Chờ...

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ngày tháng năm nào? Ở đâu?

(VOH) - Nhìn lại hành trình Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước mới thấy rõ tình yêu nước, thương dân vô hạn, tầm nhìn chiến lược của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng.

Đã 111 năm (5/6/1911 - 5/6/2022) trôi qua kể từ thời khắc Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, cho đến ngày nay, sự kiện này vẫn luôn là mốc son chói lọi trong công cuộc cách mạng giành độc lập, tự do cho dân tộc. Vậy điều gì đã thôi thúc chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành một thân một mình, không bầu bạn, không người thân, chỉ với hai bàn tay trắng và chút kiến thức học ở nhà trường lại dám xuất dương đi thẳng về phía kẻ thù của dân tộc mình để tìm con đường cứu nước?

1. Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước năm nào?

Trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, chế độ phong kiến tay sai bóc lột, Người đã chứng kiến những nỗi thống khổ của người dân, sự thất bại của các phong trào yêu nước. Chính thực tế ấy cùng tinh thần yêu nước cháy bỏng đã đưa chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, khi ấy mới 21 tuổi, quyết định đi tìm hướng đi mới cho cách mạng Việt Nam. Vậy Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước khi nào?

Ngày 5/6/1911, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp) làm giấy tờ đăng ký với tên là Văn Ba, bắt đầu chuyến hành trình tìm đường cứu nước kéo dài 30 năm. Nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước là bến cảng Nhà Rồng - một thương cảng sầm uất nằm bên sông Sài Gòn. 

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước - Bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam 1
Bến Nhà Rồng những năm đầu thế kỷ XX

Nếu những tiền bối cách mạng chọn sang phương Đông, nhờ cậy vào những nước láng giềng để giành độc lập dân tộc, thì chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành lại chọn các nước phương tây, cụ thể chính nước Pháp - kẻ thù của nước ta lúc bấy giờ. Người muốn tìm hiểu và khảo nghiệm thực tế trong “nội bộ kẻ thù của dân tộc mình”, muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn học hỏi nhiều hơn nữa để “trở về giúp đồng bào ta”. 

Và hơn 30 năm sau ngày 5/6/1911, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhân dân cả nước đã vùng lên giành chính quyền trong cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 để giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ thực dân trong suốt gần 80 năm.

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước - Bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam 2
Tàu Amiral Latouche Tréville, nơi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước (6/1911)

2. Bối cảnh quốc tế và trong nước khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước 

Bối cảnh lịch sử trong nước và thế giới lúc bấy giờ có tác động vô cùng quan trọng đến quyết định ra đi tìm đường cứu nước của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. 

2.1 Bối cảnh quốc tế

Từ cuối thế kỷ XIX, các nước châu Á trở thành thuộc địa, nửa thuộc địa của các nước đế quốc như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan…, trong đó có Việt Nam. Những năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước vào đầu thế kỷ XX, thế giới liên tiếp diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Trong đó, cuộc xung đột, tranh giành quyền lợi giữa các nước đế quốc đã dẫn đến cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), làm cho các mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa đế quốc trở nên gay gắt. Đây là thời cơ để các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc bùng lên mạnh mẽ. 

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, chủ nghĩa Mác - Lênin từ lý luận đã trở thành hiện thực, mở ra một thời đại mới - thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc. 

Tháng 3/1919, Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) được thành lập đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đối với Việt Nam, Quốc tế Cộng sản có vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước - Bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam 3
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi

2.2 Bối cảnh trong nước

Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đất nước ta từ một nước phong kiến độc lập chuyển sang chế độ thuộc địa nửa phong kiến. Nhân dân ta vừa phải chịu ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp vừa bị chính quyền phong kiến tay sai bóc lột, đẩy vào cảnh lầm than. Đây cũng chính là khoảng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh được sinh ra và trưởng thành.

Lúc bấy giờ, có nhiều phong trào yêu nước nổ ra khắp nơi với nhiều xu hướng khác nhau. Điển hình như các cuộc khởi nghĩa chống Pháp dưới ngọn cờ Cần Vương; các cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế dưới sự lãnh đạo của Hoàng Hoa Thám kéo dài hơn 30 năm; phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục... do các sĩ phu yêu nước chịu ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo. 

Mặc dù diễn ra mạnh mẽ nhưng tất cả các phong trào này đều thất bại. Nguyên nhân cốt lõi chính là thiếu một con đường và phương pháp đấu tranh đúng đắn, phù hợp với tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ. Chứng kiến cảnh “nước mất, nhà tan”, nhân dân bị đàn áp, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã nuôi dưỡng ý chí, quyết tâm giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. 

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước - Bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam 4
Hình ảnh về Phong trào Đông Du (1905-1909)

3. Bác Hồ đã đi qua bao nhiêu quốc gia trong hành trình tìm đường cứu nước

Bác Hồ trước khi ra đi tìm đường cứu nước là chàng thanh niên một gia đình Nho học yêu nước có ông ngoại là cụ Hoàng Đường, cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc đều là những nhà nho xuất sắc. Người được thừa hưởng truyền thống anh dũng, bất khuất của mảnh đất Nghệ An - nơi sản sinh ra những bậc hiền tài của đất nước. Trong quá trình trưởng thành, Người đã chứng kiến sự tàn bạo của thực dân Pháp, sự phụ thuộc của chế độ phong kiến bù nhìn khiến nhân dân ta bị đói khổ, lầm than. 

Xuất phát từ tình yêu nước, thương dân nồng nàn, Nguyễn Tất Thành đã chọn sống với lý tưởng vĩ đại, quyết tâm thay đổi vận mệnh của đất nước. Ngày 5/6/1911, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Trong suốt 30 năm bôn ba nước ngoài, Người đã đi qua 3 đại dương, 4 châu lục, đặt chân đến hơn 30 quốc gia và các vùng lãnh thổ, qua hàng trăm thành phố lớn nhỏ để tìm con đường cách mạng cho dân tộc Việt Nam.

"Từ bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành đã đi qua Singapore, Colombo, vượt Hồng hải, qua Suez Pháp. Vòng quanh châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Á qua các nước Bồ  đào nha, Tây Ban nha, Algerie, Tunisie, cửa biển Đông Phi, qua Cong go, Dahomey, Guinée, Sénégal, vượt Đại Tây dương đến Hoa Kỳ, xuống Nam Mỹ, tới Arhentina…Tiếp đó, trở lại Anh, đến Pháp qua Đức, tới Liên xô, Trung Quốc, sang Thái Lan… tất cả hành trình hơn 30 nước."

Trích từ bài viết "Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911- 05/6/2021)" của ban Tuyên Giáo Huyện Ủy Nam Trà My, Tỉnh Quảng Nam

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước - Bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam 5
Nguyễn Ái Quốc và báo Người cùng khổ

4. Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước bao lâu?

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 và trở lại Tổ quốc vào ngày 28/1/1941 tại Pác Bó, Cao Bằng. Trong suốt 30 năm ấy, Người đã trải qua hơn 20 công việc, nghề nghiệp khác nhau như làm phụ bếp, nhận cào tuyết cho một trường học, rồi làm thợ đốt lò,... để nuôi ý chí giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Từ năm 1919, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc này tên Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng ngòi bút của mình để tố cáo, phơi bày tội ác dã tâm của chế độ thực dân Pháp và tuyên truyền chủ nghĩa xã hội. Sau này, Người luôn không ngừng tìm hướng đi cho cách mạng Việt Nam, vạch ra đường lối để lãnh đạo nhân dân các thuộc địa đấu tranh chống áp bức, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người.

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước - Bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam 6
Chủ tịch Hồ Chí Minh lội suối đi công tác ở chiến khu Việt Bắc

Sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 là bước ngoặt quan trọng, thay đổi vận mệnh của dân tộc, từ một quốc gia nô lệ trở thành một quốc gia độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là một nhân cách lớn, một tấm gương lớn về lòng yêu nước nồng nàn, lòng nhân hậu, bác ái, là biểu tượng cao đẹp đầy tự hào của dân tộc Việt Nam. 

Nguồn ảnh: Internet