Chờ...

Giải thích ý nghĩa câu ‘Chửi cha không bằng pha tiếng’ nói lên điều gì?

(VOH) – Câu nói ‘Chửi cha không bằng pha tiếng’ có thể ít gặp, nhưng chắc chắn bạn đã từng nghe chuyện lấy bố mẹ nhau ra để chửi. Vậy hãy tìm hiểu sự tương quan giữa hai chuyện này nhé.

Ắt hẳn mỗi chúng ta đều ý thức được tầm quan trọng của việc ăn nói, giao tiếp hàng ngày. Thế nhưng vẫn có nhiều người không kìm nổi nóng nảy mà ăn nói tục tĩu, hoặc làm ra những hành vi xấu như nhái giọng người khác. Những hành vi này đã được người xưa lên án qua câu nói ‘chửi cha không bằng pha tiếng’.

1. Chửi cha không bằng pha tiếng nghĩa là gì?

Để tìm hiểu về câu nói ‘Chửi cha không bằng pha tiếng’ này, trước hết hãy cùng phân tích ý nghĩa của hai vế câu trên. 

Từ chửi trong cụm từ “chửi cha” ở đây chính là chửi theo đúng nghĩa đen. Thói quen chửi thề, nói bậy là một vấn đề khá nhức nhối ở Việt Nam ta, đặc biệt nhiều người thay vì trực tiếp chửi mắng đối tượng làm mình bực tức thì lại lấy cha, mẹ của đối phương ra để mắng. 

chui-cha-khong-bang-pha-tieng-voh-1

Hành vi này thực sự rất thiếu văn hóa, thế nhưng lại vẫn đang diễn ra hàng ngày, ngay cả với thế hệ trẻ hay thậm chí là con nít. Vấn nạn ‘nói tục chửi bậy’ này thường gây khó chịu và bức xúc cho người đối diện, thậm chí là cả những người vô tình nghe phải.

Vế còn lại trong câu là ‘Pha tiếng’, từ này có thể hiểu là việc nhại, nhái giọng của người khác, có thể hiểu giọng vùng miền, hay giọng nói lắp, nói ngọng…. Thông thường, việc nhại lại lời ai đó đã đủ để khiến đối phương nổi giận, chứ đừng nói chi tới việc nhại giọng của người dân địa phương. Việc nhại giọng không chỉ gây khó chịu, mà còn khiến cho đối phương cảm thấy bị xúc phạm. 

Như vậy ta có thể hiểu rằng, câu nói ‘Chửi cha không bằng pha tiếng’ có ý nhấn mạnh sự tồi tệ của việc nhại giọng. Chửi nhau đã là chuyện không hay và thiếu đứng đắn, thế nhưng việc cố ý nhại lại giọng địa phương thì còn đáng lên án hơn.

Việc cố tình nhái giọng, giả giọng người dân là một sự xúc phạm và thiếu tôn trọng dành cho dân bản địa. Đây là một hành vi rất dễ gây tranh cãi, xung đột, thậm chí còn có thể dẫn đến xô xát.

Xem thêm: Lòng biết ơn có ích không? Con người sinh ra đã có lòng biết ơn hay cần phải rèn luyện?

2. “Chửi cha không bằng pha tiếng’ và thực trạng xã hội

Trong thực tế, hành vi chửi cha không bằng pha tiếng vẫn đang diễn ra hàng ngày và trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội.

Trong cuộc sống, không hề thiếu cảnh tranh cãi rồi bắt đầu lôi cha, mẹ của đối phương ra chửi. Ví dụ như mấy câu: ‘Cha mẹ không biết dạy con’, ‘lớn mà không có cha mẹ dạy’, hoặc thậm chí là những từ ngữ tục tĩu. Những lời nói này đều là sự xúc phạm to lớn, bởi lẽ bậc cha mẹ luôn là điều tôn kính nhất trong lòng mỗi chúng ta. 

chui-cha-khong-bang-pha-tieng-voh-2

Ấy vậy mà chuyện “chửi cha” vẫn không bằng “pha tiếng”, giống như tiến sĩ Nguyễn Đức Dương đã giải thích trong cuốn “Từ điển tục ngữ Việt (NXB Tổng hợp TP. HCM, 2010)” như sau: “Chửi cha (người ta) cũng chẳng làm họ khổ tâm bằng cố nhại giọng nói của họ. Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: “Nhại giọng người ta còn tệ hơn là chửi cha của chính họ”. (tr.225)

