Với tầm nhìn xa, trông rộng của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu vai trò vô cùng quan trọng của lực lượng thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, lúc sinh thời, Bác luôn dành tình cảm đặc biệt cũng như thời gian, công sức, trí tuệ để chăm lo đào tạo, giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ. Trong khối di sản văn hóa đồ sộ Người để lại cho dân tộc, 5 điều Bác Hồ dạy thanh niên vẫn mãi là kim chỉ nam soi đường cho lực lượng hậu bị của Đảng, của cách mạng đời sau.
1. Tình cảm của Bác Hồ với thanh niên Việt Nam
Nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho thanh niên và nhi đồng toàn quốc. Trong thư, Người viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Qua đó, có thể thấy, Người rất quan tâm đến đoàn viên, thanh niên - những chủ nhân tương lai của đất nước. Bởi theo Người, “nước nhà thịnh hay yếu, suy hay mạnh một phần lớn do lực lượng thanh niên”.
Để thế hệ trẻ trở thành những con người cách mạng chân chính, những con người mới của xã hội chủ nghĩa, Bác Hồ luôn quan tâm sát sao đến sự nghiệp giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng thế hệ thanh niên Việt Nam. Người nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc quan trọng và rất cần thiết”. Lời căn dặn của Người với Đảng ta về việc giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng thế hệ thanh niên Việt Nam đã cho thấy tình thương mà Bác Hồ kính yêu của dân tộc dành cho lớp lớp thế hệ trẻ.
Khi Bác Hồ nói về thanh niên, Người khẳng định, đoàn viên thanh niên là “lực lượng cốt để xây dựng xã hội mới”, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Những điều Bác Hồ dạy thanh niên trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng cho đến bản Di chúc của mình đã cho thấy tình cảm thương yêu, trìu mến mà Người dành cho thế hệ trẻ Việt Nam.
2. Nội dung 5 điều Bác Hồ dạy thanh niên Việt Nam
Ngày 2/9/1965, nhân kỷ niệm 20 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho thanh niên. Người biểu dương thanh niên cả nước đã có tinh thần hăng hái tham gia, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam. Trong đó, Người căn dặn thanh niên 5 điều sau:
- Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng "trung với nước hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành khó khăn nào cũng vượt qua kẻ thù nào cũng đánh thắng". Không sợ gian khổ hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
- Phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể của nhân dân, tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do.
- Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng tự mãn, chống lãng phí xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để giúp nhau cùng tiến bộ mãi.
- Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.
- Luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo.
3. Những lời dạy của Bác Hồ với thanh niên Việt Nam lúc sinh thời
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đã dành trọn cuộc đời để cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong suốt những năm tháng đó, Người luôn quan tâm sâu sắc đến lớp thế hệ thanh niên - lực lượng xung kích trên mọi mặt trận, là “rường cột” của quốc gia. Thông qua những bài báo, bài thơ, bài nói chuyện, Bác đã gửi gắm những lời dạy chân thành và sâu sắc đến thế hệ thanh niên Việt Nam.
Sau đây, chúng tôi xin được trích dẫn những lời Bác Hồ dạy thanh niên lúc sinh thời để thấy được tình cảm đặc biệt, sự quan tâm sâu sắc mà Người dành cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng những chủ nhân tương lai của nước nhà.
- “… Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”.
(“Thư gửi các bạn thanh niên”, ngày 12/8/1947)
- “Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”.
(Bài thơ Bác tặng Đơn vị thanh niên xung phong 312 làm đường tại xã Cẩm Giàng, Bạch Thông, Bắc Kạn, ngày 28/3/1951)
- “Bác rất yêu quý thanh niên:
Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng.
Vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Vì thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ Tổ quốc”.
(Bài nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, ngày 20/12/1961)
- “Thanh niên ta có vinh dự to thì cũng có trách nhiệm lớn. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chớ phô trương hình thức, chớ kiêu ngạo tự mãn. Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là học tập, lao động, sinh hoạt theo đúng đạo đức của thanh niên xã hội chủ nghĩa”.
(Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, 20/12/1961, Sđd, tập 10, trang 489)
- “Hỡi anh chị em thanh niên Nam Bộ!
Tôi thề cùng các bạn giữ vững nền độc lập tự do của nước Việt Nam. Dẫu có phải hy sinh đến nửa số dân tộc, ta cũng quyết hy sinh. Cuộc kháng chiến tự vệ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam phải toàn thắng”.
