Trước đó, ngày 21/7, nhóm 5 người cùng nhau uống rượu liên tục nhân dịp dự một đám cưới, không rõ nguồn gốc rượu.
Sau đó, nhóm người này có biểu hiện mệt, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, chân tay run, có người rơi vào tình trạng khó thở. Một người đã tử vong trước khi vào viện.
Một bệnh nhân cho biết sau khi uống bữa rượu cuối cùng anh cảm thấy rất mệt nên đã ngủ li bì hơn 2 ngày.
Người thân thấy anh nằm ngủ thì nghĩ do say rượu. Hai ngày sau đó khi quá mệt, buồn nôn, chóng mặt, đau người,… người thân đưa đi cấp cứu.
Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc rượu methanol, biểu hiện đau đầu, nhìn mờ, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, nồng độ methanol trong máu cao, nguy cơ tổn thương não.
Kết quả xét nghiệm mẫu rượu các bệnh nhân uống cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34%. Đây là cồn sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp, khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương, đặc biệt với thần kinh thị giác và não.
Trong sáng 24/7, Trung tâm Chống độc tiếp nhận thêm một nam bệnh nhân 49 tuổi, ngộ độc cồn methanol sau 3 ngày uống rượu liên tiếp. Người này không uống rượu ở đám cưới nói trên nhưng bác sĩ nghi ngờ loại rượu bệnh nhân uống cùng một nơi sản xuất.
Khi vào viện, người đàn ông này đã hôn mê. Xét nghiệm thấy lượng cồn công nghiệp methanol trong máu rất cao.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được thông tin từ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai về 5 trường hợp đang cấp cứu, điều trị.
Cục yêu cầu Sở Y tế Thái Nguyên phối hợp với Sở Công thương dừng lưu thông ngay các sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc. Ngành y tế và công thương Hà Nội cần điều tra, ngăn chặn việc sử dụng, lưu thông sản phẩm rượu nêu trên trên địa bàn.
Methanol rất giống rượu ethanol thông thường, thậm chí ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau, người bệnh có thể mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và sâu, co giật, hôn mê. Khi đến viện, đa số bị tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, nguy kịch.