Đã có nhiều vụ tranh cãi và xô xát diễn ra vì vấn nạn nhại giọng. Ví dụ như tôi từng thấy một bạn nam cố ý nhại lại giọng của người dân miền Trung, hành vi này đã khiến đối phương vô cùng tức giận. Nhưng bạn nam này không dừng lại ở đó mà còn cố ý khiêu khích, dùng giọng điệu của đối phương để châm chọc người ta. Kết quả là đôi bên đã tranh cãi nảy lửa rồi đánh nhau.

chui-cha-khong-bang-pha-tieng-voh-3

Thậm chí nhiều người con xa xứ đi lập nghiệp, đã quyết định ‘luyện giọng’ để sao cho giống với người dân bản địa. Thế nhưng hành vi này không hề được ủng hộ, bởi chất giọng mỗi vùng mỗi khác. Dù bạn có tập thế nào thì vẫn sẽ có sự khác biệt, và sự khác biệt này sẽ khiến người dân bản địa không thoải mái.

Do đó, đừng cố gắng tạo sự hòa đồng thông qua việc nhái giọng, và cũng đừng cố ý nhái giọng để khiêu khích người khác kẻo rước họa vào thân. 

Xem thêm: Thành ngữ hài hước ‘Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò’ phản ánh tính chất nào của học đường

3. Tổng hợp câu nói hay mang ý chỉ trích những người có hành vi xấu xa

Không chỉ việc ‘chửi cha không bằng pha tiếng’ mới gây phản cảm, còn rất nhiều hành vi xấu gây khó chịu và xúc phạm tới người đối diện. Vì vậy mà đã có không ít những câu nói, tục ngữ mang ý chỉ trích, lên án những kẻ tiểu nhân có hành vi xấu xa.

Dưới đây là tổng hợp những câu nói hay về việc chỉ trích, chê bai những người xấu tính.

  1. Vô tiểu nhân bất thành quân tử. – Khuyết danh
  2. Nhác trông ngỡ tượng tô vàng,
    Nhìn lâu mới biết chẫu chàng ngày mưa. – Khuyết danh
  3. Quạ mà đã biết quạ đen,
    Có đâu quạ dám mon men với cò. – Khuyết danh
  4. Quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy. – Khuyết danh
  5. Tằm vương tơ, nhện cũng vương tơ,
    Mấy đời tơ nhện được như tơ tằm. – Khuyết danh
chui-cha-khong-bang-pha-tieng-voh-4
  1. Người quân tử lúc chưa được thì vui với ý muốn, lúc được rồi thì vui với kết quả, cho nên lúc nào cũng vui. Kẻ tiểu nhân lúc chưa được thì lo không được, lúc được rồi thì lại sợ mất nên lúc nào cũng lo sợ. – Khổng Tử
  2. Kẻ thất phu bị nhục đứng dậy rút gươm thẳng tay đánh liền: cái đó chưa đủ để coi làm dũng. – Tô Thức
  3. Đức hơn tài là quân tử, tài hơn đức là tiểu nhân. – Khuyết danh
  4. Tiểu nhân đắc chí. – Khuyết danh
  5. Quân tử ứ hự đã đau,
    Tiểu nhân dùi đục đập đầu như không. – Khuyết danh
  6. Một đêm quân tử nằm kề,
    Còn hơn thằng nhắng vỗ về quanh năm. – Khuyết danh
  7. Kẻ tiểu nhân cũng có chỗ tốt, không nên ghét bỏ nó mà bỏ điều tốt của nó. Người quân tử cũng có lúc lầm lỗi, không nên vì yêu người mà che đậy sự trái thì mới công bằng. – Khuyết danh
  8. Đêm hôm xin xỏ, sáng ngày khoe khoang. – Mạnh Tử
  9. Người quân tử cầu ở mình, kẻ tiểu nhân cầu ở người. – Khổng Tử
  10. Quân tử thời oán tam niên,
    ​​​​​​​Tiểu nhân thời oán nhãn tiền mà thôi. – Khuyết danh
  11. Chim anh vũ mặc dù biết nói, nhưng cũng là loài chim. – Khuyết danh
  12. Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa (người quân tử hòa mà không a dua, kẻ tiểu nhân a dua mà không hòa). – Khổng Tử
chui-cha-khong-bang-pha-tieng-voh-5
  1. Ếch ngồi đáy giếng xem trời bằng vung. – Khuyết danh
  2. Quân tử ngồi buồn rung chống gối,
    Tiểu nhân đắc ý gảy đàn môi. – Khuyết danh

Xem thêm: Thất tình lục dục bao gồm những tình cảm và ý nghĩa nào?

Với bài viết trên đây, hi vọng các bạn đã có được cái nhìn tổng quan và nắm được ý nghĩa của câu nói ‘Chửi cha không bằng pha tiếng’. Hãy lưu ý và đừng bao giờ làm ra những hành vi xấu xí và đáng chê trách này bạn nhé.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet