Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, chiều tối ngày 24/10, Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nam 32 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, da nhợt trắng, mạch nhanh 130 ck/phút, huyết áp 60/40 mmHg, chân nhợt trắng không bắt được mạch mu chân và mạch ống gót do vết thương vùng khoeo chân.
Người nhà cho biết, bệnh nhân bị “chém”.
Qua khám và kiểm tra các bác sĩ nhận định đây là trường hợp sốc mất máu do vết thương mạch máu thần kinh lớn vùng khoeo chân, bệnh nhân được cấp cứu hồi sức băng ép, nẹp cố định đùi cẳng chân và đẩy thẳng phòng mổ theo quy trình báo động đỏ.
Kíp thứ nhất do bác sĩ Nguyễn Văn Lâm tiến hành nối mạch máu. Khi mổ kiểm tra, các bác sĩ xác định, đây là một vết thương rất phức tạp, diện vết thương mặt sau khoeo chân chiếm gần hết chu vi khoeo chân, đứt hoàn toàn bó mạch thần kinh vùng khoeo chân, đứt chỏm xương mác và toàn bộ khối cơ mặt sau khoeo và 1/3 trên cẳng chân.
Kíp chấn thương do bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh – Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình tiến hành nối thần kinh, gân, cơ xương.
Tại cuộc mổ, kíp bác sĩ tiến hành khâu nối phục hồi động tĩnh mạch khoeo chân, nối thần kinh mác chung, thần kinh chày và toàn bộ khối gân cơ vùng cẳng chân, cùng với đó tiến hành mở khoang cẳng chân.
Trước và trong mổ, các bác sĩ đã phải truyền 3 lít máu để hồi sức và phẫu thuật cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài trong vòng 3 tiếng đồng hồ.
Sau mổ bàn chân bệnh nhân hồng ấm, mạch mu chân, mạch ống gót bắt rõ. Sau mổ ngày thứ 3 bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt đã thoát sốc, đầu chi hồng ấm còn tê bì cẳng chân, do vết thương ở mõm cụt bị nham nhở và dập nát nên phải mất thời gian dài điều trị từ 2-4 tuần.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - người trực tiếp nối mạch máu cho bệnh nhân cho biết, vấn đề nặng nhất của bệnh nhân không phải là chân bị đứt lìa, mà là tình trạng mất máu rất nặng dẫn tới sốc mất máu. Nếu không được cấp cứu sơ cứu ban đầu tốt và phần chi thể không được cấp máu quá 6 tiếng sẽ nguy cơ cắt cụt chi cao ảnh hưởng tới sức lao động và sinh hoạt sau này.