(“Lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ”, ngày 30/10/1945)
- “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”
(Bài nói chuyện với sinh viên và thanh niên trong Lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 19/11/1955)
- “Thanh niên ta phải cố gắng học. Do hoàn cảnh trong xã hội cũ hạn chế nên số đông thanh niên công – nông ta ít được học. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức”.
(Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 24/3/1961)
- “Đảng, Chính phủ và Bác rất chú ý đến thanh niên. Bác vui lòng khen ngợi những cố gắng của thanh niên… Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt.
…
Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp.
Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm", "gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người".
Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ.”
(Bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc, ngày 22/9/1962)
- “Các cháu xứng đáng là những thanh niên ưu tú của nhân dân Việt Nam anh hùng. Và, giặc Mỹ đã thua to ở hai miền nước ta, chúng đang thất bại ngày càng nặng nề hơn ở miền Nam, nhưng chúng vẫn rất ngoan cố chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta. Vì vậy, Bác nhắc nhở các cháu: Phải nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng, cùng quân dân ta quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược; luôn luôn đoàn kết, ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa để ngày càng tiến bộ, đem hết nhiệt tình tài năng của tuổi trẻ cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”.
(Thư khen ngợi đơn vị TNXP 333 có nhiều thành tích xuất sắc trên các tuyến đường Khu Bốn ác liệt, ngày 27/1/1969)
- “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên"”.
(Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh)
4. Các mẩu chuyện kể về Bác Hồ với thanh niên Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là tấm gương đạo đức sáng ngời cho thế hệ trẻ và toàn thể nhân dân Việt Nam noi theo. Dưới đây là các câu chuyện Bác Hồ với thanh niên mà chúng tôi đã sưu tầm. Hy vọng những mẩu chuyện ngắn này sẽ giúp bạn hiểu hơn về tình cảm sâu sắc mà Bác dành cho thế hệ trẻ.
4.1 Mẩu chuyện 1: Thanh niên phải gương mẫu trong đoàn kết và kỷ luật - Theo lời kể của nghệ sĩ nhân dân Chu Thúy Quỳnh - nhà biên đạo múa nổi tiếng
Lần nào gặp Bác, câu đầu tiên Bác thường hỏi là: “Thế các cháu có đoàn kết không, có thương yêu nhau không?”, rồi Bác dặn: “Thanh niên phải gương mẫu trong đoàn kết và kỷ luật”.
Cả chi đoàn đã lấy lời nói đó của Bác làm nội dung tu dưỡng. Mỗi khi có gì va chạm, kém gắn bó với nhau, anh chị em lại rất ân hận là chưa xứng đáng với lời Bác dặn, có anh chị em khóc nức nở vì hối hận chưa thực hiện được theo đúng lời Bác.
Có lần Bác hỏi tôi: “Trong chi đoàn cháu, có đoàn viên nào có tư tưởng muốn làm “ngôi sao” không?”.
Tôi còn đang lúng túng, Bác đã bảo: “Biểu diễn thật hay để phục vụ nhân dân được nhiều là tốt. Nhưng nếu có tư tưởng muốn làm “ngôi sao” thì ngôi sao có khi tỏ, có khi lặn, lúc ngôi sao lặn thì lại buồn. Trong đoàn cháu có thanh niên nào có tư tưởng muốn làm “ngôi sao” thì cháu phải giúp đỡ”.
Lần cuối cùng tôi được gặp Bác, sau khi đi diễn ở Pháp, Ý, Angiêri, Liên Xô, Trung Quốc... về, cả đoàn lại được quây quần quanh Bác. Tôi là phó trưởng đoàn, nên cũng được đến gặp Bác và báo cáo với Bác là ở Angiêri cũng như ở Pháp, ở Ý... cứ mỗi lần tiết mục của ta hay, họ vỗ tay đến vỡ nhà hát và hô: Việt Nam - Hồ Chí Minh, Việt Nam - Điện Biên Phủ.
Bác vui vẻ bảo:
- Thế là người ta hoan nghênh các cháu, các cháu có hếch mũi lên không? (Bác đưa tay đẩy mũi lên).
Cả đoàn cười rộ và ai nấy đều hiểu đó là Bác có ý răn bảo.
Xong Bác bảo: “Người ta hoan hô các cháu, hay hoan hô Bác là người ta hoan hô cả dân tộc mình, cả dân tộc Việt Nam anh hùng”...
