Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích ý nghĩa câu nói “Quân tử phòng thân tiểu nhân phòng bị gậy”

(VOH) Người xưa có câu ‘Quân tử phòng thân tiểu nhân phòng bị gậy’ ý nhắc đến việc những người khôn ngoan sẽ biết cách nhìn xa trông rộng, còn kẻ dại dột thì chỉ biết đến chuyện trước mắt.

Quân tử phòng thân tiểu nhân phòng bị gậy là câu nói mang hàm ý khen chê, tức là vừa khen tặng những người khôn ngoan, nhưng đồng thời cũng chê bai những kẻ không biết tự lo cho chính mình.  

1. Quân tử phòng thân tiểu nhân phòng bị gậy nghĩa là gì?

Trong câu ‘Quân tử phòng thân tiểu nhân phòng bị gậy’ có sử dụng hai từ ngữ mang yếu tố Hán Việt, đó là quân tử và tiểu nhân.

Quân tử có thể được hiểu là hình mẫu con người lý tưởng, thể theo nhân sinh quan của Nho giáo, là cách nói phù hợp với phương thức cai trị xã hội và đức trị của học thuyết này. Theo quan niệm xưa người quân tử là người có đầy đủ năm đức tính, được gọi là ngũ thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, trong đó Nhân là quan trọng nhất.

quan-tu-phong-than-tieu-nhan-phong-bi-gay-voh-1

Còn tiểu nhân được dùng để chỉ những người không tuân theo đạo đức và quy tắc chung của xã hội, là kiểu người không mang lý tưởng lớn, không quan tâm tới lợi ích chung.

Như vậy có thể hiểu rằng, hai yếu tố này chính là cách để miêu tả rõ rệt ý nghĩa trái chiều của hai vế câu trên. “Quân tử phòng thân” có nghĩa là người quân tử, người giỏi thì biết lo xa, biết suy nghĩ cho tương lai và sẵn sàng đối mặt với mọi vấn đề sắp xảy ra. Còn “tiểu nhân phòng bị gậy” ám chỉ những người chỉ biết lo lấy điều trước mắt, lo được chuyện hôm nay còn ngày mai thì để mai tính, hoàn toàn không biết cách suy nghĩ sâu xa cho mai sau.

Người biết phòng thân, biết nghĩ cho việc tương lai ắt sẽ gặt hái được thành công, bởi lẽ họ luôn có sự chuẩn bị và tâm lý sẵn sàng để đối mặt với mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Khi mọi việc đều được sắp xếp, chuẩn bị ổn thỏa sẽ giúp họ có thời gian và cả năng lực để xử lý rắc rối hoặc sự cố xảy ra trong cuộc sống. Từ đó có thể tháo gỡ khó khăn và lấy lại sự cân bằng một cách nhanh chóng. 

Ngược lại, với những người chỉ biết để ý tới cái lợi trước mắt, hoàn toàn không lo nghĩ cho chuyện mai, khi có sự cố hoặc vấn đề bất ngờ sẽ ra sẽ không thể giải quyết hoặc ứng biến phù hợp. Kiểu người này cũng rất dễ bị người khác lợi dụng. 

Xem thêm: Giải thích câu tục ngữ ‘Lời chào cao hơn mâm cỗ’ và tổng hợp những bài học về lời ăn, tiếng nói

2. Ý nghĩa câu nói ‘Quân tử phòng thân tiểu nhân phòng bị gậy’ trong cuộc sống

Trong cuộc sống ta có thể dễ dàng nhận thấy, những người thành công hoặc những nhân vật có tầm ảnh hưởng đều là những người biết nhìn xa trông rộng, họ luôn có suy nghĩ tích cực và sẵn sàng đối diện với cuộc sống. 

Còn những người thất bại hầu hết đều là những người có tầm nhìn hạn hẹp, chỉ lo được những chuyện gần ngay trước mắt chứ không biết cách ứng biến trước tai ương. Đây chính là minh chứng cho câu ‘Quân tử phòng thân tiểu nhân phòng bị gậy’. 

