai Taka mà không bao giờ kể công. Cậu giấu những tâm tư, nguyện vọng vào sâu trong lòng, mãi ở trong vòng tròn an toàn mà cậu tự vẽ. 

review-mufasa-the-lion-king-phan-tien-truyen-day-cam-xuc-cua-tuong-dai-tuoi-tho (1)
Cậu là chú sư tử mang trong mình nhiều nỗi sợ - Ảnh: Disney

Bộ phim đã khéo léo khai thác hành trình vượt qua nỗi sợ của Mufasa. Từ những lần mẹ nuôi, người thương và bản thân gặp nguy hiểm đến trận chiến cuối cùng tại Milele, Mufasa dần dần bước ra khỏi vòng tròn an toàn. Cậu cuối cùng cũng vứt bỏ định kiến, dũng cảm thừa nhận chính bản thân cũng như vượt qua nỗi sợ nước. 

Trong số đó, điểm nhấn cảm xúc của phim nằm ở niềm tin vào giá trị bản thân. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và những lời nhắc nhở từ muôn loài, Mufasa dần nhận ra ý nghĩa của vòng tròn sinh mệnh và trách nhiệm to lớn của mình đối với cộng đồng.Thông qua diễn biến tâm lý đầy tự nhiên và sâu sắc, người xem cảm thấy đồng cảm với một Mufasa thiện lương, luôn nghĩ cho người khác mà quên đi bản thân mình. 

review-mufasa-the-lion-king-phan-tien-truyen-day-cam-xuc-cua-tuong-dai-tuoi-tho (7)
Mufasa cuối cùng cũng vượt qua được tất cả - Ảnh: Disney

Nền giáo dục sai trái tạo nên kẻ phản diện

Một trong những điểm hấp dẫn của Mufasa: The Lion King là sự phát triển nhân vật Taka - cũng chính là Scar trong tương lai. Hành trình để một Taka trở thành kẻ phản diện Scar là cả chặng đường chuyển biến tâm lý đầy bi kịch. Để câu chuyện trở thành cú plot twist bất ngờ, nhà làm phim đã cho Scar sở hữu cái tên khác ngày còn nhỏ - Taka.

Do vậy, xuyên suốt nửa đầu bộ phim, khán giả không nhận ra Scar là ai, đã xuất hiện trên phim hay chưa. Bởi trong quãng thời gian này, Taka xuất hiện với tâm hồn rất đỗi lương thiện, tốt bụng, dù tích cách có phần nghịch ngợm, thích khoe mẽ. Cậu thật lòng yêu thương anh trai Mufasa dù họ không chung dòng máu. Khi Obasi buông lời khinh thường Mufasa, chính Taka đã không ngần ngại chống đối cha mình để bảo vệ anh.

review-mufasa-the-lion-king-phan-tien-truyen-day-cam-xuc-cua-tuong-dai-tuoi-tho (6)
Từ thái tử huyết thống, Taka trở thành kẻ phản diện - Ảnh: Disney

Tuy nhiên, nhân cách tốt đẹp của Taka đã dần dà bị méo mó bởi chính cách giáo dục sai trái của cha mình. Dù phim không cho điều ấy thể hiện rõ ràng, khán giả cũng tự hiểu ra được. Những lời huyễn hoặc về dòng máu hoàng tộc cao quý, về vị trí chúa tể hiển nhiên thuộc về Taka; những lần dạy con chỉ cần nằm lười biếng, không cần cố gắng cũng có thể trị vì; thái độ khinh thường phụ nữ khinh thường kẻ ”ngoại tộc” và lời nói về việc làm vua phải biết gian trá, lừa lọc... - tất cả đã ngấm ngầm ăn sâu vào trong tiềm thức của Taka.

Để rồi, từ một hoàng tử vô tư vô lo, tự tin đầy mình, Taka lại chỉ biết sợ hãi và hèn nhát trốn chạy trong khoảnh khắc mẹ mình và người mình thương bị sư tử trắng tấn công. Trong tất cả những lần ấy, chính Mufasa thay Taka cứu họ. Sau cùng, Taka lại đổ lỗi, cho rằng Mufasa cố tình cướp đi tất cả người thân yêu của cậu. Vào khoảnh khắc quá mức oán giận, Taka lại nhớ về lời dạy của cha, một mực tin rằng điều cha nói là đúng đắn. Lúc này, hậu quả của cách dạy con sai lệch đã thể hiện rõ ràng. Đây cũng là giây phút Taka chính thức bị tha hóa.

review-mufasa-the-lion-king-phan-tien-truyen-day-cam-xuc-cua-tuong-dai-tuoi-tho (1)
Sư tử trắng tấn công mẹ của Taka - Ảnh: Disney

Có thể thấy, Taka (Scar) hiện lên là một nhân vật đầy mâu thuẫn: trông rất tự tin nhưng thực chất luôn muốn được công nhận, tỏ ra dũng cảm nhưng lại vô cùng hèn nhát. Phim làm rõ được vấn đề thường thấy trong xã hội: trẻ em vốn là những tờ giấy trắng, và tờ giấy có thể bị bẩn nếu ở trong một nền giáo dục sai trái.

Cú “hụt” đáng tiếc trong chiều sâu nội dung

Dù truyền tải được thông điệp sâu sắc lồng ghép trong hành trình của vua sư tử, Mufasa: The Lion King vẫn để lại cảm giác hụt hẫng về cách xây dựng nội dung. Xem phần phim kể về đời Simba, khán giả đã mường tượng về quá khứ đầy thâm thù đại hận giữa Mufasa và Scar, hoặc đơn giản Scar chỉ là kẻ phản diện xấu tính, tham lam.

Tuy nhiên, Disney đã mong muốn xây dựng mối quan hệ giữa hai anh em sâu sắc và phức tạp hơn thế: từ yêu thương đến thù hận. Hai anh em đã quãng thời gian dài cùng đồng hành, gắn bó: thuở ấu thơ cùng chơi đùa, thời niên thiếu hỗ trợ lẫn nhau, có mặt và kịp thời cứu giúp trong nhiều khoảnh khắc sinh tử. 

Những xung đột nội tâm và sự ích kỷ trong Taka (Scar) bắt đầu xuất hiện rải rác vào những lần chứng kiến mẹ và Mufasa cùng đi săn, những lần anh trai thể hiện tài năng ưu việt. Chúng tích tụ dần, ngày qua ngày trở thành lòng ghen tị tràn đầy và nỗi ám ảnh chứng minh giá trị bản thân. 

Tuy nhiên, đáng tiếc thay, cú chốt đánh dấu bước ngoặt trong chuyển đổi nhân cách thành kẻ phản diện thực thụ của Taka lại là tình tiết thiếu tính sáng tạo, nhảm nhí và nhàm chán: hai anh em trở mặt vì một tình yêu đối với sư tử cái Sabari. 

review-mufasa-the-lion-king-phan-tien-truyen-day-cam-xuc-cua-tuong-dai-tuoi-tho (13)
Tình cảm anh em gắn bó lại tan vỡ vì tình yêu đối với một sư tử cái - Ảnh: Disney 

Taka thể hiện sự yêu thích với Sabari ngay từ những giây phút đầu gặp gỡ. Taka cũng kể riêng chuyện này với Mufasa và nhờ anh trai giúp đỡ. Tuy nhiên, chuyện yêu thầm của Taka không được hồi đáp. Sabari yêu Mufasa bởi trí tuệ và tài năng tuyệt vời, quan trọng hơn hết, Mufasa đã cứu Sabari ngay lúc hiểm nguy. 

Mặc kệ Mufasa đã giấu diếm tình yêu của bản thân, hết lòng kết đôi em trai cùng “crush”, chối bay chối biến khi Sabari tra hỏi, cuối cùng, Sabari vẫn thúc đẩy Mufasa thừa nhận giá trị cũng như tình cảm của bản thân. Khoảnh khắc Mufasa và Sabari bày tỏ lời yêu, Taka đã chứng kiến tất thảy, đem lòng ghen tị và cảm thấy bất công khi anh trai “nẫng tay trên”.  Taka lúc này dù chưa được đổi tên, nhưng cậu thực sự đã biến thành Scar mà khán giả từng chứng kiến ở phần phim sau.

review-mufasa-the-lion-king-phan-tien-truyen-day-cam-xuc-cua-tuong-dai-tuoi-tho (4)
Khán giả thực sự tiếc cho nhân vật Taka cũng như tình cảm giữa Taka và Mufasa - Ảnh: Disney

Chi tiết Taka chính thức trở mặt với Mufasa vì Sabari là một chi tiết hết sức nông cạn và đi theo lối mòn. Vô số các tác phẩm trước đó đã xây dựng kịch bản tương tự. Tình anh em giữa Mufasa - Taka bỗng dưng bị chính nhà làm phim đánh giá thấp, trở nên nhỏ bé, dễ lung lay, sụp đổ. 

Dù biết nếu Mufasa luôn phải nhường em trai mọi thứ, kể cả tình yêu sẽ khiến nhân vật chính thiệt thòi, tuy nhiên, nhà làm phim vẫn có thể chọn hướng đi khác thay vì để hai anh em “trở mặt vì gái”. Hơn hết, trước đó phim cũng không khắc họa rõ nét tình cảm âm thầm của Mufasa dành cho Sabari thông qua ánh mắt hay hành động lặng lẽ. Điều này khiến cút plot twist trở nên đột ngột, thiếu tinh tế và thiếu thuyết phục, chiều sâu tình cảm cũng như tâm lý của hai anh em Mufasa - Taka theo đó trở nên mờ nhạt.

Hình ảnh mãn nhãn, hiệu ứng âm thanh tuyệt vời, cách kể chuyện độc đáo

Giới phê bình Mỹ gọi phần tiền truyện Mufasa: The Lion King là phiên bản nâng cấp về mặt hình ảnh, bởi tác phẩm sở hữu phần nhìn vô cùng mãn nhãn. Barry Jenkins đã sử dụng công nghệ tiên tiến để tái hiện một thế giới động vật đầy màu sắc. Khung cảnh núi rừng và thảo nguyên châu Phi được tái hiện sống động, chân thực đến từng chi tiết. Từ ánh sáng đến cử động của muông thú đều được xử lý tỉ mỉ, khiến người xem như lạc vào thiên nhiên hoang dã.

review-mufasa-the-lion-king-phan-tien-truyen-day-cam-xuc-cua-tuong-dai-tuoi-tho (3)
Phần hình ảnh được nâng cấp - Ảnh: Disney

Đặc biệt, tác phẩm đã thành công hơn trong việc đẩy cao cảm xúc người xem so với phần phim chiếu trước đó nhờ vào biểu cảm sinh động của các nhân vật động vật, từ ánh mắt kiên cường của Mufasa đến những khoảnh khắc đau khổ, dằn vặt của Taka.

review-mufasa-the-lion-king-phan-tien-truyen-day-cam-xuc-cua-tuong-dai-tuoi-tho (1)
Biểu cảm sinh động của các nhân vật động vật - Ảnh: Disney

Hiệu ứng âm thanh cũng là một điểm sáng lớn. Những bản nhạc nền đậm màu sắc hoang dã của Lin-Manuel Miranda kết hợp với âm thanh thiên nhiên chân thực đã nâng cao trải nghiệm của khán giả. Đặt biệt, hiệu ứng âm thanh trong các cảnh hành động – từ trận chiến vượt qua lũ lụt đến trận chiến với bầy sư tử trắng – đều khiến người xem hồi hộp, choáng ngợp. Ngoài ra, cách lựa chọn góc nhìn cũng là một điểm cộng của phim. Câu chuyện được tái hiện qua lời của chú khỉ đầu chó Rafiki, với đối tượng kể là cháu gái Mufasa, tăng thêm tính huyền thoại cho bộ phim. 

Nhìn chung, Mufasa: The Lion King là tác phẩm đáng xem với những cải tiến rõ rệt về mặt hình ảnh và âm thanh, đồng thời bổ sung thêm chiều sâu cho câu chuyện về vua sư tử. Tuy nhiên, phim vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của mình, đặc biệt trong cách phát triển nhân vật Taka (Scar). Dẫu vậy, với thông điệp ý nghĩa về giá trị, niềm tin, gia đình và sự dũng cảm, bộ phim vẫn là một lựa chọn tuyệt vời để thưởng thức vào dịp cuối năm. 

Cùng VOH giải trí cập nhật thêm các thông tin mới nhất về phim ảnh mỗi ngày tại chuyên mục phim ảnh.

Bình luận