Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bình luận: Công ước Luật Biển Quốc tế và quy tắc ứng xử ở Biển Đông

(VOH) Cách nay vừa tròn 30 năm, năm 1982, Công ước Luật Biển Liên hiệp Quốc - gọi tắt tên tiếng Anh là UNCLOS - Hiến chương Thế giới về Biển và Đại dương ra đời. Công ước được coi là Hiến pháp của Thế giới về các vấn đề biển và đại dương vì đã xác định một cách toàn diện quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển, cũng như quy chế pháp lý của vùng biển quốc tế và đáy biển quốc tế.

Công ước cũng quy định thành lập một loạt cơ chế quốc tế quan trọng liên quan đến hoạt động ở biển và dại dương như Tòa án quốc tế về Luật Biển; Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương; Ủy ban Ranh giới thềm lục địa và Hội nghị các quốc gia thành viên công ước. Phòng ngừa việc nếu có tranh chấp xảy ra, Công ước đòi hỏi các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng công ước bằng các biện pháp hòa bình theo đúng quy định của Hiến chương LHQ, đồng thời nêu rõ các cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính triệt để.

Cũng cần nói thêm là nội dung của công ước Luật Biển Quốc tế đã chỉ rõ quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển. Theo đó, các quốc gia ven biển có các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tính đến ngày 5/6/2012 đã có 162 quốc gia ven biển của 5 châu lục tham gia UNCLOS. Năm 1994, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 63 của UNCLOS.

Hiện nay, Biển Đông có 8 quốc gia thành viên của công ước này là Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Brunei và Thái lan. Là thành viên của UNCLOS, VN có nghĩa vụ phải tuân thủ các quy định ghi trong Công ước.

Cụ thể VN có quyền xác định các vùng biển và thềm lục địa theo UNCLOS, nhưng đồng thời cũng có nghĩa vụ tiến hành phân định các vùng biển và thềm lục địa ở những khu vực chồng lấn với các nước láng giềng. Trong báo cáo quốc gia của VN trình Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa đầu tháng 5/2009, VN đã khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN đối với các vùng biển và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS.

Sau khi Công ước Luật biển 1982 có hiệu lực vào năm 1994, VN đã giải quyết được một loạt vấn đề phân định biển với các quốc gia láng giềng. VN đã phân định ranh giới biển với Thái Lan năm 1997; phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000; phân định ranh giới thềm lục địa với Indonesia năm 2003; thỏa thuận khai thác chung thềm lục địa chồng lấn với Malaysia năm 1992…

Có thể nói là trong khi tiến hành các hoạt động ở Biển Đông, VN luôn tuân thủ các quy định của công ước, tôn trọng quyền của các quốc gia khác ven Biển Đông và cũng yêu cầu các quốc gia láng giềng cũng như các quốc gia khác tôn trọng các quyền lợi chính đáng của VN ở Biển Đông. Trước đây có những lúc đã từng xảy ra một số vụ việc xâm hại nghiêm trọng quyền chủ quyền của VN đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, Nhà nước ta vẫn kiên quyết đấu tranh qua đường ngoại giao, qua dư luận và trên thực địa theo hướng hòa bình, hợp tác hữu nghị và cùng phát triển…

Gần đây, do những quyền lợi về đánh bắt cá, về khai thác nguồn tài nguyên dưới đáy biển và vì những mục đích khác… tại một số vùng biển trên thế giới và khu vực đã nóng lên vì vấn đề tranh chấp biển đảo. Tại Đông Bắc Á là vấn đề giữa Nhật Bản và Nga ở khu vực quần đảo Kuril; Nhật và Hàn Quốc về nhóm đảo Dokdo - Takeshima; Nhật và Trung Quốc ở Senkaku/Điếu ngư. Ở vùng Biển Đông là mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Philippines về bãi cạn Scarborough; Trung Quốc chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tàu cá Trung Quốc tràn vào biển Đông, vi phạm trắng trợn chủ quyền của các quốc gia trong khu vực. Ảnh: chinanews

Tại các cuộc hội thảo và trên nhiều diễn đàn quốc tế, những luận cứ và tài liệu khoa học của các học giả và giới nghiên cứu đã phản bác lại những quyết đoán đơn phương và hành động không hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc đưa ra khái niệm về Đường lưỡi bò, thành lập TP Tam Sa, đưa hàng chục ngàn tàu cá có vũ trang ra biển cùng với nhiều hành động không phù hợp khác đã cho thấy nước này đang có những động thái đi ngược lại luật lệ quốc tế và chủ quyền của các quốc gia ven biển và không phù hợp với tinh thần và nội dung của Quy tắc ứng xử ở Biển Đông và Công ước Luật Biển Quốc tế.

Lo ngại về khả năng có thể xảy ra các xung đột giữa các bên trên biển, nhân lễ kỷ niệm 30 năm ngày UNCLOS ra đời, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 22 các quốc gia thành viên công ước, tổ chức ngày 8/6 tại New York, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon kêu gọi các nước tham gia UNCLOS kiềm chế và nỗ lực trong việc gìn giữ hòa bình trên biển bằng cách thực thi nghiêm túc công ước này và ông cho rằng công ước Luật Biển Quốc tế tiếp tục là định hướng quan trọng trong thiết lập tính pháp trị đối với đại dương và biển cả của thế giới.

Phát biểu tại hội nghị, đoàn Việt Nam đã khẳng định các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định của UNCLOS, tôn trọng quyền hợp pháp của các quốc gia ven biển đối với lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ, hợp tác phát triển nghiên cứu khoa học biển, khai thác tối ưu tài nguyên cũng như bảo vệ môi trường biển và quản lý Vùng đáy đại dương quốc tế vì lợi ích của nhân loạ.i.. Việt Nam cũng cam kết tiếp tục tuân thủ các quy định của Công ước Luật Biển của Liên hiệp quốc, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác cùng hành động nhằm duy trì hòa bình, an ninh và thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông.

Ngày 21/6/2012 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Biển Việt Nam, được xây dựng từ năm 1998. Luật biển VN gồm 7 chương và 55 điều, bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2013. Trong đó, Luật Biển của VN xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải VN. Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của VN. Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải VN, hợp với lãnh hải thành vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Luật biển cũng xác định đảo và quần đảo thuộc chủ quyền của VN là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ VN, đồng thời tiếp tục khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền đối với các vùng biển đảo, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - là sự tiếp nối lập trường nhất quán của VN đã được nêu trong nghị quyết 1994 của Quốc hội VN phê chuẩn Công ước Luật Biển 1982 và Luật Biên giới quốc gia năm 2003.

Thêm một lần nữa, Luật Biển quy định rõ Nhà nước VN chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp liên quan đến biển đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, phù hợp với Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế.

Bình luận