Hiện tượng sống ảo hiện nay vô cùng phổ biến, không chỉ ảnh hưởng tới giới trẻ mà cả thế hệ trung niên cũng đắm chìm trong đó. Thế nhưng không phải ai cũng biết sống ảo là gì và những hệ lụy, tác hại đằng sau hai từ ‘sống ảo’.
1. Sống ảo là gì
Sống ảo là từ ngữ chỉ trào lưu ‘sống’ trên các trang mạng xã hội, trào lưu này bắt đầu phổ biến từ mạng xã hội Facebook, sau đó dần dần lan sang các trang mạng xã hội nổi tiếng khác tại Việt Nam như Instagram, Tiktok…
Vậy sống ảo là gì?
Ta có thể hiểu rằng sống ảo là việc thể hiện hành động, việc làm và cách nghĩ xa vời với thực tế. Việc sống ảo có nghĩa là tự tạo ra cho riêng mình một không gian sống trên mạng, tạo ra niềm vui cho bản thân từ những tương tác ảo như like, thả tim hay lượt theo dõi…
Thay vì trò chuyện, tương tác với bạn bè, những người đắm chìm trong việc sống ảo thường thích những lượt like, thả tim cho ảnh hoặc những dòng trạng thái đầy tâm trạng của mình hơn.
Trong thời buổi hiện nay, dù đi bất cứ đâu ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy rất nhiều bạn trẻ luôn thích chú tâm vào màn hình điện thoại, thậm chí có thể dành nhiều giờ chỉ để lướt mạng xã hội. Báo giấy, sách truyện hay những trò chơi truyền thống đang dần bị mai một, bây giờ bạn chỉ cần có một chiếc điện thoại có kết nối mạng là có thể có trong tay mọi thứ.
Tuy nhiên mạng xã hội đều là ảo, ở đó luôn tồn tại những rủi ro và thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng đến tâm lý của giới trẻ. Ví dụ như những nguồn tin không chính thống, tin bịa để câu like hoặc những hình ảnh, trò chơi thiếu lành mạnh.
Quả thực không khó để bắt gặp những bình luận chứa đường link và hình ảnh nhạy cảm tràn lan khắp các trang mạng xã hội. Đây chính là những nguy cơ tiềm tàng, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới suy nghĩ và sự phát triển tâm sinh lý của các bạn trẻ.
Sự hiểu biết và va vấp của giới trẻ vẫn còn hạn hẹp, mà không gian trên mạng lại vô cùng rộng lớn và phức tạp. Nếu không cẩn thận các bạn sẽ rất dễ đánh mất ranh giới giữa hiện thực và việc “sống ảo”, từ đó dẫn đến các suy nghĩ sai lệch, thậm chí là tiêu cực.
Xem thêm: ‘Đút túi’ loạt bí kíp chụp ảnh trước gương đẹp, sang, ‘ngầu’ từ dân ‘sống ảo lành nghề’
2. Biểu hiện của việc sống ảo là gì?
Sống ảo đang trở thành một xu hướng tại Việt Nam và để lại rất nhiều ảnh hưởng tới giới trẻ. Có thể nhiều người còn chưa hiểu rõ sống ảo là gì, thế nhưng vì nó mà các bạn trẻ đang dần thu mình khỏi cuộc sống hàng ngày, trở nên cực kỳ ít nói và nhút nhát.
Thế nhưng khi ngồi sau màn hình điện thoại hay máy tính, họ hoàn toàn có thể trở thành những cỗ máy chém gió không biết mệt.
Để hiểu rõ hơn về khái niệm sống ảo là gì, hãy cùng tham khảo những biểu hiện của việc sống ảo dưới đây nhé.
2.1 Chụp ảnh tự sướng ở bất cứ đâu
Điển hình như việc một số bạn trẻ đi đâu chơi cũng thích chụp ảnh. Họ có thể chụp từ lúc đi cho tới tận lúc về mà chả buồn hỏi han, nói chuyện với người đi cùng. Dù là đi ăn, đi dự đám cưới, đám tang, đi chùa hay thậm chí là vào nhà vệ sinh trong khách sạn… họ luôn cầm điện thoại để chụp ảnh, chỉnh sửa mất cả tiếng đồng hồ để đăng tải lên mạng xã hội.
Những gì họ quan tâm chỉ có việc tấm ảnh của mình có đẹp hay không, đăng lên có được nhiều người like hay không, có được khen ngợi hay không. Đồng thời những người này sẽ rất nhạy cảm và dễ nổi cáu, nếu như có ai đó chê bai hoặc có bình luận về bức ảnh không theo ý họ.
2.2 Cuồng like
Hiện tượng này chính là biểu hiện vô cùng rõ nét của người thích sống ảo. Dù gặp chuyện vui hay buồn họ cũng muốn chia sẻ và đăng tải trên mạng xã hội, sau đó để ý xem có bao nhiêu người like bài viết, hình ảnh của mình, và có đứa bạn nào chưa like. Nhiều khi họ còn mượn máy của bạn bè để tự mình ấn like, thả tim cho hình ảnh và status của bản thân.
2.3 Luôn dính chặt lấy điện thoại
Với những người thích sống ảo, điện thoại gần như là vật bất ly thân của họ, họ luôn thích để ý xem ai mới bình luận, ai mới thích ảnh của mình…
2.4 Tô vẽ cho bản thân những hình ảnh không có thật
Sự thật và dối trá trên mạng xã hội đôi khi chỉ cách nhau một bức hình. Điển hình như việc những người buôn bán các sản phẩm đắt tiền, thường sẽ tự dát lên mình một hình tượng giàu có, tài giỏi và xa hoa, bởi có như vậy mới dễ được khách hàng tin tưởng và mua hàng. Tuy nhiên trong thực tế, không phải nhân viên kinh doanh nào cũng có tiềm lực tài chính mạnh như những gì họ thể hiện.
Bên cạnh đó, một số bạn trẻ thích đua đòi sống ảo, muốn được bằng bạn bằng bè mà bất chấp bỏ ra một số tiền lớn để mua những món đồ đắt tiền, bất chấp việc họ có thể phải chịu đói một thời gian vì mua sắm quá đà.
3. Tác hại của việc sống ảo
Không thể phủ nhận các trang mạng xã hội là nơi có lan tỏa truyền thông vô cùng mạnh mẽ, chính vì thế một số người đã lạm dụng và sống ảo nhiều hơn. Sống ảo đôi khi là vì công việc và đôi khi lại là sở thích của bản thân.
Sống ảo không xấu nhưng nếu không biết điểm giới hạn của sống ảo thì việc sống ảo trở nên xấu và gây ra hệ lụy nguy hiểm mà ta thậm chí không thể lường trước được. Vậy tác hại của sống ảo là gì và chúng được thể hiện ra sao? Hãy cùng điểm qua các dấu hiệu sau nhé:
3.1 Khiến bạn trở nên vô cảm
Khái niệm sống ảo đang dần dần khiến giới trẻ trở nên vô cảm, thờ ơ hơn với cuộc sống. Ví dụ như khi thấy người gặp nạn, thấy hỏa hoạn hoặc là cảnh đánh nhau trên đường, điều đầu tiên họ nghĩ đến không phải là gọi cảnh sát, kêu gọi giúp đỡ hay can ngăn mà là rút điện thoại ra để quay video, live stream cảnh tượng trên mặc cho nạn nhân có ra sao.
Hay khi có tin đồn lá cải về một ai đó, dù điều này chưa hề được chứng thực như cư dân mạng vẫn sẽ nhao nhao mắng chửi, nhục mạ đối phương mà không hề nghĩ đến hậu quả. Điều này thực sự đã dẫn đến những vụ án vô cùng thương tâm, bởi không phải ai cũng có tinh thần vững chắc để đối diện với sự lên án dã man từ phía cộng đồng mạng.
3.2 Làm tốn thời gian của bạn
Có những người chỉ sử dụng mạng xã hội để đọc tin tức, giải trí hoặc trò chuyện với bạn bè. Nhưng có những người lại không kiềm chế được mà chìm đắng trong thế giới mạng hàng giờ, thậm chí là thức nguyên đêm để lướt mạng.
3.3 Làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn
Việc sử dụng điện thoại quá nhiều và đặc biệt là về đêm sẽ khiến thị lực suy giảm, gây nên các bệnh về mắt như mỏi mắt, khô mắt… Nhiều trường hợp còn gặp phải áp lực tâm lý khi bị công kích trên mạng, dẫn đến việc suy sụp và nghĩ quẩn.
3.4 Tiếp nhận thông tin sai lệch
Bạn sẽ chẳng thể tránh khỏi việc tiếp cận với những luồng thông tin sai lệch, hay hình ảnh phản cảm, đồi trụy hiện hữu trên mạng xã hội.
4. Sống ảo trong tiếng Anh là gì?
Sống ảo trong tiếng Anh được định nghĩa là ‘Virtual living’, mang hàm ý ám chỉ những người dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng mạng xã hội và rời xa cuộc sống thực tế.
Còn có một số trường hợp sống ảo nữa được gọi là ảo tưởng sức mạnh: ‘Vain’ có nghĩa là người tự tin thái quá về ngoại hình cũng như giá trị của bản thân, cả trên mạng xã hội lẫn ngoài đời thực.
Bạn có thể tìm hiểu rõ hơn về từ này qua những ví dụ sau:
- You're in virtual living very long time. Let come back to the real life
Tạm dịch: Bạn sống ảo lâu quá rồi đó. Hãy quay về đời sống thực đi - Virtual living is living in paranoia that is not true to the reality of life.
Tạm dịch: Sống ảo là sống trong sự hoang tưởng, nó không đúng với cuộc sống thực tế. - Not too vain about yourself!
Tạm dịch: Đừng quá ảo tưởng về bản thân bạn như thế!
Xem thêm: 50+ status đồ ăn hay ho mà dân mê ‘sống ảo’, ‘nghiện’ ẩm thực nhưng hay ‘bí’ ý tưởng phải biết
Tuy việc sử dụng mạng xã hội không hề xấu, nhưng bạn cần phải biết sử dụng chúng cho đúng mục đích và tránh xa những điều xấu. Sống ảo ở một phương diện nào đó có thể là cách để ta thể hiện cái tôi và cá tính của bản thân, thế nhưng bạn cần học được cách cân bằng giữa đời sống thực và không gian trên mạng, có như vậy mới có thể đảm bảo bản thân không bị đắm chìm trong không gian ảo đó.
Hy vọng với bài viết trên, các bạn đã có được cái nhìn tổng quan nhất về khái niệm sống ảo là gì cũng như cách để điều chỉnh bản thân, tránh xa cái xấu và giúp không gian mạng trở nên lành mạnh, thân thiện hơn.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet