Chờ...

Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Bụng làm dạ chịu’ nói đến điều gì?

(VOH ) - Để nói về lối sống trách nhiệm, học cách đối nhân xử thế thì cha ông ta đã có câu thành ngữ “Bụng làm dạ chịu”. Vậy câu thành ngữ này có ý nghĩa gì, cùng tìm hiểu nhé!

Trong cuộc sống hiện nay, phần lớn khi xảy ra những điều không như ý muốn hầu hết chúng ta đều thường phàn nàn và đổ lỗi do hoàn cảnh hay do người này người nọ. Thực chất khi mắc phải lỗi lầm, điều quan trọng nhất chính là đối mặt và nhìn thẳng vào chính mình. Từ đó cha ông ta đã đúc kết ra câu thành ngữ “Bụng làm dạ chịu” để nhắc nhở thế hệ mai sau.

1. Bụng làm dạ chịu là gì?

Bụng làm dạ chịu là thành ngữ thường được sử dụng trong trường hợp bản thân gây ra chuyện xấu, chuyện ngoài ý muốn thì phải tự gánh lấy hậu quả. “Bụng” và “dạ” trong câu thành ngữ đều có ý nghĩa như một, chính vì thế, đại ý câu thành ngữ có nghĩa là việc mình làm mình phải tự chịu trách nhiệm, không đổ lỗi cho người khác.

Đây là một câu thành ngữ cha ông ta đã sử dụng từ xưa để răn dạy con cháu khi gây ra tội lỗi thì phải biết nhận lỗi, không nên vu oan hay đổ thừa cho người khác.

Ngoài ý nghĩa răn dạy, câu thành ngữ “bụng làm dạ chịu” còn phê phán và lên án những ai sống không biết nhận lỗi, trốn tránh trách nhiệm trong mọi xã hội.

bung-lam-da-chiu-voh-1
Thành ngữ “bụng làm dạ chịu” phê phán và lên án những ai sống không biết nhận lỗi

2. “Bụng làm dạ chịu” và bài học về lối sống có trách nhiệm

“Bụng làm dạ chịu” là một câu thành ngữ dạy chúng ta về một lối sống có trách nhiệm. Vạn vật trên thế gian này đều vận hành theo quy luật nhân quả. Khi chúng ta cho đi thì chúng ta sẽ được nhận lại những điều tốt đẹp. Khi chúng ta gieo rắc những điều xấu thì sẽ luôn sống trong sự ghen ghét, đố kị và thấp thỏm lo âu.

Câu thành ngữ cũng dạy chúng ta về cách đối nhân xử thế giữa con người với nhau. Để cuộc sống luôn đong đầy hạnh phúc, việc cho đi những điều tốt đẹp là điều vô cùng quan trọng. 

bung-lam-da-chiu-voh-2
Cho đi điều tốt thì chúng ta sẽ được nhận lại những điều tương tự

Với những điều không tốt bản thân gây ra, tự nhận lấy lỗi lầm chính là cách để chúng ta trưởng thành hơn. Đổ lỗi cho người khác, sống ích kỷ, thờ ơ, vô tâm với mọi người xung quanh chỉ khiến bản thân tách biệt ra khỏi thế giới. 

Đặc biệt, trong bất cứ việc gì trước khi làm chúng ta nên cũng nên suy nghĩ thật kỹ càng để tránh “bụng làm dạ chịu”.

Xem thêm: Học cách sống tử tế để tạo ra được sức mạnh to lớn trong xã hội

3. Nguồn gốc và câu chuyện cổ tích “Bụng làm dạ chịu”

Thành ngữ Bụng làm dạ chịu ( “作法自毙 ) có nguồn gốc từ chương “Thương Quân Liệt Truyện” của “Sử ký Tư Mã Thiên” ở thời Chiến Quốc. Câu nói được Chính Thương Ưởng, một nhà chính trị gia, pháp gia nổi tiếng, thừa tướng nước Tần thời Chiến Quốc đã thốt ra khi bỏ trốn sang nước khác để tránh tai họa.

Cổ tích Việt Nam cũng có những câu chuyện liên quan đến câu thành ngữ Bụng làm dạ chịu, cho đến nay vẫn được dân gian lưu truyền. Dưới đây là một trong những câu truyện cổ tích Bụng làm dạ chịu phổ biến nhất:

Chuyện kể về một anh chàng vô công rồi nghề, ngày ngày chỉ biết ăn bám vợ và khoác lác. Người vợ rất lấy làm bực mình vì phải nai lưng ra làm nuôi chồng và ba đứa con. Một hôm, chị vợ bắt anh ta phải đi học một nghề, anh chàng chỉ đi lang thang suốt buổi cho đến xế trưa lại về.

Hôm ấy anh ta về nhưng không vào nhà mà nấp sau vách biết được người vợ đi chợ về mua được năm tấm bánh gói, chia cho ba đứa con mỗi đứa một cái. Hai cái còn lại, cất vào trong vại gạo cho cha. Nghe thấy thế, anh ta rất thích, chờ một lúc lâu mới giả bộ đi từ phía cổng bước vào nhà.

Sau khi vào nhà, người vợ truy hỏi về nghề nghiệp, anh ta nói đã học được nghề bói bằng cách hít. Người vợ thử anh ta bằng việc bảo anh ta đi tìm hai cái bánh bị giấu đi, anh chàng ngước mũi lên giả bộ hít mấy cái, rồi tìm trong vại gạo. Người vợ tưởng thật, mừng quá, vội chạy đi loan báo với xóm giềng.

Hôm ấy, trong xóm có một bà mất một ổ lợn con, kiếm khắp mọi nơi không thấy. Bà ta vội chạy đến khẩn khoản nhờ tìm. Thật là may cho anh chàng, vì lúc đứng nghỉ ở một bụi tre dọc đường, hắn đã trông thấy bầy lợn con chạy lạc vào đó.

bung-lam-da-chiu-voh-3
Cổ tích Bụng làm dạ chiu được lưu truyền trong dân gian

Một lần khác, cha vợ nghe nói con rể học được phép lạ. Ông ta nói riêng với vợ bảo con rể về đây để tìm món tiền mà ông ta đã cất giấu nhằm thử tài con rể. Không ngờ chàng rề của ông đã lén theo vợ sang và nghe hết câu chuyện rồi vội chạy về nhà. Sau khi tới nhà cha vợ liền chỉ đúng chỗ chôn của và được thưởng một nửa số tiền chôn.

Từ đó tiếng đồn về thầy hít lan đi rất nhanh. Cũng vào thời gian ấy trong hoàng cung bỗng xảy ra một vụ trộm lớn. Nhà vua mất trộm một con rùa vàng và một con rùa bạc. Nghe tiếng đồn có thầy hít đại tài, vua vội sai quân lính đi mời về cho bằng được.

Khi thấy sứ giả đến nhà triệu mình, anh chàng vô cùng hoảng hốt. Khi qua sông, anh ta nhảy đại xuống nước, nghĩ rằng thà chết ở đây còn hơn bị kìm kẹp khổ thân. Hai người lính khiêng chia nhau lặn xuống nước tìm và cuối cùng cũng lôi được anh chàng lên bờ. Anh chàng lại nằm lên cáng cho hai người kia khiêng đi, miệng lẩm bẩm mấy tiếng: Bụng làm dạ chịu, chớ khá than van!

Không ngờ hai người khiêng cáng mà vua sai đi: một người tên là Bụng và một tên là Dạ. Hai đứa đã đồng mưu ăn trộm hai con rùa của vua. Nay nghe thầy hít lẩm bẩm như thế, cả hai thú tội cho thầy nghe rồi cuối cùng xin thầy làm ơn giấu giùm, nếu không sẽ khó mà thoát án tử hình.

Nghe đoạn, thầy như mở cờ trong bụng, vội hứa để bọn họ an tâm. Khi gặp vua, anh chàng lại giở giói phép hít của mình và quả nhiên tìm được hai bảo vật còn giấu. Nhà vua thán phục tài năng của anh, tặng thưởng rất hậu, lại ban cho tước lớn.

Anh ta về nhà chưa được bao lâu thì bỗng một hôm được sứ Trung quốc tìm đến tận nhà ngỏ lời mời mọc khẩn khoản. Nay nghe tiếng có thầy hít đại tài nên phái sứ giả sang mời tìm hộ.

Anh chàng lần này lại lo sốt vó, có thể nói hơn cả mấy lần trước. Vừa qua một khúc sông, anh ta đã nhảy ngay xuống nước định tự vẫn như lần trước. Không ngờ người ta lại cứu được lên. Nhưng lần này không hiểu anh ta nhảy thế nào mà khi lên bị sứt một một bên mũi. Hồi tỉnh lại, anh chàng chỉ cái mũi sứt nói với sứ giả rằng:

- "Tôi nhờ có cái mũi này mới làm ăn được. Nay con cá nóc đã cướp mất sự mầu nhiệm của tôi rồi, còn gì mà sang nữa".

Sứ giả không biết nói thế nào, đành phải để cho anh ta trở lại nhà.

Xem thêm: Giải thích câu ngạn ngữ ‘Một lần bất tín vạn sự bất tin’ nói đến phẩm chất quý giá của con người

4. Thành ngữ, tục ngữ, ca dao đồng nghĩa với Bụng làm dạ chịu

Ngoài Bụng làm dạ chịu, trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam còn rất nhiều câu nói có ý nghĩa về trách nhiệm, tự gánh lấy hậu quả như:

1. Ai ăn mặn, nấy khát nước

2. Ai làm người nấy chịu

3. Ác giả ác báo

4. Cây khô không lộc, người độc không con

5. Của thiên trả địa

6. Gậy ông đập lưng ông

7. Gieo gió gặt bão

8. Gieo nhân nào gặt quả nấy

bung-lam-da-chiu-voh-4
 

9. Làm việc phi pháp, sự ác đến ngay

10. Sinh sự, sự sinh

11. Có gan ăn cướp, có gan chịu đòn

12. Trăm tội đổ đầu nhà oản

Sống có trách nhiệm, chịu hậu quả của bản thân là điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống hiện nay. Từ thành ngữ Bụng làm dạ chịu cha ông ta mong muốn nhắc nhở thế hệ mai sau tự tìm câu trả lời, tự tìm hướng giải quyết và tự chịu trách nhiệm về cuộc đời chính mình. Có trách nhiệm với chính mình chính là có trách nhiệm với xã hội. 

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet