Trong cuộc sống, có lẽ bạn đã ít nhiều từng được nghe câu “Áo mặc sao qua khỏi đầu”. Đây là câu tục ngữ đã có từ thuở xưa đến nay, khuyên răn phận con cái luôn phải đặt chữ hiếu lên hàng đầu, ngoan ngoãn vâng theo lời dạy của cha mẹ thì mới phải phép. Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, câu nói này lại gây tranh cãi không ít.
1. “Áo mặc sao qua khỏi đầu” là gì?
Thực tế xa xưa, ông bà cha ta thường chỉ mặc những chiếc áo cài nút chứ không phải áo trùm đầu hay áo thun như bây giờ, vì thế muốn mặc thì cứ đưa hai tay vào trước rồi cài lại chỉnh tề. Vậy nên thời đấy mới có câu “Áo mặc sao qua khỏi đầu”.
Cũng từ đấy, ông cha ta đã dùng hình ảnh mặc áo để ẩn dụ về cha mẹ và con cái. Trong đó:
- "Áo mặc" muốn nói đến những lời khuyên của bậc sinh thành
- "Sao qua khỏi đầu" muốn ám chỉ đến sự hiểu biết của con cái.
Từ đó, câu tục ngữ “Áo mặc sao qua khỏi đầu” muốn nói chiếc áo mặc không bao giờ có thể qua đầu. Cũng giống như sự hiểu biết, trải nghiệm của con cái không thể nào bằng cha mẹ được.
Do đó phận con cái phải một mực nghe theo lời cha mẹ - người sinh ra mình, dù cho trong lòng không cam nhưng cũng phải chấp nhận. Không được đôi co, cãi lời cha mẹ hay đi ngược lại lời chỉ dạy của cha mẹ để rồi sau này ân hận không kịp.
Câu nói này đã vận dụng trong cuộc sống từ xưa cho đến bây giờ vẫn còn tồn tại. Xưa kia, có thể nói tình yêu chính là điều khiến người ta đau khổ nhất, bởi đa phần chuyện dựng vợ gả chồng đều một tay do bố mẹ quyết định, sắp đặt kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, vì thế mà nhiều mối tình son sắt lại hiếm khi nào được nên duyên giai ngẫu. Về phần con cái, nếu được cha mẹ bảo cưới người họ không thích, họ cũng chỉ biết một dạ vâng lời, hiếm khi đứng lên chống lại uy quyền bởi tội bất hiếu xưa nay luôn là điều cấm kỵ.
Chữ “hiếu” dù xưa hay nay vẫn luôn chiếm một vị trí quan trọng trong tư tưởng của chuẩn mực con người. Người không có đạo hiếu được coi là người làm trái với lẽ trời, đáng bị lên án và ruồng bỏ.
Vì thế mà trong xã hội xưa, đã là phận làm con phải nhất nhất vâng theo lời của cha mẹ. Từ chuyện trong nhà, ngoài ngõ cho đến hạnh phúc của một đời thì người quyết định vẫn luôn là cha mẹ. Vậy nên, người ta cũng đã dần quen với quan niệm “Áo mặc sao qua khỏi đầu”, dù đúng dù sai thì nếu con cãi cha mẹ là có tội.
Xem thêm: ‘Góp gió thành bão’: rèn luyện tính cách này, cuộc đời ‘lên hương’ khi nào không hay
2. “Áo mặc sao qua khỏi đầu” có ý nghĩa thế nào trong cuộc sống hiện nay?
Dẫu biết ý niệm “Áo mặc sao qua khỏi đầu” đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Về tình lẫn về lý, nghe theo lời dạy của cha mẹ là không sai.
Những chuyện nhỏ thì không nói, nhưng những chuyện trọng đại, như hôn sự, sự nghiệp, đam mê thì ngoài tham khảo ý kiến của cha mẹ, chúng ta còn phải tự phán đoán và đưa ra quyết định phù hợp với tùy hoàn cảnh. Nhất là chuyện hạnh phúc cả đời người, chẳng thể nào cưới về một người mà mình không có một chút tình cảm.
Về phía cha mẹ, chúng ta không nên ép buộc con trẻ nghe theo ý mình trong mọi trường hợp mà chỉ nên gợi ý, động viên con cái mình để chúng tự lập và tốt hơn mỗi ngày. Hãy cho con cái tự do quyết định với mọi mong muốn bản thân, người mình yêu, để hạnh phúc được phát triển một cách trọn vẹn!
