Là một ‘mọt phim’ Hàn hoặc Nhật, chắc hẳn các bạn đã từng xem được những tình huống như một người không dùng kính ngữ bị người khác nhắc nhở ngay lập tức. Vậy kính ngữ là gì và kính ngữ trong các nền văn hóa có gì thú vị, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Kính ngữ là gì?
Kính ngữ hiểu theo nghĩa Hán Việt là những từ ngữ, câu nói, cách xưng hô trong giao tiếp nhằm thể hiện sự kính trọng, tôn kính đối với người khác.
Ở những nền văn hóa khác nhau, định nghĩa về kính ngữ có thể khác nhau một chút, nhưng nhìn chung có thể coi đó là phương thức thể hiện sự tôn trọng, tôn kính đối phương trong quá trình giao tiếp.
Kính ngữ thường được sử dụng trong quá trình giao tiếp với người lớn tuổi hơn, cấp trên, đối tác, khách hàng, đồng nghiệp, người lạ... và thậm chí là cả với bạn bè trong một số nền văn hóa.
Ngoài việc thể hiện sự tôn trọng đối với người đối diện trong giao tiếp, sử dụng kính ngữ còn được coi là một biểu hiện của người có văn hóa, lịch sự, khiêm tốn, và biết trân trọng tất cả mọi người.
Ở mỗi nước, kính ngữ có thể chia thành nhiều loại, nhiều cấu trúc nhỏ hơn nữa để sử dụng trong từng trường hợp giao tiếp cụ thể.
Kính ngữ tiếng Nhật
Kính ngữ tiếng Nhật luôn được người dân nơi đây chú trọng và sử dụng thường xuyên trong tất cả các cuộc hội thoại bình dị hàng ngày bởi điều này liên quan đến văn hoá của người Nhật. Đối với người Nhật, nét truyền thống được thể hiện rõ nét thông qua tất cả các khía cạnh như kiến trúc, ẩm thực, trang phục… và tất nhiên, văn hoá giao tiếp cũng không phải là ngoại lệ.
Cụ thể, trong văn hóa giao tiếp truyền thống của người Nhật, có những quy tắc, lễ nghi nghiêm ngặt mà bắt buộc tất cả mọi người phải tuân theo tùy thuộc vào địa vị và mức độ cụ thể của mối quan hệ xã hội trong giao tiếp của đối tượng đó. Ví dụ như văn hóa cúi chào trong giao tiếp cũng là một trong những quy tắc nghiêm ngặt đó.
Trong văn hóa Nhật Bản, kính ngữ được chia làm ba loại: khiêm nhường ngữ, tôn kính ngữ và cách nói lịch sự. Tùy vào từng tình huống, ngữ cảnh, đối tượng giao tiếp và mục đích giao tiếp cụ thể, người dùng sẽ sử dụng kính ngữ một cách phù hợp.
Cụ thể, mỗi loại kính ngữ có ba cấp độ sử dụng kính ngữ:
- Cấp độ 1 là người thân quen, hoặc người lớn hơn nói với người nhỏ hơn, như các thành viên trong gia đình, bạn bè đồng nghiệp hoặc giám đốc với nhân viên, thầy cô nói với học sinh...
- Cấp độ 2 là mức độ vừa phải cho những người đã quen biết, tuy nhiên quan hệ bình thường, có địa vị ngang bằng như nhân viên quán ăn, thu ngân, người giao thư, lái xe...
- Cấp độ 3 là dạng trang trọng tôn kính nhất sẽ sử dụng cho những người như người tuyển dụng khi bạn xin việc, học sinh dùng với giáo viên, hiệu trưởng, những người ta muốn thể hiện thái độ tôn kính như người già, người lớn tuổi hơn, nhân viên với khách hàng, sếp và các đối tác kinh doanh khác.
Xem thêm:
8 cách cải thiện kỹ năng giao tiếp hiệu quả
40+ Câu thành ngữ tiếng Nhật thông dụng nhất mà bạn nên biết
Tôn trọng lẽ phải là gì và có biểu hiện ra sao?