Các doanh nhân lớn thường sẽ liệu trước sự hình thành và phát triển của công ty trong thời gian dài, yêu cầu chuẩn bị của họ không chỉ ngắn gọn trong vài tháng hay một năm, mà thường sẽ là những dự án kéo dài trong ít nhất vài năm hoặc thậm chí là mười, hai mươi năm. 

quan-tu-phong-than-tieu-nhan-phong-bi-gay-voh-2
Thành công luôn là đích đến mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều muốn đạt được

Thành công luôn là đích đến mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều muốn đạt được. Và muốn thành công bạn phải có những sự chuẩn bị kỹ càng về nhiều khía cạnh như tri thức, kiến thức, tài chính, tâm lý, ý chí, quyết tâm…. để có thể đối mặt và giải quyết tất cả mọi vấn đề một cách tốt nhất có thể.

Không chỉ đối với việc kinh doanh, mà ngay cả trong cuộc sống đời thường ví dụ như chuyện học hành. Nếu như không chịu khó học hành ngay từ ban đầu, đợi nước đến chân mới nhảy bạn sẽ rất dễ mất gốc và cảm thấy chán nản, từ đó không còn hứng thú với học tập và dần dần sa sút. 

Đối với việc đi làm và xã giao cũng cho ta thấy ý nghĩa câu nói “quân tử phòng thân tiểu nhân phòng bị gây” là không sai. Một người nếu luôn có sự chuẩn bị tốt, hoàn thành công việc đúng thời hạn sẽ được đánh giá cao hơn những người luôn ỷ lại, đợi đến sát giờ mới làm việc, từ đó khiến thành quả công việc bị ảnh hưởng. 

Bởi vậy, câu nói ‘Quân tử phòng thân tiểu nhân phòng bị gậy’ với hàm ý sâu sắc về cuộc sống chính là điều bạn nên học hỏi. Người khôn ngoan thường sẽ chủ động phòng xa, để bản thân không rơi phải tình huống bị động hay bất ngờ. Kẻ dại dột thì được tới đâu hay tới đó, đến khi thực sự xảy ra chuyện thì có hối tiếc hay ân hận thì cũng đã muộn.

Bên cạnh đó, câu nói ‘Quân tử phòng thân tiểu nhân phòng bị gậy’ còn được dịch sang tiếng Anh với hàm nghĩa tương tự: The gentleman defends himself, the petty protects himself from being hit by a stick.

Xem thêm: ‘Một câu nhịn chín câu lành’ - Câu tục ngữ khuyên con người nên học cách nhường nhịn để đạt được thành công

3. Những câu danh ngôn về sự cẩn thận, biết lo nghĩ sâu xa

Câu nói ‘Quân tử phòng thân tiểu nhân phòng bị gậy’ mang hàm ý khen ngợi những người biết thể hiện cái tốt, biết lo nghĩ cho mai sau. Dưới đây là tổng hợp những câu danh ngôn của các bậc hiền triết về sự cẩn thận và biết lo nghĩ sâu xa.

  1. Lúc có tiền nên nghĩ đến ngày không có tiền; chớ để đến ngày không có tiền, mới nhớ lại đến lúc có tiền. 
    (Cổ Ngữ)
  2. Người không lo xa tất có nỗi ưu phiền gần.
    人无远虑,必有近忧。
    Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu.
    (Khổng Tử)
  3. Tu thân bớt dục mọi bề
    Siêng năng cần kiệm gia tề đến nơi
    Đừng xa hoa, cấm ăn chơi
    Để dành để dụm để ngơi lúc cần
    Hiển vinh với nhục cũng gần
    Yên vui phải nhớ những lần nguy nan
    Đạo cao đức trọng mới sang
    Áo rách mà sạch hơn vàng tanh hôi
    修身寡欲,勤儉齊家
    禁止奢華,須防後用
    得榮思辱,居安思危
    道高徳重,不恥劑衣
    Tu thân quả dục, cần kiệm tề gia
    Cấm chỉ xa hoa, tu phòng hậu dụng
    Đắc vinh tư nhục, cư an tư nguy
    Đạo cao đức trọng, bất sỉ tề y
    (Minh Đạo Gia Huấn)
  4. Cái tường thấp hay mời kẻ trộm đến.
    (Thi Tử)
quan-tu-phong-than-tieu-nhan-phong-bi-gay-voh-3
  1. Nghĩ sâu, tính xa, thì không cùng khốn.
    (Tố Thư)
  2. Người khôn lo việc: không lo việc một ngày, thường lo việc trăm năm.
    (Tạ Kim)
  3. Phàm việc để tâm lo sợ thì hay nên, khinh thường thì hay hỏng. 
    (Lã Tổ Khiêm)
  4. Nếu không phải là bậc thánh, yên ổn bên ngoài ắt có mối lo bên trong.
    自非聖人, 外寧必有內憂。
    Tự phi thánh nhân, ngoại ninh tất hữu nội ưu.
    (Tả truyện)
  5. Biết phòng xa thì cai quản người, không biết phòng xa thì người cai quản.
    (Diêm Thiết Luận)
  6. Gia đình chứa trữ điều tốt lành, ắt có thừa phúc lành; gia đình chứa trữ điều chẳng tốt lành, ắt có thừa tai vạ. Bầy tôi giết vua, con giết cha, không phải là nguyên cớ một sớm một chiều, nguyên do dần dần đã lâu mà thành ra vậy, vì người lo liệu phòng bị những việc ấy không biết lo liệu phòng bị sớm.
    積善之家,必有餘慶,積不善之家,必有餘殃。臣弑其君,子弑其父,非一朝一夕之故,其所由来者渐矣,由辨之不早辨也。
    Tích thiện chi gia, tất hữu dư khương; tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương. Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai giả tiệm hỹ, do biện chi bất tảo biện dã.
    (Khổng Tử)
  7. Làm người chẳng biết lo xa, hẳn là sầu muộn xảy ra cũng gần.
    人無遠慮,必有近憂。
    Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu.
    (Tăng Quảng Hiền Văn)
  8. Tích thóc gạo phòng thất thời
    Tích quần tích áo phòng trời chuyển cơn
    Người tiết kiệm thì đủ hơn
    Điềm tĩnh trọn đạo thì an mọi bề
    Biết dự bị phòng gian phi
    Nuôi con dạy dỗ phòng khi về già
    Hiếu với mẹ thảo với cha
    Thì con hiếu lại với ta khác gì
    積榖防饑,積衣防寒
    儉則常足,靜則常安
    謹備防奸,養子防老
    事親既孝,子亦孝之
    Tích cốc phòng cơ, Tích y phòng hàn
    Kiệm tắc thường túc, Tĩnh tắc thường an
    Cẩn bị phòng gian, Dưỡng tử phòng lão
    Sự thân kí hiếu, Tử diệc hiếu chi
    (Minh Đạo Gia Huấn)
  9. Dưới con mồi thơm, tất có con cá chết.
    (Tam Lược)
quan-tu-phong-than-tieu-nhan-phong-bi-gay-voh-4
  1. Trù bị lúc còn chưa mưa, chớ đợi khát mới đào giếng.
    Tự dâng biếu phải kiệm ước, thết đãi khách chớ liên miên.
    宜未雨而綢繆,毋臨渴而掘井。
    自奉必須儉約,宴客切勿留連。
    Nghi vị vũ nhi trù mậu, vô lâm khát nhi quật tỉnh.
    Tự phụng tất tu kiệm ước, yến khách thiết vật lưu liên.
    (Chu Tử Gia Huấn)

Xem thêm: Cái răng cái tóc là gốc con người, câu tục ngữ đề cao tầm quan trọng của vẻ đẹp ngoại hình

Để trở thành một người biết nhìn xa trông rộng, ta cần học hỏi từ những người tài giỏi hơn mình. Đừng tự ti vì bản thân yếu kém mà giấu dốt, có cởi mở để học hỏi thì mới có thể ngày càng phát triển. Hãy luôn ghi nhớ câu nói ‘Quân tử phòng thân tiểu nhân phòng bị gậy’ bạn nhé, có sự học hỏi và chuẩn bị kỹ càng thì mới có thể nhanh chóng đạt được thành công!

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet

Bình luận