Bên cạnh đó, không nên dạy dỗ con cái theo kiểu rập khuôn, cứng nhắc như chỉ có người lớn tuổi mới có quyền thế, tiếng nói lớn hơn cả, còn người vai vế thấp hơn thì không được lên tiếng bày tỏ quan điểm.
Cách giáo dục đó sẽ ảnh hưởng xấu đến tư duy sáng tạo, tính độc lập, tự chủ của con ngay từ nhỏ. Cách nuôi con áp đặt một chiều, tư tưởng “áo mặc sao qua khỏi đầu” sẽ dễ làm trẻ thụ động, thiếu sáng tạo trong suy nghĩ, hành động và dần thu mình lại với thế giới xung quanh, đặc biệt là ngày càng xa cách cha mẹ.
Về con cái, chúng ta nên tham khảo ý kiến của cha mẹ và lắng nghe suy nghĩ của họ. Sau đó chúng ta phân tích kỹ lưỡng và chọn con đường đúng đắn và phù hợp nhất với mình. Bởi suy cho cùng cha mẹ cũng chỉ muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho con nên nếu chỉ vì bất đồng quan, điểm tư tưởng dẫn đến cãi vã thì không nên chút nào.
Vậy nên trước khi làm điều gì, chúng ta nên suy xét kỹ càng, cùng với đó là xin lời góp ý, tư vấn từ cha mẹ để xem điều đó có đúng đắn và được làm hay không. Nếu cha mẹ tin tưởng thì sẽ ủng hộ bạn, còn nếu thấy vướng mắc thì họ sẽ nhắc nhở, khuyên bảo để bạn có được một hướng đi đúng đắn hơn.
Xem thêm: ‘Con trâu là đầu cơ nghiệp’ - bạn đã biết tại vì sao chưa?
3. Những thành ngữ, tục ngữ có ý nghĩa tương tự “Áo mặc sao qua khỏi đầu”
Không chỉ có tục ngữ “Áo mặc sao qua khỏi đầu”, từ thời xa xưa đã truyền tay nhau rất nhiều câu ca dao, tục ngữ nói về quan niệm con cái phải vâng phục và không được cãi lời cha mẹ. Những câu nói này đều để lại cho mỗi người rất nhiều suy tư, trăn trở cùng những lời khuyên quý báu.
- Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.
- Trứng khôn hơn vịt.
- Lúc sống thì chẳng cho ăn/Để đến khi chết làm văn tế ruồi.
- Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.
4. Những tục ngữ, ca dao nói về tình cảm cha mẹ - con cái
Có thể nói quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ tình cảm quan trọng và thiêng liêng. Nếu như trách nhiệm lớn lao của cha mẹ là nuôi dạy các con nên người thì bổn phận của con cái là hiếu thuận với mẹ cha. Để khẳng định vai trò dạy dỗ của cha mẹ và hiếu đạo của con cái, ông cha ta có rất nhiều ca dao, tục ngữ nói về điều này.
- Con có mẹ như măng ấp bẹ
- Một con so lo bằng mười con rạ!
- Cha mẹ sinh con trời sinh tính
- Sinh con ai nỡ sinh lòng/ Sinh con ai chẳng vun trồng cho con.
- Có cha có mẹ thì hơn/ Không cha không mẹ như đờn không dây
- Của đời cha mẹ để cho/ Làm không ăn có, của kho cũng rời
- Khôn ngoan nhờ ấm ông cha/ Làm nên phải đoái ông cha phụng thờ
- Đạo làm con chớ hững hờ/ Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm.
- Con khôn nở mặt mẹ cha
- Chim trời ai dễ đếm lông/ Nuôi con, ai dễ kể công tháng ngày.
Xem thêm: Ăn cây táo rào cây sung: Lời nhắc nhở về kiểu người sống vô ơn đáng để suy ngẫm
Như vậy, dù ở xã hội xưa hay nay, câu tục ngữ “áo mặc sao qua khỏi đầu” vẫn mang một ý nghĩa đáng trân trọng. Chúng ta hãy sống là những người con hiếu thuận vì cha mẹ không thể sống với chúng ta cả đời. Thế nên hãy trân trọng điều đó khi cha mẹ còn sống.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet