Câu nói “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” không chỉ nói về quy luật biến chuyển của cuộc sống mà còn là bài học về ý chí phấn đấu, nỗ lực cố gắng trong cuộc sống. Vậy bạn đã hiểu rõ về câu tục ngữ này chưa?
1. “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” nghĩa là gì ?
Câu tục ngữ “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” như một quy luật sống khẳng định sự biến chuyển, thay đổi trong cuộc sống.
Trong câu trên, “ba họ” là chỉ họ bố, họ mẹ và họ vợ, “ba đời” là đời cha, đời con và đời cháu, ý cả câu muốn thể hiện rằng không ai giàu cả ba họ, cũng chẳng có ai nghèo khó luôn cả ba đời, sự giàu nghèo xảy ra không riêng gì ai, tất cả là do tính cách, ý chí, lối sống của con người quyết định rằng bản thân sẽ được sung túc, giàu sang hay nghèo đói, khốn khổ.
Nhiều người sinh ra đã được sống trong nhung lụa, bởi vậy họ thường không coi trọng tiền bạc, ăn chơi tiêu xài hoang phí. Cha mẹ giàu để lại của cải, tài sản cho con cái nhưng vì thói hưởng lạc mà gia sản sớm nhanh chóng tiêu tan, sự nghiệp cũng sớm mà lụi tàn. Vì vậy mới có câu nói “không ai giàu ba họ” .
Ai sống trên đời cũng mong muốn có một cuộc sống sung sướng, giàu sang. Nhiều người sinh ra trong hoàn cảnh nghèo đói, cơ cực nên họ biết quý trọng đồng tiền. Họ cần cù, chăm chỉ với mong ước đổi đời, để rồi chịu khó nhẫn nại làm nên “cơ đồ”, sự thành công cuối cùng sẽ mỉm cười với họ. Con người dù nghèo mấy cũng “không ai khó ba đời” nếu biết nỗ lực, phấn đấu.
Cuộc sống không ai có thể lường trước được điều gì, vận mệnh của đời người cũng không phải là bất biến. Câu tục ngữ “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” như muốn răn dạy chúng ta đừng vì hoàn cảnh nghèo khó mà chán nản, thất vọng, hãy có ý chí và kiên trì, nỗ lực để thay đổi cuộc sống. Những người giàu có cũng đừng chủ quan, sống buông thả, tiêu xài hoang phí, hãy biết quý trọng, trân trọng tài sản mà mình có được.
Xem thêm: Gia đình sẽ hạnh phúc hơn nếu bạn nắm vững đạo lý ‘Trẻ cậy cha, già cậy con’
2. Bài học cuộc sống qua thành ngữ “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”
Trong cuộc sống, những người có được sự giàu sang, phú quý đa phần là do cha mẹ, ông bà vất vả, chịu khó gây dựng được cơ ngơi vững chãi, với hy vọng con cháu đời sau không bị thiệt thòi. Thế nhưng cũng chính vì cuộc sống có điều kiện, người lớn chiều chuộng con cái quá mức nhưng lại không giáo dục chu toàn về đạo đức, hành vi nên thế hệ sau mới sinh thói ăn chơi, hưởng thụ, hoang phí của cải.
Người xưa có câu: “Nếu muốn gia tộc hưng thịnh thì cần giáo dục con cái thật nghiêm khắc”. Ấy vậy mà một bộ phận cha mẹ, ông bà ở thời hiện đại cứ nghĩ rằng cho con cháu tiền tiêu xài, mua những món đồ chúng thích là đang dành hết những điều tốt đẹp cho con, cho cháu. Chính vì những tư tưởng giáo dục sai lầm đó nên mới khiến cơ nghiệp xây dựng bao năm của đời trước đều tiêu tan, ngẫm lại càng đúng với câu “không ai giàu ba họ” mà cha ông cha từng nói.
Cha mẹ, ông bà cần phải hiểu rằng tiền bạc, vật chất không phải là điều tốt nhất dành cho con trẻ mà giáo dục, dạy dỗ để con cháu trưởng thành, biết gánh vác, gìn giữ cơ nghiệp của tổ tiên mới là điều nên làm nhất. Quan trọng hơn là hun đúc thế hệ sau mang tấm lòng thiện lương, tu thân, tích đức, hành thiện, từ đó cuộc sống không chỉ sung túc, giàu sang mà còn tràn ngập hạnh phúc, bình yên.
Cũng mang ý nghĩa như “không ai giàu ba họ”, cụm từ “không ai khó ba đời” như một lời động viên dành cho những người kém may mắn sinh ra tại gia đình cơ cực, nghèo khó và thiếu thốn nhưng biết phấn đấu vì cuộc sống mới tốt hơn. Đời ông, đời cha mẹ ta đã nghèo khổ thì đến đời chúng ta phải biết cố gắng vượt qua khó khăn. Không ai có thể thay đổi cuộc đời mình ngoài chính bản thân mình.
Xem thêm: 38 status cố gắng vì tương lai giàu động lực và năng lượng
Không nên vì bản thân sinh ra trong nghèo khó mà có cảm giác thất vọng, tự ti hay đổ lỗi do hoàn cảnh, số phận, cho rằng cuộc sống bất công. Việc ca thán cuộc đời chỉ khiến chúng ta càng thu mình lại, cuộc sống cũng không thay đổi, thậm chí con cháu sau này cũng vì thế khổ sở theo.
Nên nhớ, cuộc sống lúc nào cũng đầy ắp những khó khăn. Sự nghèo khó, cơ cực chỉ là thử thách để chúng ta nhận ra rằng bản thân phải biết chăm chỉ, nỗ lực và có ý chí phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Xem thêm: 55 câu ca dao tục ngữ về lòng biết ơn - lời dạy trân quý nghĩa tình cuộc đời
3. Các câu ca dao, tục ngữ đồng nghĩa với “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam, ngoài câu “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” còn có vô vàn câu nói hay về sự giàu nghèo, thể hiện ý chí vươn lên trong hoàn cảnh nghèo khó của con người như:
- No ăn dẫm chuồng
- Sướng quá hóa cuồng
- Giàu chiều hôm, khó sớm mai
- Đói trẻ chớ vội lo, giàu trẻ chớ vội mừng
- Ở hiền gặp lành
- Đức cao vọng trọng
- Người có chí thì nên, nhà có nền thì vững
- Kiến tha lâu cũng đầy tổ
- Tích tiểu thành đại
- Có chí làm quan, có gan làm giàu
- Mưu cao chẳng bằng chí dày
- Có công mài sắt có ngày nên kim
- Mười quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng
- Hữu chí cánh thành
Xem thêm: Tổng hợp 58 ca dao tục ngữ về giáo dục, đề cao sứ mệnh của việc học tập
- Dẫu rằng chí thiển tài hèn
Chịu khó nhẫn nại làm ra cơ đồ - Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa
Sang đâu những kẻ say sưa tối ngày - Tiền tài nay đổi mai dời
Nghĩa nhân gìn giữ trọn đời với nhau - Muốn no thì phải chăm làm
Một hột thóc vàng, chín hột mồ hôi - Nước lã mà vã nên hồ
Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan - Ngọc kia chuốt mãi cũng tròn
Sắt kia mài mãi cũng còn nên kim
Cuộc sống của ta giàu hay nghèo, sang hay hèn đều do hành vi, đạo đức, thái độ sống của chúng ta. Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Gia đình giàu có chưa chắc sau này con cái họ cũng sẽ như thế, người nghèo khổ chưa chắc họ sẽ mãi nghèo khổ. Tất cả là do con người biết nỗ lực, phấn đấu, biết tu thân, hành thiện để nhận lại một cuộc sống bình yên, đủ đầy.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet