Tiêu điểm: Nhân Humanity

Quan niệm ‘Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy’ có ý nghĩa gì?

(VOH) – Từ xưa đến nay, vào mỗi dịp Tết người Việt Nam vẫn thường nhắc tới câu nói 'Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy’. Vậy quan niệm này có nghĩa là gì?

Tết chính là thời điểm mà mọi người đều dừng tay và nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả, là quãng thời gian đoàn tụ để hỏi thăm, lắng nghe những câu chuyện. Với người Việt Nam - một quốc gia trọng văn hóa thì Tết hay các dịp lễ thường đi kèm với rất nhiều phong tục đặc biệt. Để nhắc nhở con cháu về một trong những phong tục quan trọng ngày Tết, cha ông ta có câu nói "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy".

1. "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy" là gì?

Quan niệm "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy" đã tồn tại lâu đời trong văn hóa truyền thống của người Việt. Không rõ câu nói này xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng thành ngữ "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy" được xếp vào nét văn hóa dân gian đặc sắc của dân tộc ta.

1.1 Mùng 1 Tết cha là gì?

Tết của người Việt Nam được tính theo lịch âm và thời khắc khởi đầu năm mới là ngày mùng 1. Trước ngày này, các gia đình sẽ tổ chức cúng Giao thừa. Đây là phong tục tập quán thể hiện văn hóa "uống nước nhớ nguồn", biết ơn ông bà tổ tiên và để khởi đầu cho ngày Mùng 1.

Người Việt nói rằng “Mùng 1 Tết cha” bởi trong quan niệm truyền thống dân gian, người cha luôn giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Hoặc hiểu theo quan niệm của người Việt thì “cha” còn là từ được chỉ cho phía bên nhà nội. Do đó, ngày mùng 1 sẽ được coi là ngày để thực hiện các lễ nghi quan trọng như chúc tụng, cúng bái tổ tiên, mừng tuổi.

mung-1-tet-cha-mung-2-tet-me-mung-3-tet-thay-voh-1
Mùng 1 sẽ được coi là ngày để thực hiện các lễ nghi quan trọng

1.2 Mùng 2 Tết mẹ là gì?

Bắt đầu mùng 2, cả gia đình sẽ “xuất hành” đến nhà ngoại. Theo dân gian thì “mẹ” chính là đại diện cho phía bên ngoại. Bên nhà ngoại cũng có những nghi thức tương tự như ở nhà nội, các thành viên sẽ chúc Tết, dành cho nhau những lời hỏi thăm và tận hưởng bầu không khí tươi mới của mùa xuân.

Với những người con lấy chồng xa quê thì “Mùng 2 Tết mẹ” có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi đây là thời điểm lý tưởng để dâu rể và con cháu có cơ hội quây quần cùng ông bà ngoại.

1.3 Mùng 3 Tết thầy là gì?

Người Việt rất coi trọng văn hóa “tôn sư học đạo”. Do đó, ngoài cha mẹ thì thầy cô cũng là người đóng góp rất lớn vào công dưỡng dục. Trong dịp Tết, sau khi đã dành lời chúc cho bố mẹ, một công dân Việt sẽ có “Mùng 3 Tết thầy”.

Đây là thời điểm để mọi người đến và chúc Tết thầy cô, bày tỏ lòng biết ơn đối với "những người lái đò thầm lặng". "Mùng 3 Tết thầy" ý nói về "công cha nghĩa mẹ ơn thầy", nhớ ơn cha mẹ thì không thể bỏ qua công dạy dỗ của thầy cô.

mung-1-tet-cha-mung-2-tet-me-mung-3-tet-thay-voh-2
Mùng 3 Tết thầy để nói về công cha nghĩa mẹ ơn thầy

Xem thêm: Bổi hổi bồi hồi trước 20+ status Tết đa sắc màu, dạt dào xúc cảm

2. Ý nghĩa câu nói "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy"

Người Việt Nam đã tạo nên được rất nhiều phong tục lễ Tết mang ý nghĩa giáo dục và nhân văn sâu sắc, đặc biệt có giá trị trong việc dạy dỗ thế hệ mai sau. Câu nói "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy" là một trong những văn hóa điển hình mỗi dịp Tết đến xuân về.

Tết là dịp để mọi người sum họp và tiến hành nghi lễ tôn kính cho những người quan trọng. Ý nghĩa của ngày Tết đã được ông cha ta khéo léo sắp xếp trong câu nói "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy".

mung-1-tet-cha-mung-2-tet-me-mung-3-tet-thay-voh-3
Tết là dịp để mọi người sum họp và tiến hành nghi lễ tôn kính cho những người quan trọng

Theo nhiều chuyên gia, câu nói này cũng gắn liền với tư tưởng Nho giáo về 3 tư tưởng có triết lý nhân sinh quan trọng nhất đối với mỗi người, đó là tam cương (quân – sư – phụ). Quân là vua, sư là thầy, phụ là cha mẹ. Đối với vua phải trung thành, đối với thầy phải kính trọng, đối với cha mẹ là hiếu thảo. Những phẩm hạnh ấy quy định phẩm chất của con người tử tế, đứng đắn trong xã hội.

Câu nói "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy" có ý nghĩa nhắc nhở mỗi người Việt Nam về văn hóa truyền thống, rằng phải biết đến công ơn sinh thành của cha mẹ, công giáo dục của thầy cô. Vào những ngày đầu năm mới, còn gì vui hơn khi mọi người đều nhận được lời chúc Tết từ con cháu, từ những người học trò xưa.

Cho đến nay, câu nói "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy" vẫn được người Việt Nam lưu truyền mỗi dịp xuân về. Tuy nhiên do sự phát triển về kinh tế, xã hội, các mối quan hệ... nên hình thức thể hiện có sự linh hoạt, điều chỉnh theo từng gia đình.

3. Những câu ca dao, tục ngữ về phong tục ngày Tết

Ngoài câu nói "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy" thì trong kho tàng dân gian Việt Nam còn có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ nói về phong tục truyền thống ngày Tết. Những câu ca dao, tục ngữ này không chỉ răn dạy các thế hệ mai sau nhiều bài học ý nghĩa mà còn ẩn chứa nét đẹp văn hóa của người Việt.

  1. Dửng dưng như bánh chưng ngày Tết.
  2. Đói muốn chết ba ngày Tết cũng no.
  3. Giận gần chết ngày Tết cũng thôi.
  4. Ba ngày Tết, bảy ngày xuân.
  5. Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi.
  6. Mồng chín vía Trời
    Mồng mười vía Đất.
  7. Cu kêu ba tiếng ku kêu,
    Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè.
mung-1-tet-cha-mung-2-tet-me-mung-3-tet-thay-voh-4
  1. Khôn ngoan đến cửa quan mới biết,
    Giàu có ba mươi Tết mới hay.
  2. Mồng một chơi cửa, chơi nhà
    Mồng hai chơi xóm, mồng ba chơi đình.
    Hễ ai mà nói dối ai
    Thì mồng một Tết Ba Giai đến nhà.
  3. Đi đâu mặc kệ đi đâu
    Đến ngày giỗ Tết phải mau về nhà.
  4. Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ,
    Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.​
  5. Một năm là mấy tháng xuân
    Ăn chơi cho thỏa phong trần ai ơi!

Xem thêm: 775 câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam quý giá dạy bạn điều hay, lẽ phải trong cuộc sống

Người Việt Nam có rất nhiều nghi lễ và phong tục tập quán đặc sắc vào ngày Tết. Nhờ có ca dao, tục ngữ hay những câu nói dân gian như "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy" mà những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc này mới được lưu truyền mãi về sau.

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận