Chờ...

Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Giấy rách phải giữ lấy lề’ khuyên răn điều gì?

(VOH) – Những điều đẹp đẽ trong tâm hồn sẽ luôn được ngợi ca, trân trọng. Vì vậy, hãy gìn giữ cách sống ‘Giấy rách phải giữ lấy lề’ để phù hợp với bản chất lương thiện của con người.

Sự học của chúng ta bắt đầu mở rộng hơn từ khi ta có nhận thức về thế giới xung quanh. Nhưng việc học là cả đời người, đặc biệt là học cách trau dồi những phẩm chất đạo đức của mình. Hãy cùng tìm hiểu một lối sống đẹp thông qua câu thành ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề” bạn nhé!

1. “Giấy rách phải giữ lấy lề” nói về đức tính nào của con người?

Những câu thành ngữ, tục ngữ mà ông cha ta để lại thường sử dụng những hình ảnh rất đơn giản, gần gũi mà diễn đạt được biết bao bài học sâu sắc. Thông qua đó, ta được nhắc nhở thêm về việc trau dồi những đức tính tốt đẹp. Vậy thì câu thành ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề” nói về đức tính nào của con người?

giay-rach-phai-giu-lay-le-voh-0

Giấy là một vật dụng thường dùng để kết hợp với bút nhằm ghi chép nội dung, thông tin. Ở những cuốn tập học sinh thì trang giấy luôn có phần lề mà người ta tách riêng và không ghi vào đó. Không ai viết hoặc vẽ tràn sang bên lề, vì vậy phần lề này chỉ dùng khi giáo viên chấm bài hoặc sửa bài. Đối với sách vở, lề là gốc, là phần cần được giữ gìn. 

Trong câu thành ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề”, người xưa đã mượn hình ảnh lề giấy để nói đến sự trong sạch, thanh khiết của con người. Giấy cho dù có rách cũng cần phải giữ được phần lề, con người dù trong hoàn cảnh mất mát, khổ cực cũng cần giữ lấy nhân cách đạo đức của mình.

“Giấy rách phải giữ lấy lề” đang nhắc nhở chúng ta về đức tính liêm khiết của con người. Liêm khiết chính là một phẩm chất đạo đức được thể hiện qua lối sống trong sạch, không dám danh lợi, không bị cám dỗ, sa ngã bởi vật chất tầm thường. 

Con người trong mọi hoàn cảnh, cần phải giữ gìn bản chất tốt đẹp của mình. Lấy liêm khiết làm gốc để khi gặp nghịch cảnh không đổ lỗi cho số phận, không dùng mưu kế để lừa dối người khác. Chúng ta hãy nói không với những việc xuất phát từ ý đồ mất tính liêm chính. Và luôn tự nhắc nhở mình cũng như mọi người bằng câu thành ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề”.

Là con người, ta cần phải giữ cho tâm mình trong sạch để sống gần gũi, thân ái với mọi người trong cộng đồng. Đừng đầu hàng nghịch cảnh. Hãy lấy lương thiện, liêm chính làm gốc để đối diện với những sóng gió trong đời bạn nhé!

Xem thêm: Cùng giải nghĩa câu thành ngữ ‘Nói có sách mách có chứng’

2. “Giấy rách phải giữ lấy lề” nghĩa là gì đối với cuộc sống của chúng ta?

Mỗi khi thấy ai đó gặp tình cảnh không thuận lợi, mọi người hay nhắc nhở bằng câu thành ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Vậy thì “Giấy rách phải giữ lấy lề” mang ý nghĩa là gì đối với cuộc sống của chúng ta?

giay-rach-phai-giu-lay-le-voh-1

Hãy sống trong sạch, lương thiện như câu thành ngữ "Giấy rách phải giữ lấy lề" 

Cuộc sống càng nhiều thử thách thì con người càng trưởng thành hơn. Những bài học được đưa đến là để giúp chúng ta hoàn thiện bản thân mình. Vì vậy, cho dù có đứng giữa bão giông, con người vẫn phải tự mình vượt qua mà không đổ lỗi cho số phận hay cho ai khác. Và cần nhớ điều quan trọng nhất chính là giữ mình trong sạch, liêm khiết.

Người sống trong sạch là dù có khó khăn cũng không nảy sinh ý nghĩ trộm cắp. Bởi vì nếu ý nghĩ đã nảy sinh, chắc chắn một ngày nào đó sẽ dẫn đến hành động. Mỗi hành vi được lặp lại dần hình thành nên một thói quen xấu làm đánh mất đi sự lương thiện của con người.

Xã hội đã ngày một trở nên văn minh, tiến bộ, nhưng không đồng nghĩa với việc ai cũng luôn sống đẹp như câu thành ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Bản chất vốn có của người là lương thiện. Người ta chỉ xấu khi không biết giữ tâm trong sạch, khi gặp hoàn cảnh khó khăn lại thay đổi theo hướng tiêu cực. 

Đặc biệt, chúng ta luôn cần ghi nhớ lấy câu “Giấy rách phải giữ lấy lề” để khi “sa cơ lỡ vận” không bị hoàn cảnh làm cho tha hóa, biến chất. Điều làm nên giá trị của một con người luôn là phẩm chất đạo đức. Chính vì thế, trước mỗi hành động hãy nhớ suy nghĩ, đặc biệt là những về vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa người với người.

Xem thêm: Thấm nhuần lời dạy của ông cha qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về tính siêng năng, kiên trì

3. Một số câu ca dao, tục ngữ cùng thể hiện ý nghĩa “Giấy rách phải giữ lấy lề”

Phẩm chất đạo đức của con người rất quan trọng. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải giữ gìn phẩm quý giá như câu thành ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề” đã nhắc nhở. Và hãy cùng điểm qua một số câu ca dao, tục ngữ cùng thể hiện ý nghĩa “Giấy rách phải giữ lấy lề” ở dưới đây bạn nhé!

giay-rach-phai-giu-lay-le-voh-2

  1. Cây ngay bóng thẳng, cây cong bóng vẹo.
  2. Cây ngay không sợ chết đứng.
  3. Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.
  4. Áo rách cốt cách người thương.
  5. Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành.
  6. Ăn có mời; làm có khiến.
  7. Mất lòng trước, được lòng sau.
  8. Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng.
  9. Đói cho sạch, rách cho thơm
    Chớ có bờm xôm, để đời tiếng xấu.
  10. Khó mà biết lẽ biết lời
    Biết ăn biết ở như người giàu sang.
  11. Ban ngày quan lớn như thần
    Ban đêm quan lớn tần mần như ma.
  12. Của thấy không xin
    Của công giữ gìn
    Của rơi không nhặt.
  13. Tu thân rồi mới tề gia
    Lòng ngay nói thật gian tà mặc ai.
  14. Những người tính nết thật thà
    Đi đâu cũng được người ta tin dùng.
  15. Dù anh què quặc chân tay
    Anh làm chuyện phải em nài theo anh
    Dù anh sạp rượu nhà vàng
    Anh làm điều quấy giỏ vàng cũng chê
    Anh ơi sự thế não nề
    Khuyên anh cố giữ lối về quê hương.
  16. Làm người suy chín xét xa
    Cho từng gốc nhọc, cho ra vắn dài.
  17. Khôn ngoan ba chốn bốn bề
    Đừng cho ai lấn chớ bề lấn ai.
  18. Làm người phải đắn phải đo
    Phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu.
  19. Làm người mà chẳng biết suy
    Đến khi nghĩ lại còn gì là thân.
  20. Chịu oan mang tiếng bán vàm
    Bán vàm tôi bán điếm đàng tôi lo.

Con người có thể sống thiếu thốn về vật chất nhưng không thể để cho mình tự đánh mất đi sự liêm khiết, sự trong sạch. Và bài học đạo đức từ câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề” là dành cho tất cả mọi người để tự nhắc nhở bản thân cũng như cộng đồng. Vì vậy hãy chia sẻ và lan tỏa những hành động tích cực để mọi người xung quanh cùng hoàn thiện nét đẹp lương thiện vốn có trong tâm hồn mỗi người bạn nhé!

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet