Lời nói là phương tiện gắn kết mọi người lại gần với nhau hơn, là thước đo quan trọng để đánh giá một mẫu người văn minh, lịch sự. Câu ‘Chim khôn kêu tiếng rảnh rang’ là bài học quý giá dạy con cháu đời sau cách ăn nói dịu dàng, thanh lịch. Vì lời nói ngọt ngào giúp chúng ta tạo ấn tượng tốt, mang đến niềm vui cho đối tượng đang giao tiếp.
Hãy cùng bài viết tìm hiểu câu ca dao ‘Chim khôn kêu tiếng rảnh rang” một cách trọn vẹn nhất nhé!
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang” là gì?
Câu ca dao này thể hiện rõ ràng và sâu sắc về mặt ngữ âm lẫn ngữ nghĩa. Với những chú chim thông minh và khôn ngoan, tiếng hót lúc nào cũng ríu rít, thanh thoát, rảnh rang. Cũng giống như người càng khéo ăn khéo nói luôn được lòng mọi người xung quanh, gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong công việc và cuộc sống.
Ông bà ta đã nói “Hoa từ miệng mà ra” nên cách ăn nói khéo léo, tinh tế cũng là một nghệ thuật. Và đó hành trang quý báu giúp chúng ta vững tin bước vào đời vì ai cũng thích nghe những lời nói dịu dàng, êm ái. Chẳng một ai chấp nhận được việc người đối diện cư xử lỗ mãng, lời nói thô tục, chói tai và khiếm nhã với mình. Điều đó khiến chúng ta bị đánh giá là người thiếu văn minh, lịch sự.
Nếu ai đó biết kiềm chế cảm xúc và lựa lời mà nói trong lúc nóng giận mới thật sự bản lĩnh. Khi kiểm soát được lời nói, chúng ta sẽ dễ dàng điều tiết cảm xúc của bản thân hơn. Ngược lại, “nói hươu nói vượn” và ăn nói lung tung, chúng ta sẽ mất điểm trong mắt đối phương. Vì qua từng câu chữ chúng ta thốt ra đã phần nào thể hiện con người thật của mình.
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang” xem trọng cách ứng xử khéo léo bằng lời nói giữa người với người. Câu ca dao này là điểm tựa chân lý, thước đo hoàn hảo để đánh giá một cá nhân như thế nào. Vì cách giao tiếp qua từng con chữ đã một phần nào thể hiện bản chất của chúng ta.
Ý nghĩa câu “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang”
Lật giở từng trang ca dao, cuộc sống của người xưa trong lớp sương mờ của quá khứ dần hiện lên. Đó không những là tiếng nói chứa đựng tâm tư, tình cảm mà còn là những kinh nghiệm sống quý báu của ông cha ta đi cùng năm tháng. Trong đó, người xưa luôn đề cao lời ăn tiếng nói của con người đối với việc giao tiếp, là chuẩn mực đúng đắn cần học hỏi và noi theo.
Trong cuộc sống hàng ngày, khi đi làm hay đi học, chúng ta sẽ có cơ hội được tiếp xúc nhiều người và mỗi người là một màu sắc khác nhau. Người khôn ngoan luôn biết cách dung hòa cuộc trò chuyện và thường lựa chọn lời nói dễ nghe, khiến cho người đối diện vui lòng. Dù họ có đang phản bác, chúng ta vẫn không thể giận họ. Sự khéo léo trong giao tiếp khiến bản thân luôn gặp được thuận lợi.
Ngược lại, ai ăn nói quá khoa trương, sáo rỗng, khen lấy khen để nhưng không thành tâm, kiểu người này mang đến cho người khác cảm giác giả tạo. Do đó, khi muốn nói gì cần phải suy nghĩ thấu đáo, cân nhắc kĩ lưỡng. Vì lời nói hay như “gói vàng”, còn nói chuyện xỏ xiên sẽ như liều thuốc độc, chuốc thêm thù oán.
Xem thêm:
40+ câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lời nói, lối ứng xử trong giao tiếp hằng ngày
Giải nghĩa những ca dao tục ngữ về lối ứng xử của các nàng Hậu trong hashtag ‘Ăn nói có duyên’
Giải thích ý nghĩa tục ngữ “Người khôn nói ít nghe nhiều” khuyên điều gì?
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang” – Câu nói dạy ta đi đến thành công
Giao tiếp chính là chìa khóa đưa chúng ta đến bến bờ thành công. Ai biết cách ứng xử khéo léo, ăn nói dễ nghe sẽ thu hút được mọi người xung quanh, tạo tiền đề thuận lợi cho bản thân bứt phá trong tương lai. Có cơ hội gặp gỡ nhiều người, học hỏi được những điều hay, kiến thức bổ ích. Vì sự hiểu biết của con người như hạt cát ngoài sa mạc nên chúng ta không ngừng cố gắng học hỏi mỗi ngày để hoàn thiện bản thân, để trở thành một “tôi” tốt nhất.
Tuy nhiên, ngày nay có rất nhiều bạn trẻ vô cùng huênh hoang, mở miệng ra xưng anh gọi chị, dùng lời nói thô tục khi trò chuyện, khiến người khác khó chịu. Ông bà ta đã dạy con cháu đời sau rằng: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Do đó, chúng ta cần học tập, rút ra bài học cho bản thân và tìm hiểu những giá trị của những lời hay ý đẹp.
Thế giới này sẽ trở nên tốt đẹp biết bao khi con người biết cư xử chan hòa với nhau hơn, ăn nói dịu dàng, dễ nghe hơn. Từ những đúc kết quý báu trong câu ca dao trên, thế hệ trẻ hôm nay cần học hỏi những lối sống đẹp của cha ông đã để lại. Hãy suy nghĩ thấu đáo, cẩn thận trước khi muốn nói ra điều gì. Vì lời nói là thước đo bản chất của con người một cách hoàn hảo nhất.
Trong quá trình trưởng thành, cái gì chúng ta cũng cần có thời gian học hỏi, tiếp thu. Có người tiếp thu nhanh, có người phải cố gắng và chăm chỉ hơn. Vì vậy, những người có lòng luôn nhận được hồi đáp xứng đáng. Nếu ai đó không giỏi ăn nói, không sao bạn chỉ cần học cách thể hiện suy nghĩ của bản thân thật chân thành thì người khác sẽ cảm nhận được bằng cách này hay cách khác.
Với guồng quay hối hả của cuộc sống, mỗi chúng ta dành một chút thời gian để chiêm nghiệm bản thân đã thật sự khéo léo, tinh tế trong cách nói chuyện như câu “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang” chưa. Cần tự vấn bản thân vì đó là tấm gương soi chân thật để giúp chúng ta trưởng thành hơn.
Cuộc sống mang đến những trải nghiệm thú vị, bài học đắt giá trên bước đường hoàn thiện chính mình. Chúng ta sẽ lớn lên từng ngày nhờ những câu ca dao hay và ý nghĩa trong kho tàng văn học Việt Nam. Mỗi cá nhân hãy là một chú “chim khôn” để được tự do bay lượn trên bầu trời thoáng đãng và “kêu tiếng rảnh rang”, thanh thoát, sống động và yêu đời.