Kính ngữ tiếng Hàn
Kính ngữ tiếng Hàn có lẽ được nhiều người Việt Nam biết tới hơn thông qua việc xem những chương trình truyền hình hay phim ảnh của Hàn. Người Hàn rất hay nhắc tới vấn đề này trong đời sống hàng ngày, bởi đây cũng được coi là một nguyên tắc bắt buộc trong giao tiếp.
Đối với tiếng Hàn, kính ngữ có biểu hiện khá phức tạp. Cụ thể, kính ngữ trong tiếng Hàn không chỉ biến đổi các từ ở cuối câu mà còn thay đổi cả từ loại, ví dụ như các danh từ hoặc động từ ở trước nữa. Hơn thế, kính ngữ tiếng Hàn còn được thể hiện ở một số tiểu từ trong câu như tiểu từ chủ ngữ hoặc tiểu từ nói chung.
Còn nếu phân loại theo mục đích sử dụng, kính ngữ tiếng Hàn bao gồm kính ngữ sử dụng với người nghe, kính ngữ dùng với chủ thể và kính ngữ trong từ loại.
Cũng giống như văn hóa Nhật Bản, kính ngữ tiếng Hàn được sử dụng linh hoạt phụ thuộc vào từng trường hợp, ngữ cảnh, đối phương cũng như mục đích giao tiếp.
Trong giao tiếp bằng tiếng Hàn, nếu một người nào đó vi phạm nguyên tắc về kính ngữ có thể coi là đã phạm một lỗi khá cơ bản và bị coi là người thô lỗ, thiếu tôn trọng người khác.
Ví dụ như trong văn hóa thần tượng, những idol hoạt động trong thị trường Hàn cần phải cực kỳ chú ý về việc sử dụng kính ngữ và có thái độ kính trọng với người lớn hơn hoặc những người vào nghề lâu hơn. Rất nhiều nhóm nhạc đã bị "nhắc nhở" vì không dùng kính ngữ hoặc vô lễ với tiền bối trong các chương trình.
Kính ngữ trong tiếng Việt
Giống như các quốc gia phương Đông khác, Việt Nam cũng có kính ngữ do chịu sự ảnh hưởng từ Nho giáo. Một trong những điểm nổi bật của Nho giáo chính là đề cao sự tôn trọng lễ nghĩa, tôn ti trật tự một cách nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay đã cởi mở và hiện đại hơn, sự kính trọng trong giao tiếp vẫn được coi trọng nhưng không sở hữu nhiều quy định phức tạp và bắt buộc nữa.
Vậy nên đối với tiếng Việt, kính ngữ sẽ được coi là hình thức của câu trong giao tiếp và có một số nguyên tắc đơn giản như sau: sử dụng một số kính ngữ đại từ nhân xưng đối với người lớn tuổi tùy theo giới tính, độ tuổi và địa vị xã hội như cô, chú, bác, bác sĩ; có kính ngữ đầu câu như thưa, gửi, dạ,..; đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ trong câu và trợ từ cuối câu ví dụ như chữ “ạ”.
Ngoài ra, trong giao tiếp, kính ngữ còn được thể hiện trong cách tự xưng như cháu, em, con… Đây là kính ngữ thể hiện sự khiêm nhường bản thân và tôn kính đối với người đối diện.
Ví dụ như khi các em học sinh muốn đi ra ngoài trong giờ học cần phải nói với giáo viên rằng: “Dạ em thưa cô, em xin phép cô cho em được đi ra ngoài ạ.” Tương tự, chúng ta cũng sử dụng cách giao tiếp như vậy cho những trường hợp nói chuyện với người lớn tuổi hơn hoặc có vị trí xã hội cao hơn.
Có thể thấy rằng, kính ngữ là một trong những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của các nước phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Thông qua bài viết này, hy vọng các bạn đã có cái nhìn rõ ràng hơn về khái niệm kính ngữ là gì. Hãy tiếp tục theo dõi các bài viết tiếp theo để cập nhật thêm những khái niệm thú vị hơn nữa nhé.