4.2 Mẩu chuyện 2: Con đường tuổi trẻ
Chủ nhật, ngày 16/10/1958, 100 học sinh các trường Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trưng Vương và Nguyễn Huệ đang lao động xây dựng mở rộng đường Cổ Ngư thì Bác đến.
Bác nói: “Hôm nay, Bác đến thăm các cháu tham gia lao động xây dựng thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác rất vui mừng thấy ở đây có các cháu nam, nữ, các cháu miền Bắc, miền Nam đều khỏe mạnh, hăng hái lao động, như thế là tốt...”.
Bác dặn dò học sinh các trường thi đua nhau cùng làm tốt, phát huy sáng kiến tăng năng suất lao động... Bác sẽ đổi tên con đường này là đường Thanh niên.
Quan tâm tới công trường của tuổi trẻ thủ đô, ngày 6/6/1959, Người lại đến thăm lần thứ hai giữa lúc học sinh nghỉ hè, tham gia lao động rất đông. Con đường hoàn thành, ngày 5/2/1961, Người đến trồng cây ở vườn hoa đường Thanh niên.
Được vinh dự tham gia trồng cây với Người có các đại biểu về dự Đại hội Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam thành phố Hà Nội.
Nhân dịp này, Bác đã nói chuyện về lợi ích việc trồng cây: “Nếu mỗi thanh niên một năm trồng 3 cây và chăm sóc thật tốt, 8 triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây, 5 năm sẽ trồng 120 triệu cây. Nếu đem trồng số cây ấy trên đường nối liền Hà Nội - Mạc Tư Khoa thì con đường chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản càng xanh tươi”.
4.3 Mẩu chuyện 3: Bỏ thuốc lá - Sưu tầm
Hút thuốc lá là thú vui duy nhất của Bác như Bác thường nói. Nhưng từ khi bị bệnh, theo lời khuyên của hội đồng thầy thuốc, Bác có kế hoạch quyết tâm bỏ dần. Bác nói:
- Bác hút thuốc từ lúc còn trẻ nay đã thành thói quen, bây giờ bỏ thì tốt nhưng không dễ, các chú phải giúp Bác bỏ tính xấu này. Rồi Bác tự đề ra chương trình bỏ thuốc dần dần. Lúc đầu là giảm số lượng điếu hút trong ngày. Khi thèm hút thuốc Bác làm một việc gì đó để thu hút sự chú ý, tập trung. Tuổi đã già phải làm như vậy thật quá vất vả. Tập một thứ quen, bỏ một thói quen không dễ chút nào.
Phải có một nghị lực phi thường mới làm được. Bác bảo đồng chí giúp việc để cho Bác một vỏ lọ Penixillin ở nơi làm việc và phòng nghỉ. Hút chừng nửa điếu Bác dụi đi để vào lọ đó. Sau hút lại nửa điếu để dành, anh em can bảo thuốc lá hút dở không có lợi, Bác bảo: "Nhưng hút thế để có cữ". Với cách làm đó, Bác đã giảm từ cả bao xuống ba bốn điếu một ngày. Cứ như vậy, Bác hút thưa dần.
Đầu tháng 3/1968 nhân khi bị cảm ho nhẹ, Bác tự quyết định bỏ hẳn. Mấy ngày sau, trong một tuần lễ anh em vẫn để gói thuốc chỗ bàn làm việc của Bác, nhưng Bác không dùng.
Sau một tuần thấy Bác quyết tâm như vậy, anh em cất hẳn thuốc lá. Một tháng sau, khi tiếp đồng chí Vũ Quang, lúc ấy là Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Bác nói: Bác đã bỏ quốc lá rồi, chú về vận động thanh niên đừng hút thuốc lá. Sau này Bác có bài thơ Vô đề:
“Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm,
Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,
Một năm là cả bốn mùa Xuân”
5. Nhìn lại những hình ảnh Bác Hồ với thanh niên
Sau đây, chúng ta hãy cùng nhìn lại những hình ảnh Bác Hồ với thanh niên Việt Nam để hiểu hơn tình cảm của Người dành cho thế hệ trẻ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn thanh niên: “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”. Thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy thanh niên, thế hệ trẻ ngày nay cần chuẩn bị cho mình hành trang vững chắc, sẵn sàng cống hiến cho xã hội vì sự giàu mạnh phồn vinh của đất nước, trong đó có cả cuộc sống và hạnh phúc của chính mình.
Nguồn ảnh: Internet